Xuất khẩu gạo: Bị phản ánh “không tiếp thu” ý kiến, Bộ Công Thương nói gì?

Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng về việc Bộ Công Thương “không tiếp thu” ý kiến đóng góp trong việc điều hành hoạt động xuất khẩu gạo. Trao đổi với PV, đại diện Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã nhiều lần xin ý kiến các Bộ, ngành và giải trình đầy đủ với Thủ tướng.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Cụ thể, trước những vấn đề bất cập trong công tác điều hành, vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai đã ký Văn bản số 4676/BTC-TCHQ báo tình hình công tác quản lý tài chính đối với mặt hàng gạo.

Theo đó, về việc phối hợp thực hiện xuất khẩu gạo theo Quyết định số 1106/QĐ-BCT, Bộ Tài chính cho biết đã có 2 lần tham gia ý kiến với Bộ Công Thương. Cụ thể, tại Công văn số 3905/BTC-QLG ngày 3/4, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm. Ngoài ra, để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết 15/6.

Đến ngày 10/4, bộ này cũng đã có Công văn số 4355/BTC-QLG, theo đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đã được phê duyệt và thông báo kết quả trúng thầu. Tuy nhiên sau đó, các DN này có văn bản từ chối hoặc không đến ký hợp đồng với số lượng 160.300 tấn.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những DN đã trúng thầu với Cục Dự trữ nhà nước khu vực, và phải ký hợp đồng giao hàng xong, chỉ thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6.

Phương án điều hành hiện tại khiến DN xuất khẩu gạo "tiến thoái lưỡng nan".

Tại công văn này, Bộ Tài chính đánh giá phương án điều hành nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương cho thấy DN rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: thứ nhất, giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các DN, có sự giám sát của Bộ Công thương. Thứ hai, giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

"Tuy nhiên, các ý kiến nêu trên không được Bộ Công Thương tiếp thu", Bộ Tài chính khẳng định.

Nói về vấn đề trên, đại diện Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã nhận được văn bản của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý tài chính đối với mặt hàng gạo. Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định các ý kiến tham gia đã được Bộ Công Thương tổng hợp và giải trình với Thủ tướng Chính phủ.

"Phương án điều hành xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công Thương 2 lần xin ý kiến các Bộ, ngành. Ý kiến tham gia của các Bộ, ngành đã được Bộ Công Thương tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 6/4/2020.

Các ý kiến mới đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ đã kết luận và có ý kiến chỉ đạo về vấn đề xuất khẩu gạo sẽ được Bộ Công Thương tổng hợp, phân tích và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2020. Tất cả các báo cáo của Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn sau đó của Bộ Công Thương đều được công bố kịp thời, công khai, minh bạch để báo chí, các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện và đưa tin", đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Trước những vấn đề bất cập rất cụ thể của Bộ Tài Chính đặt ra, liệu rằng cách trả lời của Bộ Công Thương đã hợp lý và có thể giải quyết vấn đề trong việc điều hành hoạt động xuất khẩu gạo?

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, hiện nay, theo quy định nguyên tắc quản lý hạn ngạch như (nhất là hạn ngạch cấp theo tháng và DN nào đăng ký tờ khai trước thì được xuất khẩu trước đến khi hết hạn ngạch) dẫn đến việc DN không dám ký trước hợp đồng với đối tác.

Nguyên nhân là do chưa biết chắc có được đăng ký để xuất khẩu không, trường hợp ký hợp đồng có thể phải bị phạt vì không giao hàng đúng hợp đồng, và có thể chịu các chi phí khác liên quan đến lưu tàu, lưu container, hàng tồn kho… Ngoài ra, DN cũng chịu các thiệt hại do không tận dụng được cơ hội kinh doanh, trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu trên thế giới đang tăng cao do nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của các nước đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngoài ra, việc các DN từ chối bán hàng cho dự trữ nhà nước nhưng sẵn sàng xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính cho biết, đã đấu thầu được 178.000/190.000 tấn gạo theo kế hoạch năm 2020.

Nhưng hiện có 26 DN đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo trúng thầu nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng, hoặc không đến ký hợp đồng, với số lượng là 170.300 tấn, chỉ có 7.700 tấn đã ký hợp đồng. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc có hay không dấu hiệu trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo?