Xử lý nghiêm tài sản, thu nhập kê khai không trung thực

(Mặt trận) - Ngày 6/9, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Anh chủ trì Hội nghị.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Tại Hội nghị, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung phản biện xung quanh quy định về việc xử lý đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý; đề xuất những nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng liên quan đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; việc kê khai tài sản, thu nhập...

Góp ý quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, tài sản đã không chứng minh được nguồn gốc, không chứng minh được tiền mua tài sản, không chứng minh được tài sản đó là hợp pháp, có thể coi là tài sản gian, tài sản do vi phạm pháp luật mà có.

"Tài sản đó phải tịch thu chứ không thể đánh thuế 45% mức thuế thu nhập cá nhân. Nếu đánh thuế như vậy cứ ăn cắp 10 đồng, nộp thuế 4 đồng rưỡi thì tài sản đó sẽ trở thành tài sản hợp pháp?", ông Dung bày tỏ.

Ông Dung kiến giải, bản thân chữ "thu nhập" đã nói đến sự hợp pháp. Còn loại thu nhập bất hợp pháp không chứng minh được mà cũng đi đánh thuế để trở thành hợp pháp thì không được. Chính vì vậy chỉ có một phương án duy nhất đó là tịch thu sung công quỹ nhà nước. Đây chính là biện pháp khoa học nhất và phù hợp với đạo luật gốc, đạo luật dân sự và Hiến pháp.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Huy Cương - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đối với những tài sản, thu nhập không giải trình được thì phải coi là tài sản bất chính. Giải pháp hợp lý nhất là đưa ra tòa án để xem xét xung công quỹ hoặc trả lại chủ tài sản hợp pháp.

Bày tỏ quan điểm việc công khai tài sản thu nhập là hết sức quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Văn Huyên - Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, Dự án Luật cần mở rộng các hình thức công khai việc kê khai tài sản, thu nhập chứ không chỉ bó hẹp quy định để người dân tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Ông Huyên cũng đề xuất dự án Luật cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ chức xã hội không sử dụng ngân sách  trong giám sát, phòng, chống tham nhũng.

Đồng quan điểm, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cũng đề nghị dự án luật phải có những điều khoản quy định rõ ràng, cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong giám sát, phòng, chống tham nhũng.

Ở một góc nhìn khác, GS.TS Trần Ngọc Đường khẳng định, việc hình thành một cơ chế pháp lý ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo ông Đường, tiêu cực tham nhũng cơ bản và chủ yếu xảy ra trong các cơ quan nhà nước. Người đứng đầu cơ quan nhà nước nghiêm túc gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật, có ý chí và quyết tâm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan mình thì ở đó tiêu cực, tham nhũng khó có điều kiện xảy ra. Hơn nữa, tiêu cực, tham nhũng có xảy ra thì trước hết và chủ yếu là ở những người có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước, trong đó có người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan đó.

"Việc hình thành các quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng phải được xem là một nội dung quan trọng và xuyên suốt dự án Luật.", ông Đường đề xuất.

Tại Hội nghị, các ý kiến cũng đề nghị Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần quan tâm làm rõ quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bổ sung các hình thức công khai, minh bạch trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có cơ chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là dự án luật rất khó, cần có sự nghiên cứu kỹ đối với từng vấn đề và có sự tham gia, góp ý của nhiều cơ quan, tổ chức và nhân dân để hoàn thiện.

Xác định tầm quan trọng của dự án Luật này, thời gian qua Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo góp ý vào các nội dung của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ban Thường trực UBTƯ MTTQ cũng có văn bản gửi tới Ủy ban Tư pháp Quốc hội góp ý cụ thể vào quy định tại Điều 32 về thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập; quy định tại Điều 59 của Dự thảo và kiến nghị trong dự án Luật cần tiếp tục hoàn thiện hơn cơ chế nhân dân tham gia chủ động, tích cực và hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với các nội dung của dự thảo Luật, từ đó có kiến nghị gửi tới cơ quan soạn thảo và các cơ quan có thẩm quyền khác trước khi dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vào cuối tháng 10/2018.