Xây dựng xã hội học tập ở mọi cộng đồng dân cư

(Mặt trận) - Chiều 5/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Hội trong thời gian vừa qua và công tác phối hợp hoạt động với MTTQ Việt Nam trong thời gian tới. Ông Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng chủ trì Hội nghị.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, các Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo GS.TS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, trong 10 năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và 6 năm triển khai Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, Hội Khuyến học Việt Nam, với tư cách là một thành viên của MTTQ Việt Nam, đã có sự phát triển nhanh mạnh và bền vững. Trong đó, tổ chức Hội đã phát triển rộng khắp trên hầu hết địa bàn dân cư, thôn/tổ dân phố và trong nhiều cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức đoàn thể. Đến nay, Hội có 158.479 chi hội khuyến học và 114.291 ban khuyến học hoạt động tại cơ sở, số hội viên chiếm 18,44% dân số trong cả nước.

Ông Dong cũng khẳng định, việc triển khai cuộc vận động xây dựng các gia đình học tập, dòng học học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và cấp hành chính xã học tập đã có tác dụng mạnh mẽ tới việc vận động nhân dân học tập suốt đời, nâng cao dân trí và trình độ chuyên môn nghề nghiệp, xây dựng văn hoá học tập, đặc biệt quan trọng là giúp cho đông đảo người dân trở thành những lao động được đào tạo nghề. Phong trào khuyến học, khuyến tài đã góp phần tích cực vào việc xây dựng diện mạo nông thôn mới, khu đô thị văn minh, khu dân cư văn hoá.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Đặc biệt, Quỹ Khuyến học Việt Nam đã phát huy tác dụng ngày một mạnh hơn trong việc giúp trẻ thoát khỏi nguy cơ bỏ học vì nghèo đói, động viên được hàng chục nghìn học sinh, sinh viên học giỏi. Cuối năm 2017, số tiền trong hệ thống Quỹ Khuyến học trên địa bàn cả nước lên tới 3.357 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 37.075 đồng/người dân.

Hệ thống Trung tâm Học tập cộng đồng dành cho việc học tập thường xuyên của người lớn đã phủ kín gần địa bàn xã/phường/thị trấn: 11.084 trung tâm/11.162 xã/phường/thị trấn; mỗi năm có trên 20 triệu lượt người lớn học tại các trung tâm này.

Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định, việc thúc đẩy xã hội có được thành công như ngày hôm nay là có sự đồng thuận, sự đóng góp của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến cơ sở.

Theo bà Doan, trong thời gian tới, hai bên cần tập trung phối hợp nhằm đẩy mạnh học tập cho người lớn, coi đây là vấn đề mấu chốt để đất nước phát triển, không tụt hậu.

Bà Doan đề nghị, để phong trào xã hội học tập có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, UBTƯ MTTQ Việt Nam nên có văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Mặt trận các cấp phối hợp với Hội Khuyến học cùng cấp tiến hành giám sát, phản biện việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có lĩnh vực giáo dục cho người lớn ở Trung ương và từng địa phương; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối giáo dục của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về xã hội học tập để nâng cao nhận thức của toàn dân về sự nghiệp đổi mới giáo dục, đẩy mạnh đổi mới các hình thức học và tự học của nhân dân cùng các cơ chế, chính sách tương ứng để mỗi người dân có thể lựa chọn cho mình một phương thức học tập suốt đời.

“Trước mắt cần quán triệt đưa tinh thần học tập cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Mặt trận, đưa cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam là đơn vị kiểu mẫu về đơn vị học tập.”, bà Doan đề nghị.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những nỗ lực của Hội Khuyến học Việt Nam trong việc phát triển các chi hội, tổ chức hội và sự lớn mạnh về hội viên, để từ đó nâng cao về số lượng và chất lượng, tạo sức lan tỏa tinh thần học tập, thấm sâu vào trong nhân dân, trong cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, từng gia đình của người dân trên mọi miền Tổ quốc.

“Nói đến Hội khuyến học là nhân dân cả nước nghĩ đến khuyến học, khuyến tài, phát triển đất nước.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, phong trào khuyến học luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm, tạo điều kiện vì giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Hiện nay, nhận thức trong xã hội đối với Hội Khuyến học ngày càng có sự biến chuyển, từ đó tạo nên phong trào dòng họ học tập, làng xã học tập, huyện học tập,…

Với 95% trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã đang hoạt động hiệu quả thông qua việc trang bị kiến thức từ luật pháp tới các kỹ năng, được học nghề để phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của dân tộc; hội viên Hội Khuyến học đã khẳng định được chất lượng hoạt động của mình thông qua việc nói đi đôi với làm. Quỹ khuyến học đã cấp học bổng cho hàng triệu trẻ em nghèo, hàng chục vạn học sinh, sinh viên giỏi; hỗ trợ hàng nghìn giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để yên tâm bám lớp, bám trường.

Là thành viên của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng Hội đã hưởng ứng triển khai nội dung các chương trình hành động của Mặt trận thông qua việc nhân rộng các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt về khuyến học, khuyến tài trong các tầng lớp nhân dân; triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nội dung quan trọng là phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập ở mọi cộng đồng dân cư; tích cực triển khai các hoạt động tham gia giám sát và phản biện xã hội, từ đó góp phần làm cho địa bàn dân cư mạnh, cho công tác Mặt trận cấp xã, huyện vững mạnh.

Từ những kiến nghị của Hội, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong văn bản chỉ đạo giám sát của Mặt trận, cần nêu rõ trong kế hoạch phối hợp giám sát chung về thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo các nội dung giám sát của Hội và tổ chức tuyên truyền rộng rãi để tạo phong trào thực hiện trong toàn xã hội.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Cùng với đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần có công văn gửi tới Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp yêu cầu phối hợp giữa MTTQ và Hội Khuyến học để thực hiện khuyến học, khuyến tài, hoạt động Mặt trận các cấp cần gắn với khuyến học, khuyến tài để thúc đẩy phong trào học tập trong toàn dân. Đồng thời, tiêu chí về khuyến học khuyến tài cần đưa vào tiêu chí công nhận xã Nông thôn mới, gia đình tiêu biểu trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

“MTTQ sẽ nghiên cứu bộ tiêu chí đánh giá Thành phố học tập và Công dân học tập, Đơn vị học tập, từ đó lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để ban hành bộ tiêu chí chính xác”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng, với truyền thống hiếu học, trọng đức, trọng tài của dân tộc; cùng với sự tâm huyết, trách nhiệm, kinh nghiệm dày dặn của đội ngũ những người làm công tác khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.