Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng pháp luật

(Mặt trận) - Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy trong xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó cần: Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng pháp luật; đánh giá toàn diện kết quả thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; chú trọng lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của pháp luật; đối với các vấn đề lớn, phức tạp cần kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy trong xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. 

Đó là nội dung tại Thông báo 273/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Thông báo nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: (i) chất lượng luật pháp trên một số lĩnh vực còn chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, tính ổn định chưa cao, một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo; (ii) các cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, văn bản theo thẩm quyền để điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với tình hình mới; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa ổn định do vẫn còn tình trạng xin lùi, rút; (iii) công tác thi hành pháp luật chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; tình trạng “chậm, nợ” ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; (iv) ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, người dân chưa cao.

Tồn tại, hạn chế trong công tác này xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu: (i) nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, pháp luật còn chưa đầy đủ; (ii) kỷ luật, kỷ cương trong công tác này còn chưa nghiêm; công tác phối hợp còn chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm tính hiệu quả; (iii) tổ chức bộ máy, biên chế của các tổ chức pháp chế còn nhiều khó khăn, thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa đồng đều; (iv) nguồn lực tài chính dành cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiện nay.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Quán triệt chủ trương của Đảng về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là đột phá đầu tiên trong ba đột phá chiến lược. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển. Thực hiện những giải pháp đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, cụ thể, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thi hành pháp luật theo hướng thực chất hơn, bám sát và phù hợp với thực tiễn; tăng cường đội ngũ cán bộ có năng lực, trách nhiệm và đầu tư thỏa đáng cho công tác này; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cụ thể và việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy trong xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó cần: Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng pháp luật; đánh giá toàn diện kết quả thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; chú trọng lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của pháp luật; đối với các vấn đề lớn, phức tạp cần kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế: Tiếp tục nghiên cứu, hiện đại hóa kỹ thuật lập pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác này.

Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội trong việc hoạch định các chiến lược trong các lĩnh vực pháp luật, tư pháp; xây dựng Đề án “Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”, theo đó cần tập trung vào các dự án luật: (i) phục vụ yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, tài chính, hợp tác công - tư; (ii) đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật; (iii) nghiên cứu, hoàn thiện khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. 

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát pháp luật về tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật; xác lập quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật; công tác thẩm định, thẩm tra, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phải gắn kết chặt chẽ với công tác theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần tiếp tục đổi mới, đặt trọng tâm vào các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế, bảo đảm pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ nhân dân.

Đầu tư hơn nữa nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn.

- Trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật; đầu tư hơn nữa nguồn lực cho công tác này; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.

- Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Tư pháp phối hợp chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo đảm nguồn lực về tài chính, con người và các điều kiện cần thiết khác để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.

Nhằm đạt mục tiêu cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, Chính phủ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện các quy định thiếu thống nhất, không còn phù hợp, văn bản có nội dung trái pháp luật, vi phạm trong thi hành pháp luật để có các biện pháp xử lý phù hợp.

Tòa án nhân dân tối cao đẩy mạnh việc lựa chọn, xây dựng, công bố án lệ để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà chưa được pháp luật quy định cụ thể. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Chính phủ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.