Viết tiếp ‘biên niên sử’ báo chí về dân tộc Việt Nam

(Mặt trận) - Nhắc lại truyền thống hào hùng của Thông tấn xã Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thế hệ tiếp nối phải viết tiếp lịch sử phát triển của ngành sao cho xứng đáng với các thế hệ đi trước, với đồng nghiệp, xứng đáng với những người đã viết nên một "biên niên sử" báo chí về dân tộc Việt Nam, “không chỉ bằng trí tuệ, sự nhiệt huyết mà bằng cả máu, bằng tấm lòng quả cảm và sự hy sinh anh dũng".

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Sáng 13/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự, phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) (15/9/1945-15/9/2020) tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cùng dự có  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đông đảo các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, công chức, viên chức, người lao động TTXVN qua các thời kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Chúc mừng các thế hệ cán bộ, nhân viên của TTXVN qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm truyền thống 75 năm, Thủ tướng bày tỏ lòng thành kính, tri ân với gần 260 nhà báo liệt sĩ thông tấn (chiếm 2/3 số nhà báo liệt sĩ của cả nước) đã hy sinh anh dũng. “Tôi vừa đi thăm phòng truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam và thực sự xúc động khi thấy một không gian treo kín những tấm chân dung các nhà báo liệt sĩ. Lịch sử 75 năm của Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2020) được viết nên bởi  những sự hy sinh thầm lặng đó, để “dòng thông tin chính thống không bao giờ ngừng chảy””, Thủ tướng nói.

“Không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN đã thực sự là những nhà báo - chiến sĩ, mang theo trong hành trang ra tiền tuyến không chỉ là ba lô, cây bút mà cả cây súng trên tay, trực tiếp tham gia, góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy”.

Những thời khắc lịch sử của dân tộc, dù đau thương hay hào hùng, được bạn đọc biết đến, được thế giới biết đến và ủng hộ, cũng nhờ những thông tin mà các nhà báo - chiến sĩ của TTTXVN đã ghi lại, phát đi.

“Nhiều bạn phóng viên đang ngồi đây sinh ra và lớn lên trong hòa bình, không hề biết đến chiến tranh. Nhưng những trang sử hào hùng, sự hy sinh anh dũng của những nhà báo thông tấn thế hệ đi trước vẫn còn lưu lại ở nơi đây, chính tòa nhà này, trên những tấm bia thờ trong nhà tưởng niệm, trên những kỷ vật trong phòng truyền thống, những bức ảnh lịch sử mà mà các bạn đang triển lãm...”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng TTXVN. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

“Tôi thấy có trách nhiệm phải nhắc lại, để chính các bạn, những thế hệ tiếp nối, phải viết tiếp lịch sử phát triển của ngành sao cho xứng đáng với các thế hệ đi trước, với đồng nghiệp, xứng đáng với những người đã viết nên một "biên niên sử" báo chí về dân tộc Việt Nam, không chỉ bằng trí tuệ, sự nhiệt huyết mà bằng cả máu, bằng tấm lòng quả cảm và sự hy sinh anh dũng".

Từ số lượng cán bộ ít ỏi thuở ban đầu, TTXVN đã trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, cơ quan báo chí  đối ngoại chủ lực quốc gia. Trao đổi thông tin trực tuyến với trên 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế; với gần 2.500 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, trải rộng khắp 63 tỉnh, thành của đất nước và 30 địa bàn quan trọng trên thế giới, TTXVN trở thành cơ quan báo chí có mạng lưới thông tin rộng nhất, phong phú nhất so với các cơ quan báo chí trong nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phát huy truyền thống vẻ vang qua 75 năm xây dựng, trưởng thành, TTXVN cần tiếp tục tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền; thông tin nhanh chóng, chính xác, sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nhanh các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ vào cuộc sống.

TTXVN cũng cần phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. kịp thời đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc; phấn đấu để có ngày càng nhiều hơn những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống, những bài chính luận, bình luận sắc sảo, có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, góp phần định hướng dư luận xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Nhiệm vụ trước mắt và hết sức quan trọng của TTXVN là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phản ánh ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo các văn kiện và báo cáo trình Đại hội Đảng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực quốc gia, TTXVN có con đường riêng của mình, là "ngân hàng tin" cung cấp thông tin định hướng chính thống cho hệ thống báo chí, cho công chúng trong và ngoài nước, là nguồn thông tin báo cáo có giá trị phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu. Đó là chính là bản sắc riêng, giá trị nền tảng mà TTXVN cần tiếp tục phát huy, giữ vững trong quá trình xây dựng các định hướng phát triển tương lai của ngành. Không phải ngẫu nhiên, cả nước hiện có hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó có nhiều báo in, báo điện tử, nhiều đài truyền hình, nhưng chỉ có 1 cơ quan thông tấn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu và lãnh đạo TTXVN tại lễ kỷ niệm. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Thủ tướng đề nghị mỗi người làm báo của TTTXVN cần nhận thức rõ trách nhiệm, tâm huyết, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng cao chuyên môn, mở rộng tầm hiểu biết, nhạy bén, sẵn sàng dấn thân, làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, đưa TTXVN ngày càng phát triển, xứng đáng với sự hy sinh cao cả, đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Với sức mạnh, uy tín của một cơ quan thông tấn quan trọng quốc gia, TTXVN cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về công nghệ, phát triển trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, hiện đại, đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, kết hợp tốt giữa nội dung và kỹ thuật công nghệ, làm tốt hơn nữa vai trò là "ngân hàng tin" của quốc gia, tiếp tục giữ vững vị thế là một trung tâm thông tin tin cậy của Đảng, nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng TTXVN.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi bày tỏ, những danh hiệu và phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho TTXVN là niềm tự hào, cũng là lời nhắc nhở đối với mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động TTXVN hôm nay phải nỗ lực hơn nữa để viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành trong thời kỳ hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. “Có thể khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, thông tin của TTXVN luôn hướng tới mục tiêu: độc lập, tự do, hòa bình và phát triển của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân”.