Viện Huyết học-Truyền máu TƯ đã tiếp nhận và phát hiện BN 237 thế nào?

Với lịch sử dịch tễ liên quan đến nhiều bệnh viện, BN 237 quốc tịch Thụy Điển, được xử lý như một “tâm dịch” tại Hà Nội.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Trang trọng Lễ dâng hương dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, tỉnh Phú Thọ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, “một dấu mốc bằng vàng chói lọi”

Bệnh nhân nước ngoài không giấy tờ tùy thân

Tối 3/4, Bộ Y tế công bố thêm 4 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có nam bệnh nhân, 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển (BN 237) đã từng đến điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

(Ảnh minh họa)

Bệnh nhân có tiền sử bệnh Leukemia kinh dòng hạt - bệnh ung thư máu dạng tủy mạn tính, đã điều trị 3-4 năm bằng thuốc Nilotinib. Khoảng 4 tháng nay, bệnh nhân không uống thuốc do đi du lịch nước ngoài. Ngày 1/4, bệnh nhân xuất hiện chảy máu mũi nhiều, mệt mỏi, không sốt, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám; kết quả xét nghiệm thấy bạch cầu tăng cao nên được chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng không có người thân và không có giấy tờ tùy thân. Qua khai thác tiền sử dịch tễ, các bác sĩ của Viện đánh giá bệnh nhân có nguy cơ cao nhiễm Covid-19, nên bệnh nhân đã được cách ly ngay vào 1 phòng bệnh khép kín tại Khoa Ghép Tế bào gốc. Viện đã chủ động đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy máu làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. 

Tất cả nhân viên thăm khám, hỏi bệnh và điều trị cho bệnh nhân đều sử dụng trang thiết bị bảo hộ (khẩu trang, kính che mặt, quần áo bảo hộ…). 

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân đôi lúc không hợp tác, đề nghị không điều trị, tự rút dây truyền dịch và gạc cầm máu mũi, đòi ra Viện. Kíp trực đã giải thích tình trạng bệnh và mời Công an phường Yên Hòa, Công an quận Cầu Giấy vào làm việc để phối hợp giải thích cho bệnh nhân.

Theo kiểm tra của công an, thị thực của bệnh nhân đã hết hạn. Do đó, bệnh nhân được yêu cầu tạm thời tiếp tục ở lại Viện để chờ liên lạc từ gia đình. Viện cũng đã liên hệ với Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội để nhờ hỗ trợ, Đại sứ quán đã liên lạc được với con gái bệnh nhân và kết nối để nói chuyện với bệnh nhân. 

Cách ly hoàn toàn Khoa Ghép Tế bào gốc

Sau khi có thông tin về kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Viện đã lập danh sách và tổ chức cách ly tại Viện 45 cán bộ, nhân viên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (F1), cách ly hoàn toàn khoa Ghép Tế bào gốc (khoa điều trị cho bệnh nhân 237). Lập danh sách F2 để cách ly tại chỗ và theo dõi sức khỏe. Mời Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đến lấy mẫu những trường hợp F1 và Phối hợp với Cấp cứu 115 Hà Nội chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; Tổ chức phun khử trùng những nơi bệnh nhân đã nằm điều trị và đã đi qua (khoa Khám bệnh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, thang máy…) cũng như toàn bộ Viện; Đã đề nghị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc việc cách ly.

Đến trưa 4/4, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo kết quả xét nghiệm cho 45 người là F1 của Viện âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2. 

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chưa ghi nhận bệnh nhân nào tại Viện tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đối phó với tình huống xấu nhất khi có bệnh nhân dương tính trong viện. Trong những ngày qua, khi chưa có ca bệnh này, chúng tôi đã xem xét cho bệnh nhân nhẹ chuyển về tuyến dưới. Số bệnh nhân tại Viện hiện nay chỉ còn khoảng 600 người, chỉ bằng một nửa so với trước đây. Thứ 2 là tầng 8 nơi bệnh nhân dương tính từng ở, chúng tôi thực hiện cách ly, phục vụ ăn uống cho tất cả người nhà và bệnh nhân tại tầng đó. Những tầng còn lại sau khi khử khuẩn vẫn hoạt động bình thường”.

Bệnh nhân - người nhà bệnh nhân và người hiến máu là hai đối tượng độc lập, đã được Viện triển khai phân luồng lối đi riêng biệt ngay từ khi vào Viện. Toàn bộ việc khám, điều trị cho bệnh nhân nói trên và các bệnh nhân khác được thực hiện ở tòa nhà riêng biệt, độc lập với tòa nhà Trung tâm Máu quốc gia, nên giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm cho người đến hiến máu tại Viện và nhân viên của Trung tâm Máu quốc gia. Nhân viên tham gia vào công tác khám, điều trị và nhân viên tiếp nhận máu cũng là 2 nhóm tách biệt. 

Trong thời gian cách ly hoàn toàn khoa Ghép tế bào gốc, hoạt động điều trị tại khoa vẫn diễn ra bình thường do các nhân viên của khoa thực hiện. Đồng thời mọi hoạt động chuyên môn tại các đơn vị khác của Viện được hoạt động bình thường.

Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến liên tiếp trong nhiều tuần qua, lượng máu tiếp nhận của Viện sụt giảm nghiêm trọng. Cả tháng 3, Viện chỉ tiếp nhận được 16.000 đơn vị máu, trong khi con số này ở các năm là 32.000 - 36.000 đơn vị. Viện tiếp tục khẩn thiết kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe hãy tham gia hiến máu nhóm O, nhóm A nhân Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4./.