Vì sao Trung Quốc đột nhiên tăng mua gạo từ Việt Nam?

Sau 2 năm trầm lắng, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2020 đột nhiên tăng tới 595% về lượng và 724% về kim ngạch. Tại sao có sự tăng trưởng đột biến này?

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Đổ xô mua gạo Việt

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 thì xuất khẩu gạo lại có sự tăng tốc cực kỳ ngoạn mục. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 929.000 tấn, kim ngạch hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, Philippines là thị trường tiêu thụ mạnh nhất các loại gạo của Việt Nam, chiếm 36% tổng kim ngạch, đạt 357.000 tấn, tương đương 155 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 23% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Xuất khẩu gạo có sự tăng trưởng đáng kể ở cả thị trường truyền thống và những thị trường mới nhờ cung cấp lượng gạo đúng thời điểm nhu cầu thế giới đang tăng cao. Ảnh: I.T

Thị trường Iraq cũng có sự tăng trưởng đáng kể khi lượng xuất khẩu đạt 90.000 tấn, tương đương 48 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm 2019, Iraq không hề tham gia nhập khẩu gạo Việt Nam.

Malaysia là thị trường nhập gạo lớn thứ ba của Việt Nam, tăng mạnh 149% về lượng và tăng 128% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 10% trong tổng lượng và chiếm 9% trong tổng giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng có sự tăng trưởng ngoạn mục như Pháp tăng 554 % về lượng và tăng 723% về kim ngạch; Đài Loan tăng 215% về lượng và tăng 258% về kim ngạch; Senegal tăng 172% về lượng và tăng 198% về kim ngạch; Nga tăng 218% về lượng và tăng 156% kim ngạch.

Đáng chú ý, gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD.

Điều này trái ngược với năm 2018, 2019 khi kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm mạnh, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới 20%.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng mua gạo từ Việt Nam sau 2 năm trầm lắng là do năm 2020 dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khoảng 1,8 triệu tấn, xuống còn 146,7 triệu tấn.

Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, có tác động không nhỏ đến lưu thông hàng hóa toàn cầu và người dân có tâm lý tích trữ lương thực.

Bộ NNPTNT dự định tăng diện tích lúa thu đông

Báo cáo gửi Chính phủ về kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2020, Bộ NNPTNT cho biết sản lượng lúa thu hoạch 6 tháng đầu năm (gồm toàn bộ lúa vụ Đông xuân cả nước) dự kiến đạt 20,1 triệu tấn, trong đó các tỉnh phía Bắc 6,9 triệu tấn, các tỉnh phía Nam 13,2 triệu tấn.

Sản lượng lúa thu hoạch 6 tháng đầu năm (gồm toàn bộ lúa vụ Đông xuân cả nước) dự kiến đạt 20,1 triệu tấn. Ảnh: Báo Tây Ninh.

Riêng 6 tháng cuối năm, toàn bộ lúa vụ Hè thu, mùa, Thu đông cả nước được thu hoạch với sản lượng dự kiến là 23,4 triệu tấn thóc, trong đó các tỉnh phía Bắc là 6,2 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 17,2 triệu tấn.

Báo cáo cũng nêu rõ, kế hoạch vụ Thu đông năm 2020, toàn vùng ĐBSCL sẽ duy trì diện tích 750.000 ha. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), sản lượng lúa thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn, nhu cầu lại tăng 3,7 triệu tấn.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 có thể tác động đến sản xuất, xuất khẩu của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ. Chưa kể, nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có dự kiến tăng do một số quốc gia và người dân có thể mua để tích trữ.

Do vậy, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để điều chỉnh tăng diện tích lúa Thu đông lên khoảng 800.000 ha nếu có thể.

Trước mắt, Bộ NNPTNT sẽ tập trung chỉ đạo xác định khung thời vụ, vùng xả lũ, cơ cấu giống cây trồng và các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho vụ Thu Đông đảm bảo duy trì diện tích, năng suất và khung thời vụ thu hoạch tốt nhất để có thể sản xuất sớm vụ Đông Xuân 2020-2021.