Vì sao Phó Thủ tướng mong mỏi “báo chí khơi dậy những điều tốt đẹp“?

Báo chí thời gian qua đang thiếu dần tính nhân văn, đang thưa thớt những câu chuyện đẹp. Bức tranh xã hội có thể được nhìn một cách méo mó.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

“Chính phủ mong muốn báo chí tiếp tục khơi dậy những điều tốt đẹp trong xã hội”. Tại sao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại nhấn mạnh điều này tại cuộc giao ban báo chí đầu năm? Phải chăng, cuộc sống đang dần thiếu đi những điều tốt đẹp, những việc tử tế, những câu chuyện nhân văn hay nó vẫn âm thầm tồn tại, âm thầm nảy nở mà báo chí, trong dòng chảy ngồn ngộn thông tin của mình đã có lúc thờ ơ, lạnh nhạt?

Đám tang "con gái nhỏ Hải An" (Ảnh: Kenh14.vn)

Những ngày đầu năm mới Mậu Tuất, câu chuyện về “con gái nhỏ Hải An” đồng ý hiến một phần cơ thế của mình sau khi qua đời đã được kể trong nhiều gia đình, được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội sau khi báo chí phát hiện và đưa tin. Hay câu chuyện về những em nhỏ ở Cà Mau, Sóc Trăng trả lại tiền rơi cho người đánh mất, được Thủ tướng và Bộ Giáo dục và Đào tạo biểu dương… Những con người cụ thể, những việc làm cụ thể như vậy, hơn rất nhiều những bài học đạo đức ở trường, ở lớp.

Nhìn lại những giải báo chí gần đây, các tác phẩm đạt giải cao, không phải là những phong trào rộng lớn, những câu chuyện đao to búa lớn, hô khẩu hiệu chung chung mà thường có địa chỉ cụ thể. Đó là ông bí thư chi bộ phường Nghĩa Đô mất chức vì chống tham nhũng hay ông Bí thư Thành ủy Tây Ninh biết sử dụng mạng xã hội để tương tác với người dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo sự thân thiện giữa chính quyền với người dân…Người đọc có thể tìm thấy mình trong đó, có thể học theo một cách tự nhiên.

Báo Tết năm nay, trong một bài báo mang “tầm cỡ” khi nói về vận nước đang lên, tác giả là một vị Ủy viên Trung ương đã điểm lại rất nhiều thành tựu của đất nước trên các mặt chính trị, kinh tế, ngoại giao… nhưng đáng chú ý, ông lại dành một số lượng “câu chữ đáng kể” để nói về những tấm gương bình dị mà cao quý, lặng lẽ đóng góp cho đời. Đó là mẹ Lê Thị Tám, cựu tù Côn Đảo (87 tuổi), chắt chiu những đồng tiền lương ít ỏi, gửi tặng gia đình 64 liệt sỹ hy sinh ở Gạc Ma, là hành trình 15 năm vất vả, nước mắt chan nụ cười của nghệ sỹ Quốc Tuấn cùng con trai mình chiến đấu với căn bệnh quái ác, hiếm gặp làm xúc động hàng triệu con tim…

Nghệ sĩ Quốc Tuấn kể về hành trình cùng con vượt qua khó khăn, bệnh tật (Ảnh: Dantri)

Không phải tự nhiên, một người làm báo có nghề, lại “sa đà” vào những câu chuyện, những con người, tưởng là “nhỏ nhặt” ấy, để nói về vận nước, thế nước. Suy đi, ngẫm lại thì không ai khác, chính những con người bình dị ấy, bằng những việc làm tốt đẹp của mình, đã dâng hiến cho đời hoa thơm, trái ngọt. Họ cao quý chính ở sự bình dị, mộc mạc, không tô vẽ.

Nhưng, nhìn tổng thể bức tranh chung của báo chí, một nhà quản lý báo chí đã nhận định rằng: Báo chí thời gian qua đang thiếu dần tính nhân văn, đang thưa thớt những câu chuyện đẹp. Qua lăng kính báo chí, nhiều khi, xã hội bị nhìn nhận một cách méo mó bởi những thông tin “lá cải”, giật gân, câu khách, mô tả bạo lực một cách tàn nhẫn, khai thác đời tư một cách rẻ tiền, lăng xê những giá trị ảo… Giữa cái xấu và cái tốt đen xen, công chúng có cảm giác, cái xấu nhiều hơn cái tốt, dẫn đến sự bi quan, mất niềm tin, tạo sự lệch chuẩn trong nhận thức. Rõ ràng, trách nhiệm xã hội, tinh thần nhân văn của báo chí đang bị xem nhẹ, thậm chí bị thách thức.

Công chúng vì tò mò bởi thị hiếu nhất thời, có thể tìm đọc những thông tin kiểu đó, nhưng thực lòng, họ không bao giờ muốn xã hội có thêm những Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương, Nguyễn Hữu Tình… hay những vụ thảm sát kinh hoàng khác.

Nếu nói, viết báo như sự khai sáng dẫn dắt, truyền đi cảm hứng về những điều tốt đẹp thì xã hội đang cần lắm sự lan truyền đó. Và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người thường xuyên cập nhật thông tin đa chiều mỗi ngày, rất có lý khi nói rằng: Chính phủ mong muốn báo chí tiếp tục có nhiều bài viết, nhiều tác phẩm, nhiều tin có chiều sâu, khơi dậy sự tốt đẹp trong xã hội, để những điều tốt đẹp đó được nhân lên nhiều hơn.