Vì sao bão số 12 gây thiệt hại lớn?

Cơn bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ vừa qua gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tính đến ngày 8/11, ảnh hưởng của bão đã làm 82 người chết, 26 người mất tích.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Tàu cá của ngư dân Phú Yên bị sóng đánh dạt vào bờ biển thành phố Quy Nhơn. (Ảnh: TTXVN)

Khi cơn bão đang hoạt động trên Biển Đông, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương đã dự báo, bão số 12 là cơn bão rất mạnh, qua các giờ cập nhật với các thông tin: vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13, đến vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 giật cấp 15 và đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ.

Trước khi bão đổ bộ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có nhiều buổi họp bàn các giải pháp ứng phó với bão số 12. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã từng nhấn mạnh: các địa phương không được chủ quan trong ứng phó với bão. Trung ương đã có công điện gửi Ban Chỉ huy các địa phương để liên tục cập nhật thông tin, ứng phó với bão.

Trước khi cơn bão đổ bộ (sáng 4/11), chiều 3/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã có buổi họp trực tuyến với các địa phương tại điểm cầu Khánh Hòa để đôn đốc các địa phương trực tiếp ứng phó khi bão đổ bộ, chỉ đạo tổ chức di dời người dân ở các lồng bè, chủ động cấm biển, đưa các tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn,….

Vậy, sao con số thiệt hại đến thời điểm này lại lớn đến như vậy, khi con số thương vong đã lên đến 108 người chết và mất tích?

Đặc biệt, sự cố đau lòng về tàu vận tải neo đậu trên khu vực bờ biển Bình Định: Có 10 tàu/101 thuyền viên bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn. Đến thời điểm chiều 6/11, đã cứu vớt được 88 người, 8 người chết và 5 người mất tích.

Trong các cuộc họp bàn các giải pháp ứng phó với mưa bão, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã nhắc nhở đến việc không chủ quan khi tàu thuyền đã neo đậu vào bến nhưng người vẫn còn ở trên tàu; đề nghị di dời người dân vào bờ an toàn, không ở lại trên tàu tránh rủi ro nhưng vẫn diễn ra. Cũng đã có những bài học đắt giá cho vấn đề này, tàu VTB 26 (13 thành viên trên tàu) gặp nạn khi trú bão số 2 (tháng 7/2017) tại đảo Ngư (Thị xã Cửa Lò, Nghệ An), bị sóng đánh chìm và đã có thiệt hại về người - là bài học cho các tàu khi đã neo đậu gần bờ nhưng thuyền viên không sơ tán vào bờ.

Đã có nhiều bài học, đã có nhiều nhắc nhở nhưng tại sao những sự việc đau lòng vẫn diễn ra? Đặc biệt khi, dự báo bão đã đổ bộ vào vùng khu vực rộng, không chỉ những tỉnh tâm điểm bão đổ bộ mà hoàn lưu của bão còn ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh lân cận. Dù chưa thực sự hiểu rõ sức bão sẽ tàn phá ra sao thì công tác chuẩn bị trước khi bão vào vẫn cần được đặt lên khẩn trương, cấp thiết và cẩn thận, đặc biệt không có tâm lý chủ quan trước bất kỳ một tình huống nào, từ trên biển, đất liền.

Dẫu biết vùng Nam Trung bộ là vùng ít khi bị bão đổ bộ và ảnh hưởng, nhưng thiên tai một khi đã “nổi giận” thì không chừa một ai. Bởi vậy, chúng ta còn chủ quan, còn nghĩ là không ảnh hưởng đến chúng ta, hoặc cho rằng như vậy đã là an toàn dù đã có nhiều bài học thì vẫn sẽ chỉ là lời nói suông khi thiên tai diễn ra và chúng ta không thể kiểm soát.

Và với các địa phương, Trung ương đã có chỉ đạo, nhưng địa bàn thuộc địa phương mình triển khai đã thực sự sát sao trong công tác kiểm đếm tàu thuyền? Với các tàu tránh bão trên khu vực phao số 0, lãnh đạo cảng hàng hải Quy Nhơn cũng cho biết, các tàu không vào hết được cảng Quy Nhơn bởi số lượng quá tải sẽ làm hỏng cầu cảng, các tàu neo đậu ở phao số 0 không xa lắm. Nhưng các thuyền viên có được vào bờ hay không, công tác chỉ đạo chuẩn bị có quyết liệt?.

Nhận định những nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại lớn trong bão số 12, Trung ương cũng chỉ rõ một số cấp chính quyền địa phương và người dân chưa tập trung cao độ, chưa quyết liệt và thiếu kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn. Việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở nhiều cơn bão đặc biệt là bão số 12 còn nhiều bất cập. Phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn.

Rồi đến bài toán hướng dẫn và chỉ đạo chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, đặc biệt là khu vực ở sâu trong đất liền còn chưa được thực hiện quyết liệt, nhiều nơi không thực hiện do tư tưởng chủ quan. Ý thức chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn của người dân ở một số nơi còn chưa cao…

Thiệt hại nặng nề đã thấy rõ, nhưng bài học từ bão số 12 để lại liệu có được ghi nhớ để thực hiện trong công tác phòng, chống thiên tai?