Vì sao Ban Bí thư ra Kết luận xử lý sai phạm trong tuyển dụng cán bộ?

Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, Kết luận của Ban Bí thư giúp công tác cán bộ đi vào nề nếp, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Quyết tâm đổi mới mạnh mẽ vì sự phát triển của đất nước

Thủ tướng gặp mặt chúc mừng đội tuyển bóng đá quốc gia

Trong Kết luận số 71-KL/TW về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ nói chung, công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc chưa thực hiện đúng quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Ban Bí thư cũng yêu cầu thu hồi quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp có kết luận vi phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tập thể lãnh đạo và cá nhân có liên quan.

Đối với những trường hợp tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức sau ngày 28/12/2017 không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục thì thu hồi quyết định tuyển dụng.

Ông Hoàng Trọng Hưng – Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Hoàng Trọng Hưng – Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, Kết luận của Ban Bí thư giúp công tác cán bộ đi vào nề nếp, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định, quy trình.

Kết luận 71 thực hiện theo thông báo kết luận số 43 ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị. Thực tế thời gian qua cho thấy, vì còn nhiều lý do nên trong công tác cán bộ vẫn còn những sai sót và thiếu về điều kiện, tiêu chuẩn, về quy trình, thủ tục nên phải trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Đặc biệt vẫn còn những vướng mắc, bất cập, chưa thống nhất trong việc xử lý những trường hợp sai phạm liên quan công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có trường hợp đã được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc là nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020- 2025.

Do đó, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong việc xử lý các sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, Ban Bí thư ban hành Kết luận 71 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp có sai phạm đã được phát hiện.

“Kết luận 71 cùng với nhiều văn bản khác về công tác cán bộ nhằm hạn chế, khắc phục, xử lý những sai sót, đảm bảo công tác cán bộ được công khai, dân chủ, đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục. Đặc biệt những năm gần đây, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều văn bản về công tác cán bộ, trong đó có Kết luận 71 nhằm xử lý những trường hợp còn sai, còn thiếu. Thực hiện tốt Kết luận này, chắc chắn công tác cán bộ sẽ tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt từ nhiệm kỳ 2020-2025 công tác cán bộ sẽ không còn sai sót, việc giới thiệu nhân sự được đảm bảo” – ông Hoàng Trọng Hưng cho biết.

Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, công tác cán bộ là khâu then chốt trong xây dựng Đảng và là nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng. Để chọn đúng và trúng cán bộ phải trải qua nhiều khâu liên hoàn, đan xen nhau, bao gồm tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ.

Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra nhiều câu chuyện buồn như trường hợp một nữ nhân viên cắt tóc dùng bằng cấp 3 của chị gái để thăng tiến đến chức Trưởng phòng ở Đắk Lắk, hay một Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế của một tỉnh dùng bằng cấp 3 giả; ký quyết định bổ nhiệm người nhà dù chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn... và nhiều trường hợp khác đã được phanh phui cho thấy trong công tác cán bộ vẫn còn những lỗ hổng, trục trặc cần phải loại trừ.

 Ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Để xảy ra những trường hợp trên cho thấy quá trình giám sát, kiểm tra của các cấp ủy đảng, vai trò của các cơ quan không được chặt chẽ, đã để lọt lưới một số cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, trình độ vào bộ máy. Có lúc, có nơi chưa tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, có trường hợp lợi dụng nguyên tắc để hợp thức hóa ý đồ, mục đích cá nhân.

Thậm chí có trường hợp khi cán bộ xảy ra sai phạm hoặc có đơn thư tố cáo, thậm chí vi phạm pháp luật thì cấp ủy quản lý cán bộ đó mới biết. Từ thực tế nhức nhối đó cần phải có giải pháp để ngăn chặn, phòng chống cũng như có cơ sở để xử lý những trường hợp đã bố trí, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, vi phạm các quy định về bổ nhiệm cán bộ các cấp.

Theo ông Thang Văn Phúc, từ Kết luận của Ban Bí thư cùng với các quy định khác thì các địa phương, cơ quan, đơn vị mới có điều kiện để rà soát lại chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như cán bộ được giới thiệu tham gia vào cấp ủy các cấp. Điều này giúp cho việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ các cấp trong nhiệm kỳ mới đáp ứng yêu cầu về năng lực, phẩm chất, trình độ đã được đặt ra.

“Đây cũng là dịp tổng rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ được giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp. Chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, ngoài báo cáo chính trị, điều quan trọng là phải có đội ngũ lãnh đạo cấp ủy đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu của thời kỳ mới” – ông Thang Văn Phúc chia sẻ./.