Vai trò, trách nhiệm của nghị viện trong phối hợp hành động và đóng góp nguồn lực để đẩy lùi đại dịch

(Mặt trận) - Chiều 7/9 theo giờ địa phương, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tiếp tục diễn ra theo chương trình nghị sự tại thủ đô Vienna của Áo.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có phát biểu tại một số phiên thảo luận.

Tại các cuộc thảo luận, các Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề cùng quan tâm và cấp thiết trong một thế giới đang đổi thay như: Ứng phó với đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế -xã hội sau đại dịch, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống…, thể hiện vai trò, trách nhiệm của nghị viện trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Ứng phó với “thách thức kép”

Thảo luận chuyên đề có nội dung về “Phục hồi sau đại dịch: Chuyển đổi nền kinh tế để chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có phát biểu trực tiếp nêu rõ thế giới hiện đang phải ứng phó với “thách thức kép”, vừa chống dịch COVID-19 vừa tìm cách phục hồi từ sự tàn phá của đại dịch, đồng thời đối mặt những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đe dọa hệ sinh thái, cuộc sống người dân trên toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới thể chế, phương thức quản trị…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, đối với Việt Nam, phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững là thách thức rất lớn. Việt Nam đang ưu tiên huy động các nguồn lực, sự chung tay hành động của mọi người dân, kiên quyết thực hiện nhiều biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch COVID-19 nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì chuỗi cung ứng và bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó toàn diện, giảm mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 25% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030, từ tháng 4/2021 triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh đến 2025, nhằm hấp thụ thêm 2-3% lượng khí phát thải vào 2030, đã sớm gửi Liên hợp quốc Cam kết Quốc gia tự nguyện (NDC) và Quốc hội Việt Nam đã đưa NDC vào Luật, theo đó, đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và tăng lên 27% khi có hỗ trợ quốc tế….

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các nghị sỹ/đại biểu Quốc hội cần ủng hộ, đồng hành và thúc đẩy Chính phủ hành động mạnh mẽ, tăng cường rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, hỗ trợ, giám sát phòng, chống dịch COVID-19 đi đôi thực hiện cam kết COP-21, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phục hồi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững…, khuyến khích phát triển quan hệ đối tác công-tư, đề cao sự nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp, sự ủng hộ cùng hành động của người dân.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác nghị viện nhằm chia sẻ kinh nghiệm cùng ngăn chặn đại dịch COVID-19, hỗ trợ cung cấp vaccine, hợp tác sản xuất vaccine, nâng cao năng lực y tế công cộng, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sản xuất, ổn định chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các nước phát triển giàu mạnh hơn cần đi đầu thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực công nghệ cho các nước đang phát triển.

Tại phiên thảo luận này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định vì đây là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

Nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có hai bài phát biểu. Về nội dung “Ứng phó với đại dịch COVID-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò của các tổ chức đa phương trong kết nối hành động nhằm bảo vệ tính mạng và quyền lợi của người dân “trong khó khăn thách thức, càng sáng lên tình đoàn kết, hữu nghị ấm áp được sẻ chia”, hợp tác quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác đa phương đi đầu là Tổ chức Y tế thế giới với Chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19 (ACT) và Chương trình hợp tác toàn cầu về vắc xin COVAX cùng nhau vượt qua đại dịch. Với tinh thần tương thân tương ái, Việt Nam đã hợp tác, chia sẻ nguồn lực với các nước đồng thời nhận được nhiều sự giúp đỡ quý báu, kịp thời của nhân dân, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế về trang thiết bị, vật tư y tế, san sẻ nguồn vaccine phòng chống COVID-19, tiếp thêm sức mạnh cho người dân Việt Nam để chiến đấu và đẩy lùi dịch bệnh. 

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi, trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đòi hỏi hành động mang tầm chiến lược toàn cầu, các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển, không phân biệt quan điểm chính trị, cần phối hợp hành động, đóng góp nguồn lực của mình, ủng hộ và làm sống động chủ nghĩa đa phương để chiến thắng đại dịch COVID-19; các Nghị viện, các quốc gia cần tiếp tục ủng hộ, tin tưởng và tăng cường hợp tác đa phương với vai trò trung tâm dẫn dắt của Liên hợp quốc, dựa trên các nguyên tắc và giá trị của Liên hợp quốc, cùng sự tham gia của các tổ chức quốc tế, khu vực, qua đó bảo đảm đủ nguồn lực tài chính để đạt được các mục tiêu phục hồi toàn diện và bền bỉ sau đại dịch COVID-19. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, bảo đảm tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận công bằng, bình đẳng các nguồn cung vaccine nhanh chóng, kịp thời với giá cả hợp lý; chia sẻ công nghệ, hợp tác sản xuất vaccine, thuốc điều trị; phát huy tốt hơn nữa các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác khu vực, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp và tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện đầy đủ và đúng hạn các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nghị viện cần chủ động sáng kiến, hành động quyết liệt trong thẩm quyền của mình nhằm tạo điều kiện tốt nhất để chính phủ kịp thời triển khai các chương trình quốc gia ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu.

Đặt người dân vào trung tâm của mọi quyết sách

Về chuyên đề “Giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh phương châm “lấy dân làm gốc” là kim chỉ nam cho mọi chính sách, hành động, “là nhiệm vụ khắc sâu vào tâm trí của mỗi đại biểu Quốc hội”. Theo ông, Đại biểu Quốc hội phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, hành động mạnh mẽ và cả Quốc hội Việt Nam là một khối đoàn kết, tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh vì lợi ích người dân, giảm thiểu tác động đại dịch, tiến lên chiến thắng đại dịch COVID-19, phục hồi, phát triển đất nước.

Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam đã tham gia ngay từ đầu với vai trò nòng cốt trong Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời thông qua và triển khai nhiều quyết định về nguồn lực, ngân sách quốc gia và nhiều biện pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nghèo… nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế, nhưng đặt ưu tiên bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân dù phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt; mọi người dân được hỗ trợ bảo đảm đời sống, chăm sóc y tế, tiếp cận vaccine công bằng... Đồng thời Việt Nam kiên định thực hiện tiến trình dân chủ xã hội với sự ủng hộ của người dân, tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 một cách dân chủ, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, an toàn phòng dịch, với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,6% và kỳ họp Quốc hội đầu tiên tháng 7/2021 đã bầu và Ban Lãnh đạo cấp cao mới của Nhà nước đã thực hiện ngay nhiệm vụ của mình.

Để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các Nghị viện cần có vai trò dẫn dắt quan trọng trong việc đặt người dân vào trung tâm của mọi quyết sách, đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực, sức sáng tạo của mọi người dân, doanh nghiệp. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội về xây dựng và hoàn thiện luật pháp, giám sát thực hiện các chính sách, quan tâm đến phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và ứng phó với tình trạng bất ổn kinh tế, tái nghèo đang lan rộng trong đại dịch. Các Nghị viện cần tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác nghị viện trong phòng, chống dịch COVID-19 để cùng giảm thiểu tác động của đại dịch, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi quốc gia, hướng tới hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hợp quốc.

Theo Chủ tịch Quốc hội, do “giãn cách” trong phòng chống dịch, cần phát huy công nghệ thông tin, chuyển đổi kinh tế số, mở rộng việc số hóa việc trao đổi thông tin và tương tác của cử tri với các nghị sỹ, phát huy việc người dân tích cực tham gia vào các hoạt động Nhà nước. 

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo Quốc hội tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 đã tập trung thảo luận chuyên đề về: “Hướng tới một Hiệp ước toàn cầu về bình đẳng giới”, “Chống lại thông tin sai lệch và ngôn ngữ kích động thù hận trong và ngoài mạng internet cần có các quy định mạnh mẽ hơn”.