Ứng phó thế nào với nguồn lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng?

Đến nay, Việt Nam đã có không ít ca Covid-19 không xác định được nguồn lây nhiễm. PGS.TS Trần Đắc Phu – cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) chia sẻ về cách ứng phó với tình huống này.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Bệnh nhân 243 (Mê Linh, Hà Nội) đã đến BV Bạch Mai từ ngày 12/3, đến ngày 5/4 mới phát hiện mắc Covid-19. Nhiều người cho rằng, bệnh nhân đã ủ bệnh tới 23-24 ngày. Ông nhận định thế nào về điều này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã không tìm thấy kháng thể từ bệnh nhân 243 cho nên về chuyên môn dịch tễ có thể khẳng định, đây là bệnh nhân mới mắc Covid-19. Do đó, có thể loại trừ ổ dịch tại BV Bạch Mai là nguồn lây Covid-19 cho bệnh nhân này mà nên xác định đây là ca lây nhiễm cộng đồng.

Điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân 243 tiếp xúc nhiều người ở nhiều nơi, nhiều vị trí, kể cả những nơi có nguy cơ cao như các bệnh viện mà bệnh nhân đã đến. Hiện rất khó xác định đâu là nguồn lây nhiễm cho bệnh nhân này.

 

PGS.TS Trần Đắc Phu.

Khi không xác định được nguồn lây nhiễm thì chúng ta cần làm gì để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện  có một số ca bệnh chưa xác định được nguồn lây như bệnh nhân 243 (Hà Nội), bệnh nhân 237 người Thụy Điển, bệnh nhân 251 (Hà Nam).

Trước tình hình này chúng tôi đã xác định là có sự lây lan trong cộng đồng. Tất nhiên, chúng tôi sẽ điều tra thêm. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta không nên cứ chăm chăm đi tìm nguồn lây nhiễm vì điều này khá khó và mất thời gian.

Việc quan trọng trước hết cần làm ngay là triển khai những biện pháp để khoanh vùng, dập dịch như: Xét nghiệm phát hiện những trường hợp liên quan đến ca Covid-19 mới phát hiện, tiến hành cách ly bệnh nhân, người tiếp xúc gần (F1) và thậm chí người tiếp xúc với người tiếp xúc (F2), khoanh vùng những vùng có nguy cơ cao để tiến hành dập dịch.

Qua đây, chúng tôi cũng có thể thấy rằng, rất nhiều các địa phương gặp những tình huống như thế này (mất dấu F0) thì chúng ta cũng cần đặt vấn đề phát hiện người tiếp xúc ca bệnh, khoanh vùng dập dịch để dịch không bùng phát, lây lan trên diện rộng. Điều đó quan trọng hơn là chăm chăm đi tìm nguồn lây nhiễm ban đầu.

Như vậy phải chăng không cần điều tra đến cùng nguồn lây nhiễm đối với các ca lây nhiễm trong cộng đồng mất dấu F0?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chỉ những trường hợp nào cần thiết thì chúng ta mới xét nghiệm chuyên sâu để khẳng định nguồn lây, còn việc cần thiết phải làm trước tiên là tập trung vào việc phát hiện các ca bệnh mới, cách ly các ca tiếp xúc gần với bệnh nhân, khoanh vùng dập dịch.

Trước đây, phần lớn nguồn lây là ca bệnh nhập cảnh từ nước ngoài về, chúng ta đã phát hiện được những trường hợp ban đầu mắc Covid-19 và tìm những người có liên quan để tiến hành khoanh vùng dập dịch. Đây là biện pháp tốt mà hiện nay chúng ta cũng vẫn triển khai.

Nhưng rõ ràng trong thời điểm này, chúng ta đã có trường hợp lây ra cộng đồng rất khó phát hiện nguồn lây. Nếu cứ chăm chú truy tìm F0 sẽ tốn nhiều thời gian, công sức. Nên tôi vẫn nhấn mạnh rằng việc ưu tiên hơn là phải tiến hành các biện pháp khoanh vùng, dập dịch đối với ca bệnh như xác định đối tượng F1, F2, cho xét nghiệm, cách ly...

 

Ngày 8/4, Hà Nội đã ra quyết định cách ly thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), nơi có bệnh nhân 245 và 250.

Sau 1 tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đã có một số nơi người dân lơi lỏng, đi ra đường khá đông. Ông khuyến cáo ra sao về cách ly xã hội hiện nay?  

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong giai đoạn hiện nay, dù số ca Covid-19 không xác định được nguồn lây ít nhưng rõ ràng đã có sự lây lan trong cộng đồng. 

Chính việc giãn cách xã hội là để người bệnh không tiếp xúc với người lành và người lành không tiếp xúc với người bệnh. Như vậy, người ta sẽ không bị lây sang nhau. Trong một thời gian nhất định khoảng 14 ngày, thì mầm bệnh trong các đối tượng mắc bệnh không còn có khả năng lan truyền nữa thì chúng ta sẽ giải quyết được việc dập dịch.

Như vậy việc giãn cách xã hội vô cùng quan trọng trong thời điểm này, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt, chỉ ra đường trong trường hợp rất, rất cần thiết. Tuy nhiên việc giãn cách phải làm quyết liệt triệt để tất cả các nơi, chứ không thể nơi này làm, nơi kia không quyết liệt thì chúng ta sẽ không thể xác định được nguồn lây bệnh.

Hiện có nhiều trường hợp bệnh nhân Covid-19 không lây bệnh cho người thân mà lại lây cho họ hàng, hàng xóm giống như bệnh nhân 243 và hàng xóm bị lây là bệnh nhân 250. Ông nhận định sao về điều này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Bệnh nhân 243 chưa xác định được nguồn lây nên cũng có thể cả hai bệnh nhân nói trên đều nhiễm bệnh từ một nguồn lây bệnh khác mà hiện chúng ta chưa tìm được. Bởi bản thân những người này cùng tham dự một đám cưới người trong làng nên chưa thể khẳng định điều gì. Còn trong trường hợp bệnh nhân 250 lây bệnh từ bệnh nhân 243 trong khi vợ con của bệnh nhân 243 lại không lây thì có thể do sức đề kháng của mỗi người khác nhau.

Trên thế giới cũng có nhiều trường hợp như vậy, không phải hiếm gặp.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh, dư luận không nên đặt những sự nghi ngờ, định kiến về đời tư của bệnh nhân Covid-19. Điều này có thể khiến bệnh nhân mặc cảm, e ngại khai báo hành trình của mình, ảnh hưởng đến việc điều tra dịch tễ...

Xin cảm ơn ông!