Tuyên truyền để con em đồng bào được đến trường đúng độ tuổi

(Mặt trận) - Đó là mong muốn của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh trong khuôn khổ chuyến giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) tại tỉnh Điện Biên, chiều 18/10, nhằm nắm bắt tình hình và kết quả triển khai Nghị quyết trong giai đoạn 2013-2018.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Hội Cựu giáo chức Việt Nam; ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh Điện Biên.

Ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên báo cáo tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên cho biết, Nghị quyết 29-NQ/TW được quán triệt và triển khai đầy đủ tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội. Công tác tuyên truyền được các cơ quan truyền thông thực hiện đồng bộ, rộng khắp, từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong toàn tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo đó, phương pháp dạy học, cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục được đổi mới theo hướng giảm thiểu lý thuyết, gắn lý thuyết với thực hành, phát triển năng lực người học kết hợp với định hướng nghề nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, góp phần đánh giá toàn diện kết quả giáo dục và đào tạo.

Tính đến nay, có 100% đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1; 100% đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; 43% đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; 70,7% đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 10,8% đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; có 100% đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 33,8% đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; có 28 trường Tiểu học tổ chức dạy tiếng Mông với 154 lớp, 3.928 học sinh; 31 trường Tiểu học dạy tiếng Thái với 129 lớp, 2.992 học sinh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng chia sẻ về những khó khăn của tỉnh Điện Biên khi triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW như học sinh trong độ tuổi từ 15-18 là lao động chính nên ở nhà phụ giúp gia đình và lập gia đình sớm, một số gia đình người dân tộc thiểu số không tạo điều kiện cho trẻ em gái đi học; đội ngũ giáo viên còn thiếu 1.571 biên chế, tập trung chủ yếu ở cấp mầm non ở một số huyện vùng khó khăn và giáo viên các môn chuyên biệt ở cấp Tiểu học và THCS, tiếng Anh cấp THPT. Bên cạnh đó, số phòng học tạm còn nhiều, hệ thống phòng học chức năng, thư viện, thí nghiệm, nhà ở cho học sinh bán trú, công trình vệ sinh chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học…

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, để khắc phục được những khó khăn, những rào cản trên, Điện Biên cần đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng nêu gương người thật, việc thật nhằm thay đổi tư duy trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời phải vận động bà con để bà con hiểu được chỉ có đi học mới là cách thoát nghèo, chỉ có đến trường mới giúp đồng bào thoát khỏi những hủ tục lạc hậu và có cơ hội phát triển kinh tế hộ gia đình.

“Cần nâng cao nhận thức để con em đồng bào các dân tộc phải được đến trường, đến lớp đúng độ tuổi”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị.

Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW để tạo chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh và gia đình; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhằm đổi mới phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá cùng khả năng truyền đạt của giáo viên tới học sinh.

Đề cập đến việc đào tạo nghề cho các em học sinh, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, đào tạo nghề phải gắn với thực tế, tránh hiện tượng hời hợt, phải tạo ý thức lao động trong mỗi em học sinh để khi các em ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng nhân lực tại địa phương và phải có địa chỉ liên kết mà doanh nghiệp cần.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh lưu ý, trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên cần tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục. Đặc biệt cần đẩy mạnh việc xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các mô hình tự quản của cộng đồng dân cư, các mô hình học tập của gia đình, dòng họ và khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên tại những vùng đồng bào khó khăn.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cũng đề nghị, MTTQ cùng các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của mình trong việc triển khai Nghị quyết theo đúng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh đã đề ra, từ đó tạo sự chuyển biến về giáo dục, đào tạo trên toàn tỉnh.