Từ 6h ngày 24/7: Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg

(Mặt trận) - Tối 23/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

 Kể từ 6 giờ sáng 24/7, Hà Nội thực hiện thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN
UBND thành phố yêu cầu người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết

Chỉ thị nêu rõ, trước những diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên cả nước, với chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm. Trong những ngày gần đây liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa xác định được nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn là rất lớn nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để ngăn chặn.

Quán triệt quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch và kết luận tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy ngày 23/7/2021, để đảm bảo an toàn cho Thủ đô, an toàn và sức khỏe cho Nhân dân là trên hết, trước hết, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ như sau:  

 

Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 06h00 ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thông báo công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/7 đảm bảo kịp thời giải quyết các công việc cấp bách trong mọi tình huống.
Đối với các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp Nhà nước trên địa bàn được thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền và đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh.
UBND thành phố yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...
Trường hợp người dân khi di chuyển vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của thành phố.
Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch”; ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị mỗi người dân Thủ đô bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, nhân dân không cần thiết tích trữ hàng hóa; ra ngoài đường khi không cần thiết trong lúc này có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Đồng thời các hộ gia đình, ban quản lý các tòa nhà chung cư, các nhà máy, cơ sở sản xuất tăng cường công tác kiểm tra các thiết bị điện, các thiết bị phòng cháy chữa cháy đảm bảo không để xảy ra các sự cố chập điện, cháy nổ. 
 Phố Tạ Hiện lúc 6h00 sáng ngày 24/7. Ảnh: TTXVN

UBND thành phố yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cở sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.

Hoạt động tang lễ: Chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng.
Các cơ sở được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch theo quy định và chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QR Code.
 Bến xe Giáp Bát thực hiện đóng cửa theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Dừng các hoạt động vận tải hành khách
Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu/cụm công nghiệp phải đảm bảo: Đăng ký hoạt động sản xuất với UBND xã, phường, thị trấn (số lượng, danh sách lao động, phương án đảm bảo sản xuất an toàn phòng chống dịch, thời gian hoạt động sản xuất) và đảm bảo thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch; chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về công tác phòng chống dịch của đơn vị.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp Trưởng ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại Khu/Cụm công nghiệp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân, lao động trong khu/cụm công nghiệp đóng trên địa bàn.
Nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ: Sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” được UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt và thực hiện nghiêm theo phương án đã được phê duyệt. Sẵn sàng phương án, kịch bản duy trì sản xuất an toàn trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất.
UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động tại cơ sở, chủ doanh nghiệp thường xuyên quan tâm, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu cho công nhân.
Các công trình xây dựng trọng điểm cấp bách: Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan báo cáo UBND thành phố xem xét cho phép hoạt động để đảm bảo tiến độ và phải đáp ứng yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh.
 
Đối với các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp bách, quan trọng được cơ quan có thẩm quyền cho phép; các lực lượng và các hoạt động phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.
Dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”); trừ trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.
Công tác vận tải hàng hóa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải (vận tải hàng hóa thiết yếu được ưu tiên “luồng xanh” vào thành phố).
Đối với hoạt động giao thương, cung ứng hàng hóa thiết yếu, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, thành phố tăng cường khai thác các nguồn hàng, đảm bảo lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân cũng như nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất không bị đứt gãy.
Thành lập Sở Chỉ huy chỉ đạo công tác chống dịch
Thành phố cũng thành lập Sở Chỉ huy thành phố đặt tại trụ sở UBND thành phố để trực tiếp chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch thông qua hệ thống giám sát trực tuyến 24/7 và chế độ thông tin, báo cáo.
Sở Chỉ huy thành phố do Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo toàn diện; các Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, điều hành theo khối, lĩnh vực và các nhiệm vụ được phân công.
Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn thành lập và trực tiếp chỉ đạo Sở Chỉ huy thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và tổ chức triển khai Chỉ thị này đảm bảo chế độ báo cáo đầy đủ kịp thời với Sở Chỉ huy thành phố theo quy định.
Sở Chỉ huy các cấp, ngành, địa phương gửi Kế hoạch thực hiện Chỉ thị đã ban hành và phân công thành viên, đầu mối liên hệ, báo cáo Sở Chỉ huy thành phố trước 12h00 ngày 24-7-2021.
Thủ trưởng, Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm báo cáo hàng ngày theo 3 khung giờ: 6h00; 12h00; 18h00 và đột xuất trong các trường hợp phát sinh.
Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông chủ động tham mưu, báo cáo đồng chí Phó Bí thư Thành ủy chỉ đạo toàn bộ công tác thông tin tuyên truyền, phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí liên quan, tổ chức và chỉ đạo triển khai Chỉ thị này theo phân công của Ban Thường vụ Thành ủy.
Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố khẩn trương xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực được giao, báo cáo Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách khối phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện; hoàn thành trước 10h00 ngày 24-7-2021.
 

Sáng 24/7, Hà Nội ghi nhận thêm 9 trường hợp mắc COVID-19 mới

Sáng nay, 24/7, Sở Y tế Hà Nội thông tin ghi nhận 09 trường hợp mới dương tính với SARS-CoV-2, đây đều là các trường hợp F1 thuộc 6 chùm ca bệnh đã có trước đó. Cụ thể:
02 bệnh nhân thuộc chùm liên quan TP. Hồ Chí Minh gồm:

Bệnh nhân T.N.H, nam, sinh năm 1961, ở Đỗ Xuân Hợp, Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, là người về từ TP. Hồ Chí Minh và sống cùng 02 bệnh nhân (hai cháu) đã được xác định dương tính trước đó. Ngày 4/7, bệnh nhân cùng 2 cháu từ quận 12, TP. Hồ Chí Minh về Hà Nội trên chuyến bay QH244 ghế 8C. Bệnh nhân xét nghiệm lần 1 có kết quả âm tính và được chuyển cách ly tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang để chăm cháu - người lúc này đã được xác định dương tính; xét nghiệm lần 2 cũng âm tính. Ngày 22/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, kết quả dương tính.

Bệnh nhân N. B. L, nam, sinh năm 1989, ở Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân. Bệnh nhân là F1 đã được xét nghiệm 2 lần đều âm tính và đang cách ly tập trung tại Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 22/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, kết quả dương tính.

02 bệnh nhân thuộc chùm Tân Mai, Hoàng Mai

 Bệnh nhân N.T.M, nữ, sinh năm 2018, tổ dân phố Thượng Cát, Thượng Cát, Bắc Từ Liêm. Bệnh nhân là F1 (con) của một trường hợp F0, được TTYT Bắc Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm ngày 23/7, kết quả dương tính.

 Bệnh nhân T.B.T, nữ, sinh năm 2013, địa chỉ 714B A2 tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân. Bệnh nhân là F1 (con) của F0, đã xét nghiệm lần 1 (âm tính) và cách ly tập trung tại Học viện Nông nghiệp. Ngày 23/7 xuất hiện sốt, ho được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

01 bệnh nhân thuộc chùm Nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ: Đó là bệnh nhân N.T.D, nữ, sinh năm 1999, ở khu tập thể Giảng Võ, Giảng Võ, Ba Đình. Bệnh nhân là F1 liên quan nhà thuốc Đức Tâm. Ngày 20/7 đã xét nghiệm lần 1 và cho kết quả âm tính. Bệnh nhân được chuyển cách ly tập trung. Ngày 22/7, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho, đau họng chuyển sang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, được test nhanh và xét nghiệm PCR, kết quả dương tính.

01 bệnh nhân thuộc chùm ho sốt thứ phát là P.M.C, nữ, sinh năm 2015, ở Hàm Tử Quan, Phúc Tân, Hoàn Kiếm, là F1 của các bệnh nhân xác định dương tính ngày 22-23/7 tại Thịnh Yên, Phố Huế. Ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

02 bệnh nhân thuộc chùm Trại Găng

Bệnh nhân N.H.Y, nữ, sinh năm 2016, ở Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, là F1 đã được xét nghiệm lần 1 có kết quả âm tính và chuyển cách ly tập trung tại Học viện Nông nghiệp. Ngày 23/7, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Bệnh nhân Đ.T.H, nam, sinh năm 1963, ở Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, là F1 đã được xét nghiệm lần 1 có kết quả âm tính và cách ly tập trung. Ngày 23/7,  bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

01 bệnh nhân thuộc chùm 90 Nguyễn Khuyến, Đống Đa: là V.T.V, nữ, sinh năm 2020, ở Trần Phú, thị trấn Thường Tín, Thường Tín, là F1 của các trường hợp dương tính trước đó, đã được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 có kết quả âm tính, chuyển cách ly tập trung. Ngày 23/7, bệnh nhân xuất hiện sốt, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Như vậy, tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có 675 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 417, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 258 ca.

Kết quả việc lấy mẫu các đối tượng ho sốt tại cộng đồng để xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 để đánh giá nguy cơ theo chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 14 giờ chiều ngày 23/7, toàn thành phố đã lấy được 2878 mẫu trên tổng số 3029 trường hợp được rà soát, thống kê. Hiện tại đã có 2056 mẫu có kết quả âm tính, 13 mẫu dương tính và 809 mẫu chưa có kết quả.