Trung tâm hoạt động cộng đồng thể hiện tính năng động, sáng tạo của địa phương

(Mặt trận) - Ngày 19/5, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng mô hình trung tâm hoạt động cộng đồng ở xã, phường, thị trấn”. Tiến sĩ Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có các thành viên Hội đồng Khoa học cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị nghiệm thu đề tài.

Đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng mô hình trung tâm hoạt động cộng đồng ở xã, phường, thị trấn” do Ban Phong trào của UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, Ths.Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ nhiệm đề tài.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, xã hội ngày càng phát triển thì cùng với đó là sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, nhất là thông tin mạng, đã tác động lớn đến đời sống của người dân trên mọi lĩnh vực trong đó có văn hoá, giáo dục, thể thao, vui chơi giải trí,… Các hoạt động đơn lẻ, với phương thức hoạt động hiện tại của các Trung tâm văn hoá thể thao (TTVHTT) và Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở xã, phường, thị trấn đang ngày càng trở nên không đáp ứng được với nhu cầu của cộng đồng dân cư do hoạt động không thường xuyên, nội dung đơn điệu, chậm đổi mới. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương phát triển nông thôn thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, hoạt động văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng ở cơ sở cần phải hướng đến sự thống nhất về phương thức tổ chức và phát huy tối đa công suất cơ sở vật chất. Vì vậy, yêu cầu đổi mới về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, mô hình hoạt động, cơ chế vận hành của các thiết chế này là một đòi hỏi thực tế khách quan. “Việc tổ chức lại TTVHTT, TTHTCĐ trên cơ sở tịch hợp tất cả các giá trị tích cực hiện có, kết hợp đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất, tổ chức thêm một số hoạt động phù hợp với nhu cầu của người dân để thành một thiết chế thống nhất mang tên Trung tâm hoạt động cộng đồng (TTHĐCĐ) là rất cần thiết. Mô hình TTHĐCĐ nếu được áp dụng sẽ là một trong những giải pháp cụ thể góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” mà Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang phát động và triển khai thực hiện.”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định.

Nhìn một cách tổng quát, từ những vấn đề ý thức cộng đồng và hoạt động cố kết cộng đồng là nguốn gốc, là cơ sở để tổ chức các hoạt động gắn kết của người dân. Xây dựng mô hình TTHĐCĐ ở cấp xã chính là làm cho động lực dân chủ được phát huy tác dụng trong đời sống xã hội, trong mối quan hệ giữa con người với con người nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

 “Gắn kết và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc xây dựng TTHĐCĐ chính là một bước mới trong tổ chức hoạt động của Trung tâm ở cấp xã, đặc biệt là sự kết nối giữa người dân tham gia vào xây dựng các hoạt động văn hóa, xã hội giáo dục, y tế và việc tiếp thu các chủ trương của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể ở cộng đồng nhằm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nêu.

 Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trình bày báo cáo tóm tắt đề tài

Đa số các thành viên trong hội đồng khoa học đánh giá cao kết quả nghiên cứu tại 20/63 tỉnh thành là một bằng chứng thuyết phục. Theo đó, về thực tế việc sáp nhập trung tâm văn hóa- thể thao và Trung tâm học tập cộng đồng của một số địa phương đã diễn ra tại 20 tỉnh, thành phố (với gần 2.000 xã, phường, thị trấn) tiến hành sáp nhập 2 trung tâm (chủ yếu là các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số tỉnh miền Trung), một số tỉnh đã tiến hành sáp nhập 100% xã, phường, thị trấn như: Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu…Tuy nhiên vẫn còn một số tỉnh đang trong giai đoạn làm thí điểm như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Phước, Bình Thuận, An Giang… Mặc dù Chính phủ chưa có yêu cầu sáp nhập các trung tâm, nhưng từ thực trạng hoạt động của các trung tâm, nhiều địa phương chủ động tổ chức sáp nhập 2 trung tâm. Quá trình khảo sát ở một số địa phương cho thấy, việc hợp nhất 2 trung tâm phù hợp, điều đó thể hiện tính năng động, sáng tạo của địa phương.

Qua bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã đồng ý nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng mô hình trung tâm hoạt động cộng đồng ở xã, phường, thị trấn” do Ban Phong trào của UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì thực hiện.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình trung tâm hoạt động cộng đồng ở xã, phường, thị trấn”.

“Đây là đề tài nghiêm túc, chất lượng từ cách nêu thực trạng, đưa giải pháp cũng như các kiến nghị. Đặc biệt là việc đi nghiên cứu ở nước ngoài đã tạo ra sự phong phú cho đề tài. Do vậy, đề tài có giá trị thực tiễn cao. Nếu hoàn chỉnh trình các cấp phê duyệt, sau này có thể nâng đề tài lên cấp Nhà nước.”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần đưa thêm một số điển hình vừa qua đã thực hiện vào đề tài để phân tích những cái được và chưa được, từ đó xây dựng mô hình TTHĐCĐ ở xã, phường, thị trấn sao cho  thống nhất.

“Hoạt động này phải gắn với cộng đồng, gắn với dân, lo cho người dân là chính. Bên cạnh đó, phải đánh giá thật kỹ hoạt động kém hiệu quả tại địa phương hiện nay để có sức thuyết phục khi đưa ra những giải pháp xây dựng mô hình TTHĐCĐ ở xã, phường, thị trấn”, ông Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Hương Diệp