Trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chống dịch hiệu quả và nhanh chóng phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid-19

(Mặt trận) - Tham dự phiên họp toàn thể thứ nhất của Đại hội đồng AIPA – 42 vào chiều ngày 23/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu quan trọng về thúc đẩy hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi tinh thần đoàn kết, trách nhiệm chung của AIPA trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là việc ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19; tăng cường hợp tác nội khối và với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển và chia sẻ công bằng vaccine, thuốc và trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng AIPA lần thứ 42 

Đảm bảo bình đẳng số trong khu vực

Hơn một năm qua, thế giới và khu vực ASEAN tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn của đại dịch Covid-19, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, làm trầm trọng hơn bất bình đẳng xã hội, trong đó có bất bình đẳng về kỹ thuật số và an sinh, phúc lợi xã hội của người dân.

Từ thực tế này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, đại dịch Covid-19 đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với các quốc gia cần đổi mới quản trị đất nước, điều chỉnh chính sách và những mục tiêu phát triển, trong đó có yêu cầu về chuyển đổi kỹ thuật số, xây dựng nền kinh tế số nhằm kịp thời ứng phó với đại dịch, duy trì phát triển kinh tế - xã hội ổn định.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cùng với chuyển động khó lường của môi trường địa chính trị khu vực và quốc tế, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng nhận thấy Cộng đồng ASEAN tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, năng lực tự cường, bản lĩnh vững vàng và vai trò trung tâm của mình, đã hành động kịp thời, chung tay ứng phó đại dịch ngay từ khi mới bùng phát. Càng qua sóng gió, bản sắc của Cộng đồng, tình cảm tương thân, tương ái giữa các quốc gia thành viên và người dân càng được củng cố và bồi đắp. Thông qua các sáng kiến lập Quỹ ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp, lập Quy trình chuẩn ứng phó dịch bệnh, đặc biệt là việc triển khai Kế hoạch chung của ASEAN mua vaccine hỗ trợ người dân và thúc đẩy năng lực tự cường về vaccine ở khu vực, các nước ASEAN đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao khả năng ứng phó chủ động của từng quốc gia, hỗ trợ lẫn nhau từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Với cách tiếp cận toàn diện, song song với kiểm soát đại dịch, ASEAN đang đẩy mạnh các biện pháp theo Khung phục hồi tổng thể ASEAN, trong đó, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, đổi mới mô hình phát triển được xem là đòn bẩy để sớm khôi phục đà tăng trưởng bền vững.

“Đại dịch Covid-19 cũng là chất xúc tác để ASEAN tăng cường số hóa nền kinh tế, thích ứng và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0, thu hẹp khoảng cách về số và đảm bảo bình đẳng số trong khu vực”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đồng thời hoan nghênh Hội nghị Bộ trưởng số của ASEAN nhóm họp tháng 1 năm nay đã thông qua Kế hoạch tổng thể về Số của ASEAN đến năm 2025; ủng hộ nỗ lực thông qua và sớm đưa vào triển khai Chiến lược về Cách mạng công nghiệp 4.0 của ASEAN nhằm tạo lập một Cộng đồng ASEAN đổi mới, sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới.

Ảnh: Lâm Hiển 

AIPA cần đoàn kết, trách nhiệm chung để kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19

Với tinh thần chủ đề của Đại hội đồng AIPA - 42 tập trung thúc đẩy hợp tác nghị viện trong lĩnh vực số, để phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của AIPA và các Nghị viện thành viên đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, đảm bảo tăng trưởng ổn định, phục hồi bền vững của ASEAN, tiếp tục là hạt nhân đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề nghị, các Nghị viện thành viên AIPA cần tích cực hỗ trợ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thực thi chính sách chuyển đổi số, góp phần hoàn thiện Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ, Quốc hội, tăng cường tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số của người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phổ cập số đối với các đối tượng yếu thế, cung cấp dịch vụ số công bằng, bình đẳng, phù hợp với mức thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cần tích cực thúc đẩy và ủng hộ Chính phủ các nước ASEAN triển khai các chương trình, kế hoạch và chiến lược về số trong ASEAN, cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác, các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, bảo đảm hệ sinh thái kỹ thuật số bao trùm, rút ngắn khoảng cách số. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối số, thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia, các vùng, miền nhằm đảm bảo phát triển đồng đều, bền vững trong ASEAN; đồng thời, đề nghị AIPA tích cực hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN đẩy mạnh triển khai các nội dung liên quan thúc đẩy kết nối số, phổ cập số ở các khu vực kém phát triển, trong đó có các tiểu vùng của ASEAN, trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn IV.

Cùng với đó, cần khuyến khích các nguồn lực xã hội để phát triển hệ sinh thái số thông qua hình thức hợp tác công - tư, tạo môi trường vườn ươm doanh nghiệp để phát triển doanh nghiệp số, doanh nghiệp khởi nghiệp số. Đặc biệt, cần tạo điều kiện lồng ghép triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN vào các kế hoạch của từng quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số nhằm ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường các chính sách và khung pháp lý, ủng hộ các sáng kiến trong khuôn khổ các kênh hợp tác của ASEAN cũng như với các đối tác về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu, tạo lập niềm tin trong không gian số. Hạ tầng số hiện đại cùng với niềm tin số sẽ tạo ra một không gian mới rộng mở cho sự phát triển nhanh và bền vững của các nước ASEAN.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp hiện nay của đại dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kêu gọi tinh thần đoàn kết, trách nhiệm chung của AIPA trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là việc ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19; đề nghị tăng cường hợp tác nội khối và với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển và chia sẻ công bằng vaccine, thuốc và trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Nghị viện các nước trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, giảm thiểu các thiệt hại và mau chóng phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid-19 (như Quốc hội Việt Nam đã thực hiện trong Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV vào tháng 7 vừa qua).

“Mọi nỗ lực phục hồi và phát triển của các quốc gia sẽ không thể thiếu điều kiện tiên quyết, đó là môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ các nước ASEAN thời gian qua, với sự đồng hành và ủng hộ tích cực của các Nghị viện thành viên AIPA trong việc duy trì và thúc đẩy các tiến trình đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, giúp ngăn ngừa và giảm thiểu các nguy cơ gây bất ổn, qua đó, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định bền vững ở khu vực, trong đó có Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước về Luật biển năm 1982, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện DOC và sớm đàm phán để ký kết COC.

“Quốc hội Việt Nam cam kết tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của AIPA, vì sự phát triển của ngoại giao nghị viện và quyền lợi của mọi người dân trong ASEAN”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp toàn thể đã nhận được sự chia sẻ, đồng thuận và đánh giá cao của các đại biểu tham dự.

Tại Phiên họp, Trưởng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội/Nghị viện các nước thành viên AIPA cũng bày tỏ thống nhất và đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của Đại hội đồng AIPA - 42. 

Trưởng đoàn Campuchia ủng hộ mạnh mẽ chủ đề của Đại hội đồng, cho rằng rất phù hợp, phản ánh sự cần thiết đạt được một Cộng đồng ASEAN bao trùm hơn, với khả năng kết nối kỹ thuật số hàng đầu nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và phát triển bền vững. Mặc dù ASEAN đã đưa ra các kế hoạch tổng thể nhằm thực hiện được Tầm nhìn ASEAN 2025, trong đó có Kế hoạch Tổng thể chuyển đổi số ASEAN 2025, đóng vai trò “đầu tàu” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực tự cường và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, Trưởng đoàn Campuchia đề nghị, cần bảo đảm quá trình chuyển đổi số bao trùm, hợp tác đa phương trong quản trị số hoá và tăng cường các quy định nhằm bảo đảm chuyển đổi số. Trưởng đoàn Campuchia cũng kêu gọi các nghị sĩ AIPA tăng cường hợp tác nghị viện nhằm xây dựng hạ tầng số bao trùm và an toàn thông qua chia sẻ kinh nghiệm lập pháp về an ninh mạng, thúc đẩy hợp tác công tư, xây dựng năng lực số, nâng cao nhận thức về an ninh mạng cũng như tăng cường quản lý an ninh mạng… 

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Indonesia cho rằng, Đại hội đồng AIPA 42 được tiến hành theo hình thức trực tuyến là minh chứng cho thấy AIPA vẫn tiếp tục hợp tác trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức, khó khăn. Đại dịch Covid-19 cũng là phép thử đối với sự đoàn kết của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc cùng nhau vượt qua đại dịch và phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch. Nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm, Trưởng đoàn Indonesia cũng đề nghị, các nghị viện AIPA cần hợp tác nhằm tăng cường khả năng tiếp cận internet đối với tất cả mọi người dân, nhất là những vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn và giảm thiểu sự chia rẽ số hoá; hợp tác nhằm nâng cao nguồn nhân lực, kỹ năng tận dụng công nghệ kỹ thuật số; hợp tác trong xây dựng, ban hành các chính sách nhằm bảo đảm kết nối kỹ thuật số và bảo đảm an toàn trong các hoạt động số hoá như an ninh mạng, an toàn dữ liệu cá nhân; hợp tác thúc đẩy đổi mới – sáng tạo.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Lào nhấn mạnh, nhằm hướng đến Cộng đồng ASEAN tự cường và đổi mới, các nghị viện thành viên AIPA cần tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệm, tăng cường phối hợp giữa các Nghị viện với tầm nhìn bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng với các công nghệ kỹ thuật số vì sự phát triển của xã hội, thúc đẩy sự tham gia của khu vực công – tư. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các nghị viện thành viên AIPA triển khai đồng bộ Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 và Kế hoạch hành động ASEAN về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (APSTI) 2016-2025 với các chính sách và luật pháp quốc gia tương ứng.

Trước đó, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể thứ nhất, Đại hội đồng AIPA - 42 đã tiến hành bầu Phó Chủ tịch Đại hội đồng AIPA - 42; thảo luận và thông qua: Chương trình hoạt động AIPA - 42, Chương trình nghị sự AIPA - 42, thành phần các Ủy ban AIPA 42, xem xét Chủ nhà đăng cai Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 13, xem xét Chủ nhà đăng cai Hội nghị AIPACODD lần thứ 5, thời gian và địa điểm Đại hội đồng AIPA - 43.