Tranh thủ từng giờ đến với bà con vùng lũ

(Mặt trận) - Ngay sau khi dự lễ tang 13 liệt sĩ hy sinh tại Rào Trăng và chủ trì cuộc họp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn Thủy điện Rào Trăng 3, tại Thừa Thiên Huế, sáng 18/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác tiếp tục di chuyển gấp ra tỉnh Quảng Trị để thị sát, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại đây.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác tiếp tục di chuyển gấp ra tỉnh Quảng Trị, ngay sau khi dự lễ tang 13 liệt sĩ hy sinh tại Rào Trăng và chủ trì cuộc họp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Phó Thủ tướng đã trực tiếp thị sát, thăm hỏi, động viên bà con nhân dân tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Tiếp đó đoàn di chuyển về trụ sở UBND huyện Cam Lộ làm việc ngay với các lực lượng chức năng.

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, từ 19 giờ ngày 5/10 đến 16 giờ ngày 17/10, đã xảy ra 4 đợt mưa tập trung lớn với tổng lưu lượng từ 1.500 mm đến 2.000 mm. Lũ trên các sông ở Quảng Trị đều đã xấp xỉ và vượt báo động 3. Trừ huyện đảo Cồn Cỏ, các huyện/thị xã, thành phố của Quảng Trị đều xảy ra ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng gần 45.000 hộ dân với 162.000 người. Trong đó hơn 12.000 người được di dời về các khu an toàn tập trung.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi người dân tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Quảng Trị đã có 20 người thiệt mạng, 27 người mất tích (trong đó có 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, Quân khu 4, đóng tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa). Địa phương cũng ghi nhận nhiều thiệt hại về vật chất về thủy sản, lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm…, Nhiều tuyến giao thông huyết mạch, công trình thủy lợi quan trọng đã bị sạt lở, hư hỏng nặng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết trong vòng 11 ngày, địa phương đã chịu 3 đợt lũ, không nơi nào không bị ngập. Ước tính sơ bộ mưa lũ gây thiệt hại khoảng 12.000 tỷ đồng.

Các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực, tiếp ứng lương thực và cứu trợ cho tất cả người dân, vùng cô lập xa thì có mì gói, còn vùng gần tập trung thì huy động hội phụ nữ và các đoàn thể nấu ăn đưa đến. Cùng với đó hỗ trợ y tế, giúp người bị thương, cứu trợ người mất tích.

Các huyện/thị xã, thành phố của Quảng Trị đều xảy ra ngập lụt trên diện rộng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh những ngày qua, tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, khó lường. Lượng mưa rất lớn tập trung trong thời gian ngắn đã gây ra những vụ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tại khu vực miền núi, úng lụt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho nhân dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng tập trung tìm kiếm những cán bộ, chiến sĩ bị mất tích trong vụ sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, Quân khu 4, ở  xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa; cũng như những người dân còn mất tích trong các vụ sạt lở đất, cứu chữa những người bị thương.

Thiếu tướng Trần Khắc Bang, Phó Tham mưu trưởng Quân Khu 4cho biết hiện Thiếu tướng Hà tân Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu đang có mặt tại ở hiện trường vụ sạt lở.

Diện tích bị đất đá sạt lở tại khu vực sỹ quan, chiến sĩ Đoàn 337 bị nạn là khoảng 5.000 m2. Tuyến đường từ Khe Sanh vào Đoàn 337 bị cắt ngang bởi 5-6 khu vực sạt lở nặng. Trong chiều 18/10, Quân Khu 4 đã lập Sở chỉ huy tiền phương tại Khe Sanh.  Lãnh đạo Quân khu 4 mong muốn Bộ Quốc phòng tập trung chỉ đạo lực lượng hỗ trợ để đơn vị đủ người, đủ phương tiện thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị phải làm tốt công tác trinh sát để có phương án đưa người, phương tiện cứu nạn vào khu vực Đoàn 337 đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chuuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để người dân của miền Trung nói chung, đặc biệt của Quảng Trị, gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình những người chết và mất tích. Thủ tướng mong chúng ta tập trung sớm khắc phục, ứng phó với thiên tai, giảim thiểu thiệt hại về người, tài sản của người dân và Nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay do mưa lũ rất lớn, lũ chồng lũ trong thời gian ngắn, vừa lũ cao vừa ngâm nước nhiều ngày nên nền đất rất yếu, dễ bị sạt lở, rất nguy hiểm. Trong khi đó chúng ta phải tiếp tục ứng phó với thời tiết rất bất thường, nhiều người mất tích chưa tìm được nên càng phải khẩn trương, tập trung, quyết liệt để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa những người bị thương. Đây là nhiệm vụ hàng đầu.

Các bộ Quốc phòng, Công an, NN&PTNT, GTVT… cùng các địa phương tập trung lực lượng thực hiện phương châm 4 tại chỗ, tiếp cận nơi có người mất tích, bị nạn trong thời gian nhanh nhất.

Bộ GTVT huy động nhân lực, phương tiện, thiết bị để khai thông các tuyến đường, đưa lực lượng và phương tiện vào hiện trường nhanh nhất; đáp ứng yêu cầu của các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn.

Các địa phương, trong đó có Quảng Trị, phải rà soát khu vực nguy hiểm, tập trung quyết liệt để di dời người dân, hỗ trợ kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men không để ai bị đói, rét, bị bệnh.“Tất cả các khu vực nguy hiểm phải được rà soát, đặc biệt là những nơi dễ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, kiên quyết sơ tán tất cả dân cư, không để bị động, bất ngờ”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Chính quyền địa phương cần tiếp tục chăm lo, thăm hỏi người dân, nhất gia đình có người thiệt mạng, người bị thương do thiên tai. Hỗ trợ kịp thời, không để hộ dân nào khó khăn về lương thực, thực phẩm, ước uống cho người dân , bảo đảm vệ sinh an toàn, không để dịch bệnh xảy ra.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT tổng hợp tất cả nhu cầu của các địa phương, đặc biệt Quảng Trị bị thiệt hại nặng, báo cáo Thủ tướng có kế hoạch hỗ trợ trước mắt và lâu dài về lương thực và cả cơ sở hạ tầng.

Bộ TN&MT theo dõi sát diễn biến, cùng cơ quan truyền thông thông tin kịp thời đến người dân và cơ quan chức năng để có giải pháp ứng phó.

Các lực lượng địa phương chủ động với phương châm “4 tại chỗ” phối hợp với lực lượng của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Công an, GTVT, NN&PTNT… huy động lực lượng đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, chuẩn bị các phương án chủ động ứng phó mọi tình huống xảy ra trong thời gian tới, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân và nhà nước.