Trang trọng Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội

(Mặt trận) - Tối 10/10, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Hà Nội H1.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

 
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tại Lễ kỷ niệm

Tham dự Lễ kỷ niệm có ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Pham Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham dự buổi lễ

Đại biểu Thành phố Hà Nội có ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố; bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy; ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các vị đại biểu và các vị khách quốc tế; các đồng chí lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; các tướng lĩnh, Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày cùng đồng bào, chiến sỹ và Nhân dân cả nước, Thủ đô.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Diễn văn kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội do Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trình bày nêu rõ: Cách đây 1010 năm, vào mùa Thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ với tầm nhìn chiến lược đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thành Đại La (tức Thăng Long), vùng đất có “thế rồng cuộn hổ ngồi”, “núi sông sau trước”, “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, nơi đóng đô bậc nhất của kinh sư muôn đời”. Quyết định dời đô của Đức vua Lý Thái Tổ đã mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của Kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt.

Từ mốc son lịch sử đó tới Thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, trải qua 1010 năm với bao thăng trầm của Thủ đô và đất nước, Thăng Long - Hà Nội - hình tượng tiêu biểu nhất cho “khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi” vẫn luôn vững vàng, hiên ngang, xứng đáng là kinh đô của các vương triều; là Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng của cả nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đọc diễn văn Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.  

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Trong tim mỗi người con đất Việt yêu nước dẫu ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này vẫn luôn tự hào về “dòng máu Lạc Hồng, con Rồng cháu Tiên”, tự hào về truyền thống đấu tranh giữ nước anh dũng, bất khuất của dân tộc, về nền văn hóa Việt Nam và văn hiến Thăng Long,... Niềm tự hào đó là “Tinh thần dân tộc” được hun đúc và bồi đắp suốt dòng chảy của lịch sử hàng ngàn năm và được gìn giữ, phát huy qua bao thế hệ, để kết tinh và lan tỏa trí tuệ Việt Nam, làm ngời sáng lương tri và phẩm giá con người, là nhân tố cốt lõi tạo nên tinh thần tự chủ, ý chí tự cường, sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn của người Việt Nam, sẵn sàng hy sinh tất cả vì chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc mà Thăng Long - Hà Nội là tiêu biểu nhất cho phẩm chất cao quý và thiêng liêng đó.

“Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp của Thủ đô: Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị - Sáng tạo. Chúng ta - thế hệ người Hà Nội hôm nay - có trách nhiệm phải trân trọng, giữ gìn và kế thừa thật xứng đáng những giá trị tinh thần thiêng liêng ấy và phát huy lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh và truyền lại cho con cháu mai sau”, ông Vương Đình Huệ nêu rõ.

Bí thư Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, những năm gần đây, Hà Nội từng bước trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng. Vào dịp kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội lại được UNESCO vinh danh và vinh dự tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới. Việt Nam, Hà Nội đang và sẽ là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, các thủ đô, thành phố trên thế giới; nguyện đem hết mình góp sức xây dựng cộng đồng khu vực và quốc tế vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, để Hà Nội hôm nay xứng đáng là Thủ đô sáng tạo, điểm đến của tri thức và văn hóa nhân loại, điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn với bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Tại buổi lễ, các đại  biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật: “Tỏa sáng đất rồng thiêng” với sự tham gia của hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên. 

Đặc biệt, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 20 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, phát triển Thủ đô; 12 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã đạt được những thành tựu rất to lớn, quy mô, tầm vóc, vị thế của Thành phố đã mạnh lên nhiều; hình ảnh, uy tín của Thủ đô không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng ở mức độ cao theo hướng nhanh và bền vững, quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 45 tỷ USD, thu nhập bình quân 5.420 USD/người. Diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, khang trang, văn minh, hiện đại hơn… Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô được củng cố vững chắc; quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng; phối hợp với các cơ quan Trung ương, hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố được đẩy mạnh. Thăng Long - Hà Nội đang bừng sáng và vươn mình với vị thế mới, diện mạo mới, sức sống mới,...

Thế giới, bạn bè quốc tế, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã giành tặng Hà Nội những ngôn từ và danh hiệu tốt đẹp nhất: “Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng”; “Hà Nội linh thiêng hào hoa”; “Hà Nội là lương tri và phẩm giá con người”; Hà Nội là trái tim, bộ mặt của cả nước, nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc, Hà Nội là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo; Hà Nội là niềm tin và hy vọng, Người Hà Nội thanh lịch, văn minh… Ngày nay, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

“Để xứng đáng với Tổ tiên, với lịch sử hào hùng, truyền thống văn hóa đặc sắc, truyền thống cách mạng vẻ vang, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, đồng bào ở trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và những tình cảm tốt đẹp của bạn bè quốc tế đã dành cho Hà Nội, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đem tất cả tinh thần và sức lực, trí tuệ và tài năng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, sánh vai cùng thủ đô các nước trên thế giới; góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, các đại  biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật: “Tỏa sáng đất rồng thiêng” với sự tham gia của hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên múa thuộc nhiều nhà hát trung ương và Hà Nội như: Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Đoàn ca múa Quân khu 1, Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội...

Chương trình được kết cấu thành 2 phần nội dung, gồm: Huyền thoại Thăng Long; Thăng Long - Hà Nội, hội tụ và phát triển. Với thời lượng 60 phút, chương trình thể hiện tính nghệ thuật cao qua sân khấu lớn, tích hợp công nghệ nghe nhìn hiện đại, cùng các màn trình diễn chất lượng, hoành tráng và đẹp mắt. Các ca khúc được lựa chọn trong chương trình là những tác phẩm xuất sắc về Thăng Long - Hà Nội. Các màn múa kinh điển được dàn dựng theo phong cách sử thi, kết hợp uyển chuyển giữa ngôn ngữ múa kinh điển của nghệ thuật ballet thế giới và phong cách nghệ thuật dân gian Việt Nam với những bài hát nổi tiếng về Hà Nội như: Truyền thuyết Hồ Gươm, Hà Nội linh thiêng hào hoa, Thăng Long - Hà Nội bay lên, Người Hà Nội, Tiến về Hà Nội…