TP Hồ Chí Minh siết chặt các hoạt động điểm nhóm, mục tiêu dập dịch trong 15 ngày

(Mặt trận) - Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trừ ổ dịch nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, 3/4 chuỗi lây nhiễm COVID-19 và dịch bệnh tại thành phố vẫn trong tầm kiểm soát. TP Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu dập dịch trong vòng 15 ngày.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình họp với lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch bệnh trong sáng 1/6. Ảnh: TTBC 

Kiểm soát các hoạt động đội nhóm

Liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Nội vụ cho biết, cần xác định "Hội thánh Truyền giáo Phục hưng" là một điểm nhóm hoạt động chứ không phải hội thánh. Điểm nhóm này đăng ký hoạt động tại phường, không được công nhận là tổ chức tôn giáo, người đứng đầu của hội này "không thể gọi là mục sư". Ông Thắng đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo đình chỉ hoạt động của điểm nhóm này để điều tra vụ án, tùy vào kết quả điều tra có đề xuất xử lý cao hơn, có thể rút giấy phép hoạt động.

Theo ông Vũ Chiến Thắng, hiện cả nước có trên 5.500 điểm nhóm hoạt động tôn giáo tương tự "Hội thánh Truyền giáo Phục hưng", chủ yếu ở các vùng sâu xa, do chính quyền cấp xã cấp phép và quản lý. Các điểm nhóm này hoạt động không theo sự chỉ đạo chung của các tổ chức tôn giáo, năng lực quản lý ở xã cũng hạn chế nên khó khăn trong tuyên truyền, vận động các quy định chống dịch.

Nhận định vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết: "Chúng ta không cấm đoán các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nhưng phải theo đúng chính sách, đường lối của Đảng, không mê tín dị đoạn. Từ hoạt động của một điểm nhóm tôn giáo tại TP Hồ Chí Minh, chúng ta cần rút kinh nghiệm trong quản lý chặt hoạt động của điểm nhóm tôn giáo".

Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh có 135 điểm nhóm hoạt động tôn giáo, vì vậy cần tăng cường quản lý nhà nước, quản lý thật chặt các điểm nhóm này, tạm thời dừng hoạt động, không tụ tập sinh hoạt.

Sau khi dập xong ổ dịch liên quan đển điểm nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, Thành phố cũng cần rà soát lại các hoạt động, điểm nào phù hợp theo quy định thì cho phép hoạt động, điểm nhóm nào còn mê tín dị đoan, có các phương thức dụ dỗ người dân đi theo, hoặc thông qua các điểm nhóm tôn giáo để tuyên truyền xuyên tạc chế độ Nhà nước, thì phải xử lý.

“Hiện nay, sau khi xuất hiện ổ dịch ở điểm nhóm tôn giáo, đã có một số đối tượng lên các trang mạng xã hội cố tình xuyên tạc thông tin, gây hoang mang dư luận. Đây là bài học cũng là tiếng chuông cảnh báo để các nhà quản lý đẩy mạnh công tác quản lý, tuyên truyền vận động người dân không nên tin theo các hoạt động sai trái mà nên theo các thông tin chính thống của Nhà nước để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân", Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Đối với vấn đề tiêm vaccine, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị TP Hồ Chí Minh phải đi đầu trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa tìm nguồn nhập khẩu vaccine dưới sự kiểm soát chất lượng vaccine của Bộ Y tế, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người hiểu được hiệu quả của việc tiêm vaccine trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Thành phố khẩn trương xây dựng kịch bản Thành phố có 30.000, 50.000, 100.000 ca nhiễm COVID-19, phát huy phương châm “4 tại chỗ” riêng của ngành y tế; tập trung huy động lực lượng nhiều hơn nữa tham gia phòng, chống dịch COVID-19 để Thành phố sớm vượt qua đợt dịch này, bảo đảm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” hiện nay.

Mục tiêu dập dịch trong vòng 15 ngày

Cũng trong cuộc họp công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sáng 1/6, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay 3 chuỗi lây nhiễm liên quan ổ dịch tại Hà Nam, công ty ở Quận 3 và quán bánh canh ở Quận 3 cơ bản được kiểm soát chặt. Tuy nhiên, sắp tới thành phố vẫn ghi nhận thêm nhiều ca bệnh rải rác bởi các nguồn lây nhiễm chưa phát hiện. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong vòng 15 ngày phải dập hết các ổ dịch đang truy vết nguồn lây nhiễm.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm diện rộng thành phố, trong đó lấy tất cả mẫu tổ bầu cử có thành viên nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng; lấy mẫu người dân quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (Quận 12); công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trước đó ngày 31/5, thành phố lấy hơn 70.000 mẫu đơn xét nghiệm. Ngoài ra, sau khi xác định nguy cơ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao, TP Hồ Chí Minh đã giao các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện đúng bộ tiêu chí phòng chống dịch. Thành phố sẽ chấn chỉnh các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn.

"Bây giờ, các biện pháp phòng dịch theo tiêu chí 5K cũng chưa đủ mà còn phải cộng với vaccine mới giải quyết được tình hình. Bởi virus chủng Ấn Độ lây lan rất nhanh, còn chưa kể đang có biến chủng lai giữa Anh và Ấn Độ. Trong khi đó, Thành phố có 7,2 triệu người trên 18 tuổi, nhu cầu rất tiêm chủng lớn nhưng nguồn cung không đủ. Do đó, Thành phố xin Chính phủ cơ chế B chủ động nguồn vaccine và phương thức thanh toán”, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nói.

“Ngoài ra, để đảm bảo nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh đang bàn các giải pháp giãn nợ, giãn thuế cho các doanh nghiệp. Sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ thứ hai cho người bị ảnh hưởng COVID-19. Hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, khối dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều người thất nghiệp. Gói hỗ trợ thứ hai này sẽ đảm phòng chống dịch tốt và vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chia sẻ thêm.

Đánh giá công tác kiểm soát dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt trong việc tăng cường các biện pháp, đặc biệt là áp dụng giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 15, ở khu vực nhiều ca bệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Thành phố cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch hơn nữa, nhất là tăng cường lấy mẫu tầm soát, phát hiện ca bệnh để nhanh chóng dập các ổ dịch đang lây lan trong cộng đồng như vừa qua để đảm bảo sức khỏe cho người dân.