Tổng hợp COVID-19 từ ngày 18-24/10: Cả nước không có tỉnh, thành phố ở mức cam - đỏ; Tiếp tục rà soát, cập nhật hướng dẫn về tiêu chí đánh giá cấp độ dịch

(Mặt trận) - Theo thông tin tổng hợp của Bộ Y tế ngày 24/10, cả nước không có tỉnh, thành ở mức cam - đỏ. Dựa trên đánh giá cấp độ này, các tuyến đường sắt, hàng không cũng đã dần nới lỏng việc kiểm soát phòng, chống dịch nhưng phải có giấy xét nghiệm âm tính, trẻ em chưa tiêm vaccine không được đi máy bay. Tuy nhiên, trong tuần qua, từ ngày 18-24/10, số ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng vẫn nhiều. Do đó, Chính phủ và ngành y tế vẫn khuyến cáo người dân vẫn không được lơ là phòng, chống dịch; đồng thời tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Ảnh minh họa

Ngày 24/10, Việt Nam ghi nhận 4.045 ca nhiễm mới

Tính từ 17 giờ ngày 23/10 đến 17 giờ ngày 24/10, Việt Nam ghi nhận 4.045 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; các tỉnh Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk có số mắc tăng cao so với ngày trước đó.

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 4.045 ca nhiễm mới, trong đó có 17 ca nhập cảnh và 4.028 ca ghi nhận trong nước (tăng 667 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Sóc Trăng (tăng 296 ca), thành phố Hồ Chí Minh (tăng 217 ca), Đắk Lắk (tăng 193 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đồng Nai (giảm 176 ca), Tiền Giang (giảm 78 ca), Phú Thọ (giảm 41 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.544 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 17h ngày 23-10 đến 17h ngày 24-10, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.045 ca nhiễm mới, trong đó có 17 ca nhập cảnh và 4.028 ca ghi nhận trong nước (tăng 667 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (966), Bình Dương (524), Đồng Nai (429), An Giang (297), Sóc Trăng (296), Đắk Lắk (193), Bạc Liêu (155), Tây Ninh (132), Trà Vinh (113), Long An (88), Kiên Giang (83), Tiền Giang (78), Hà Giang (68), Bình Thuận (51), Cần Thơ (48), Gia Lai (44), Khánh Hòa (43), Cà Mau (42), Đồng Tháp (41), Thanh Hóa (38), Phú Thọ (34), Thừa Thiên - Huế (32), Nghệ An (27), Quảng Nam (17), Bà Rịa - Vũng Tàu (16), Vĩnh Long (15), Bến Tre (15), Hà Nội (14), Quảng Ngãi (12), Bình Phước (12), Nam Định (11), Quảng Bình (11), Ninh Thuận (11), Bình Định (11), Kon Tum (10), Đà Nẵng (9), Bắc Ninh (8 ), Lâm Đồng (8 ), Hà Nam (6), Đắk Nông (5), Bắc Giang (3), Phú Yên (3), Hải Dương (2), Quảng Trị (2), Lai Châu (2), Tuyên Quang (2), Bắc Kạn (1); trong đó có 1.599 ca tại cộng đồng.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 888.940 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.027 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 884.177 ca, trong đó có 803.161 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.

Ngoài ra, các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (425.121), Bình Dương (228.840), Đồng Nai (61.532), Long An (34.227), Tiền Giang (15.626).

Có thêm 1.314 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 24-10, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 805.978. Ngoài ra, hiện có 2.899 bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Cũng trong ngày 24-10, ghi nhận 53 ca tử vong tại 7 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (30), Bình Dương (12), Đồng Nai (5), Long An (2), An Giang (2), Tây Ninh (1), Bạc Liêu (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 68 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.673 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN 

22 tỉnh, thành ở cấp độ dịch 1

Theo thông tin tổng hợp của Bộ Y tế, tất cả các tỉnh, thành phố nước ta đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Như vậy, đến 22 giờ ngày 23/10, cả nước có 22 tỉnh, thành phố đang ở cấp độ dịch 1 (màu xanh, bình thường mới) - giảm 4 địa phương so với trước đó vài ngày.

Cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.

Có 41 tỉnh, thành phố ở mức vàng; không có tỉnh, thành phố nào ở mức cam hay đỏ. Trong đó, có những địa phương toàn tỉnh màu vàng - không có xã, phường nào màu đỏ như: Long An (do tỷ lệ người trên 65 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 đạt 51,59%), Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Khánh Hoà, Kiên Giang, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Thừa Thiên - Huế…

Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, có 2 địa phương thuộc cấp độ 1 là Hà Nội và Hải Phòng; 3 thành phố còn lại gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ là vùng vàng, thuộc cấp độ 2.

Cả nước có 143 huyện, xã phường, ấp, thôn ở mức cam - mức nguy cơ cao (trong đó có 16 huyện) và 59 xã phường mức đỏ - nguy cơ rất cao. Các chỉ số này đều tăng so với những ngày trước đó.

TP Hồ Chí Minh: có 9/22 địa phương đạt cấp độ 1

Tại TP Hồ Chí Minh, nơi có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất cả nước, qua kết quả đánh giá về cấp độ dịch COVID-19 ngày 24/10 thì Thành phố chỉ còn một quận được đánh giá cấp độ 3; toàn thành phố được đánh giá ở cấp độ 2.

Trong đó, có 9/22 địa phương đạt cấp độ 1, gồm: Quận 1, 7, 8, 10, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Cần Giờ, Củ Chi và thành phố Thủ Đức; có 12/22 địa phương đạt cấp độ 2 gồm: Quận 3, 4, 5, 6, 11, 12, Bình Chánh, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè; quận Bình Tân là quận duy nhất được đánh giá còn ở cấp độ 3.

Theo đánh giá cấp độ dịch COVID-19 ở cấp phường, xã, thị trấn, TP Hồ Chí Minh có 139/312 địa phương đạt cấp độ 1; 96/312 địa phương đạt cấp độ 2 và 17/312 địa phương đạt cấp độ 3.

Cũng theo UBND TP Hồ Chí Minh, kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 đến ngày 24/10, TP Hồ Chí Minh đạt cấp độ 2. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức căn cứ vào cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên lĩnh vực và địa bàn phụ trách.

Bộ Giao thông vận tải: Chỉ xét nghiệm hành khách đi tàu trong một số trường hợp

Trước đó, với việc công bố cấp độ dịch từng tỉnh, thành trong tuần qua, tối muộn 20/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông ký Quyết định số 1839/QĐ-BGTVT ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19.

Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 21/10/2021. Đáng chú ý, tại văn bản này, Bộ Giao thông vận tải quy định chỉ xét nghiệm COVID-19 đối hành khách đi tàu với các trường hợp có biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi…

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịchCOVID-19"; căn cứ Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục ban hành hướng dẫn về tổ chức vận tải đường sắt sau thời gian thực hiện thí điểm (từ 13 - 20/10/2021).

Mục đích của việc ban hành hướng dẫn này nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải đường sắt phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.

Nguyên tắc và phân loại: Về phân loại cấp độ dịch, cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Theo đó, đối với hành khách tham gia giao thông vận tải đường sắt phải đáp ứng các yêu cầu sau: Tuân thủ "Thông điệp 5K"; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Về xét nghiệm y tế: Xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở...

Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm hành khách một trong các trường hợp sau: Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh COVID-19: chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế, theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu;

Đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 4: Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn nêu trên, hành khách phải thực hiện các điều kiện sau: Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu…

Hàng không khôi phục toàn mạng bay từ ngày 21/10. 

Hàng không khôi phục toàn mạng bay từ ngày 21/10

Trên cơ sở cơ sở đánh giá kết quả thực tế trong 10 ngày đầu thí điểm tái khai thác bay nội địa, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã thông qua kế hoạch triển khai các đường bay nội địa trong thời gian từ ngày 21/10 đến hết ngày 30/11/2021.

Trong đó, đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - Đà Nẵng, Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh và ngược lại thực hiện không quá 6 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ ngày 21/10 - 14/11 và không quá 7 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 15/11 - 30/11. Các đường bay khác thực hiện không quá 4 chuyến hàng ngày mỗi chiều.

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày áp dụng, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) sẽ đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác phù hợp.

Trên cơ sở kế hoạch của Bộ GTVT và theo phân bổ của Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn thí điểm tiếp theo, Bamboo Airways khôi phục và mở bán vé toàn bộ mạng bay nội địa từ ngày 21/10, tăng tần suất nhiều đường so với giai đoạn thí điểm đầu tiên.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 21/10 – 31/10/2021, Bamboo Airways khôi phục và tăng tần suất 31 đường bay nội địa, trong đó có 15 đường bay khứ hồi kết nối Hà Nội, 17 đường bay khứ hồi kết nối TP Hồ Chí Minh (bao gồm đường bay TP Hồ Chí Minh – Hà Nội) và dự kiến mở lại các chặng bay đi đến Đà Nẵng không qua Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO cũng có kế hoạch khôi phục gần như hoàn toàn mạng bay nội địa sau ngày 20/10, ngay sau khi có sự cho phép của cơ quan chức năng. Từ ngày 21/10 - 30/11, 3 hãng bay này dự kiến khai thác gần 40 đường bay trên cả nước, xấp xỉ tổng số đường bay trước khi dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2021. So với giai đoạn thí điểm, nhiều đường bay được mở lại kết nối tới các điểm đến mới như: Côn Đảo, Ðiện Biên, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Lâm Đồng...

Với các đường bay địa phương khác, Vietnam Airlines, Pacific Airlines có kế hoạch mở lại 5 đường bay giữa Đà Nẵng và Hải Phòng, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ từ giữa tháng 11. Các đường bay còn lại sẽ do hãng hàng không VASCO khai thác, dự kiến bao gồm các đường giữa Hà Nội và Điện Biên; giữa TP Hồ Chí Minh và Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá; giữa Cần Thơ và Côn Đảo. Tùy theo tình hình dịch bệnh và yêu cầu của nhà chức trách cũng như các địa phương, kế hoạch khai thác của các hãng hàng không này có thể được điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Theo quy định của nhà chức trách, điều kiện để hành khách bay trong giai đoạn sau 20/10 cũng được điều chỉnh theo hướng thuận tiện và thông thoáng hơn. Cụ thể, các hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp độ 3 trở lên hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3 trở lên hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); chuyến bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất và Cần Thơ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được lấy mẫu trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Các hành khách khác, hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn khác cần đáp ứng 1 trong 3 điều kiện: Có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (liều cuối đã tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành); có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Các quy định này, cùng với việc hầu hết địa phương đã bỏ quy định cách ly tập trung đối với hành khách, tạo điều kiện thuận lợi để hành khách lên lịch trình chuyến bay và giúp các hãng bay nhanh chóng khôi phục toàn mạng bay nội địa.

Trà Vinh kích hoạt lại 3 bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19

Mặc dù các tỉnh, thành được công bố đang ở cấp độ 1 và 2. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca trong cộng đồng vẫn cao. Đáng chú ý, số người trở về quê trong thời gian giãn cách xã hội nhiều nên khó tránh việc một số tỉnh, thành tăng số ca nhiễm mới.

Cụ thể, ngày 23/10 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Trà Vinh, tỉnh vừa kích hoạt lại 3 bệnh viện dã chiến để thu dung, sàng lọc, cách ly và điều trị các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Gồm, Bệnh viện dã chiến số 4 (Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần) quy mô 200 giường bệnh, Bệnh viện dã chiến số 6 (Bệnh viện Y Dược cổ truyền) quy mô 100 giường, Bệnh viện dã chiến số 7 (Cơ sở đào tạo Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành) quy mô 450 giường bệnh.

Trước đó, vào cuối tháng 9, ba bệnh viện này không còn bệnh nhân COVID-19 nên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Trà Vinh đã quyết định kết thúc để chuyển đổi về công năng ban đầu. Tuy nhiên, sau khi nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, số người dân Trà Vinh về địa phương liên tục gia tăng, trong đó rất nhiều người mắc COVID-19. Từ ngày 1/10 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận trên 20.500 người dân ngoài tỉnh trở về; trong số này, phát hiện 543 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Tiếp tục rà soát, cập nhật hướng dẫn về tiêu chí đánh giá cấp độ dịch

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 276/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về một số vấn đề cần tập trung chỉ đạo xử lý trong phòng chống dịch sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP.

 Thông báo nêu rõ, các địa phương, các bộ ngành đã rất nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là các địa phương vừa phải đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh vừa phải đảm bảo lưu thông thuận tiện trong khi tỉ lệ người đến từ một số khu vực đã bị nhiễm nặng vừa qua được phát hiện là khá cao. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề liên quan tới cơ chế tài chính; mua sắm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy một mặt các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP, mặt khác các bộ ngành trung ương cần khẩn trương bám sát thực tiễn để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, hỗ trợ thực chất cho các địa phương.

Bộ Y tế tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trong cả nước, đặc biệt tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, tái bùng phát dịch cao. Tiếp tục rà soát, cập nhật hướng dẫn về các tiêu chí phân loại, đánh giá cấp độ dịch cho phù hợp với tình hình trong đó lưu ý thực trạng một số tỉnh, thành phố vừa qua dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng nên dù đã kiểm soát được dịch bệnh (theo tiêu chí hiện hành do Bộ Y tế hướng dẫn) nhưng rủi ro mầm bệnh trong cộng đồng cao hơn các địa phương khác.

Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xem xét chỉ đạo giải quyết kiến nghị của một số địa phương về việc cần xác định các địa bàn tuy không thuộc vùng phong tỏa, cấp độ nguy cơ cao, rất cao (theo tiêu chí do Bộ Y tế hướng dẫn) nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp dịch tễ cần thiết, phù hợp (như xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế...) đối với người đi từ các địa bàn này để tránh dịch bệnh lây lan ra các địa phương khác trong cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19; Kế hoạch đảm bảo vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm cho những tháng cuối năm 2021 và năm 2022; Hướng dẫn thủ tục cung cấp vaccine sản xuất tại Việt Nam. Đôn đốc các đơn vị liên quan trong ngành y tế khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để thúc đẩy tiến độ các dự án nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc, sinh phẩm, thiết bị y tế để có thể chủ động đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Thực hiện phân bổ vaccine theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung trước một bước cho các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao hơn và các địa bàn có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh cần phải bảo đảm không ngưng trệ, đứt gẫy, hoặc phải tái khởi động lại. Tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn.

Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc đã có chủ trương của cấp trên; đề xuất cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch, trong đó chú ý: Cơ chế, nguồn thanh toán lương và các chi phí cho các cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) tham gia chống dịch; cơ chế thanh toán chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 trong các cơ sở y tế ngoài công lập, đặc biệt các bệnh nhân có nhiều bệnh.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền; đề xuất cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt quyền về cơ chế hạch toán đối với các khoản chi phí của doanh nghiệp cho phòng chống dịch theo yêu cầu của cơ quan y tế và chính quyền; đối với các khoản đóng góp cho công tác chống dịch ngoài doanh nghiệp.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện các giải pháp công nghệ phục vụ việc kiểm soát di chuyển của người dân đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh đồng thời đảm bảo thuận tiện cho người dân và an toàn an ninh thông tin, dữ liệu của người dân.

Bộ Y tế tăng cường công tác cung cấp thông tin chính thức, kịp thời, đầy đủ. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thông tin truyền thông tạo đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Lưu ý phản ánh đầy đủ, toàn diện yêu cầu “thích ứng an toàn, linh hoạt” đồng thời “kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”; trong thích ứng phải vừa “linh hoạt”, vừa “an toàn”.