(Mặt trận) - Cả nước có 8.656 ca nhiễm SARS-CoV-2; F0 trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh tăng do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách F0; trên 13.000 cán bộ y tế chi viện cho miền Nam chống dịch COVID-19; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư cho lãnh đạo EU mong muốn EU xem xét hỗ trợ vaccine cho Việt Nam, có tiếng nói đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vaccine cho Việt Nam... đó là những thông tin nổi bật về tình hình COVID-19 trong ngày 18/8.
|
Nhân viên y tế TP Hồ Chí Minh đến tận nhà tiêm vaccine cho người dân. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức |
Ngày 18/8, cả nước có 8.656 ca nhiễm SARS-CoV-2
Từ 18 giờ ngày 17/8 đến 18 giờ 30 ngày 18/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.656 ca nhiễm mới; cả ngày có 3.751 bệnh nhân khỏi bệnh.
Tính từ 18 giờ ngày 17/8 đến 18 giờ 30 phút ngày 18/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.656 ca nhiễm mới, gồm 12 ca nhập cảnh và 8.644 ca ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (3.731 ca), Bình Dương (2.513 ca), Đồng Nai (443 ca), Long An (428 ca), Tiền Giang (282 ca), Đà Nẵng (134 ca), Kiên Giang (169 ca), An Giang (105 ca), Tây Ninh (104 ca), Cần Thơ (91 ca), Khánh Hòa (86 ca), Bến Tre (72 ca), Phú Yên (65 ca), Vĩnh Long (61 ca), Nghệ An (59 ca), Quảng Nam (53 ca), Hà Nội (46 ca), Đồng Tháp (31 ca), Bình Thuận (20 ca), Thừa Thiên Huế (17 ca), Hậu Giang (16 ca), Bình Định (15 ca), Đắk Nông (13 ca), Quảng Trị (12 ca), Quảng Ngãi (9 ca), Ninh Thuận (8 ca), Quảng Bình (8 ca), Hà Tĩnh (8 ca), Gia Lai (7 ca), Bắc Ninh (7 ca), Lâm Đồng (6 ca), Thanh Hóa (6 ca), Đắk Lắk (5 ca), Lào Cai (4 ca), Sơn La (2 ca), Cà Mau (2 ca), Ninh Bình (1 ca), Thái Bình (1 ca), Vĩnh Phúc (1 ca), Lạng Sơn (1 ca), Điện Biên (1 ca), Bạc Liêu (1 ca). Trong đó có 5.825 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 951 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 172 ca, Bình Dương giảm 819 ca, Đồng Nai tăng 145 ca, Long An giảm 153 ca, Tiền Giang giảm 129 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 302.101 ca nhiễm, đứng thứ 73/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.073 ca nhiễm).
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 298.064 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 6 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.
Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (160.117 ca), Bình Dương (52.346 ca), Long An (16.007 ca), Đồng Nai (14.945 ca), Bắc Giang (5.795 ca).
Trong ngày 3.751 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 115.059 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 654 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.
Ngày 18/8, Hà Nội đã ghi nhận tổng số 51 ca dương tính với SARS-CoV-2
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 18/8, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 51 ca dương tính mới, trong đó có 1 ca tại cộng đồng và 50 ca tại khu cách ly.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.359 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1234 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1125 ca.
Về xét nghiệm cho người có nguy cơ cao và người sống trong các khu vực nguy cơ cao, toàn thành phố đã hoàn thành đợt 1 với trên 300.000 mẫu được lấy và xét nghiệm.
Bắt đầu từ hôm nay (18/8), toàn thành phố tiếp tục thực hiện đợt 2 với số mẫu dự kiến trên 800.000 mẫu. Cho đến cuối giờ chiều nay, toàn thành phố đã lấy được tổng số 92.478 mẫu, trong đó 4.582 mẫu là người ở khu vực phong tỏa, 36.293 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ cao và 51.603 mẫu là đối tượng nguy cơ. Hiện tại, mới chỉ có 500 mẫu thuộc đối tượng là người nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm âm tính. Các mẫu còn lại đang chờ kết quả.
|
Xe tiêm vaccine lưu động tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức |
TP Hồ Chí Minh đã 4 ngày không phát sinh ổ dịch mới
Ngày 18/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, đã 4 ngày thành phố không phát sinh thêm ổ dịch mới và hiện chỉ còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang điều trị cho 32.667 bệnh nhân, trong đó có 1.978 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.256 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Thành phố cũng có 44.478 người đang bị F0 được cách ly, theo dõi tại nhà, trong đó có 17.904 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.574 trường hợp F0 sau khi xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.302 người.
Thông tin về công tác chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19, bao gồm triển khai gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho F0 và cấp cứu và điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Thành phố đang thực hiện hai trụ cột, trụ cột thứ nhất là áp dụng gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà đối với người mắc COVID-19 (F0) mới được phát hiện tại cộng đồng đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định, trụ cột thứ hai là cấp cứu và điều trị các bệnh viện của thành phố.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, Thành phố cũng đang tăng quy mô giường có oxy và các trang thiết bị y tế tại các bệnh viện ở tầng 2; triển khai nâng cao năng lực tiếp nhận cuộc gọi và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu; triển khai thêm các thuốc điều trị đặc hiệu kháng virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện tầng 2 và 3 (thuốc Remdisivir).
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố chỉ còn 17 ổ dịch đang diễn tiến. Đặc biệt, 4 ngày qua Thành phố không phát sinh ổ dịch mới cần theo dõi. Về kết quả lấy mẫu, hiện còn 6.471 mẫu chưa có kết quả, trong đó có 6.056 mẫu đơn và 415 mẫu gộp.
Lãnh đạo Việt Nam đề nghị EU hỗ trợ, chia sẻ vaccine COVID-19
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai ngoại giao vaccine, ngày 18/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) đề nghị EU hỗ trợ, chia sẻ vaccine cho Việt Nam.
Trong thư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cảm ơn sự quan tâm và hỗ trợ của Liên minh châu Âu dành cho Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt đã viện trợ 2,4 triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn để có đủ số lượng vaccine cho gần 100 triệu người dân và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện đang phát triển hết sức tốt đẹp giữa Việt Nam và EU, Chủ tịch nước đề nghị EU hỗ trợ tối đa cho Việt Nam thông qua các hoạt động viện trợ, nhượng lại vaccine, chia sẻ công nghệ, cung cấp trang thiết bị y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với đại dịch.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có thư gửi bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Trong thư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao đà phát triển tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và EU trong bối cảnh hai bên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn EU xem xét hỗ trợ vaccine cho Việt Nam, có tiếng nói đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vaccine cho Việt Nam và các nước ASEAN trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay trong khu vực.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân số ca mắc trong cộng đồng tăng
Theo dự báo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ ngày 15/8- 22/8, số ca F0 có thể tăng nhẹ. Nguyên nhân, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0.
Với số ca F0 mới tăng trong những qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua phân tích số ca mắc trong tuần từ 13/8 đến 17/8 cho thấy, số ca mắc mới chưa có sự biến động rõ rệt. Chỉ có hiện tượng tăng nhẹ vào 2 ngày 14/8 và 15/8 dao động từ 4.200 - 4.500, sau đó giảm nhẹ trở lại vào ngày 16/8 và 17/8 dao động từ 3.300 - 3.500. Số trường hợp F0 mới có triệu chứng cần phải nhập viện điều trị có sự tăng nhẹ vào 2 ngày 15/8 và 16/8 dao động từ 2.900 - 3.000.
Với mục tiêu thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời người bệnh COVID-19 để điều trị, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn, từ ngày 15/8 đến 22/8 là giai đoạn TP Hồ Chí Minh giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ nhiễm cao.
Theo đó, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ trong giai đoạn này do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0. Cụ thể, ngày 17/8 đã có 1.435 trường hợp F0 phát hiện trong cộng đồng.
|
Đoàn cán bộ, y bác sỹ tình nguyện của Thanh Hóa lên đường chi viện cho miền Nam chống dịch COVID-19. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN) |
Trên 13.000 cán bộ y tế chi viện cho miền Nam chống dịch COVID-19
Chiều 18/8, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, để hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phòng, chống dịch COVID-19, tính riêng đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử 13.145 cán bộ y tế tham gia chống dịch.
Trong đó, Bộ Y tế đã điều động 11.411 cán bộ y tế tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam, gồm các bác sỹ, điều dưỡng và 6.008 giảng viên, sinh viên từ các trường y.
Các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử 1.734 nhân viên y tế, với 438 bác sỹ và 1.248 cán bộ y tế, tình nguyện viên.
Thực hiện chỉ đạo, phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, 5 Giám đốc các Bệnh viện tuyến trung ương là Chợ Rẫy, Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Huế và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh được giao đảm đương kiêm nhiệm Giám đốc bệnh viện hồi sức COVD-19 Thành phố Hồ Chí Minh quy mô 1.000 giường và 4 Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô 500 giường/Trung tâm để đồng hành cùng Thành phố trong điều trị tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh và 4 Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 với sự có mặt của các chuyên gia đầu ngành, các y bác sĩ chuyên môn sâu và trang thiết bị đồng bộ đi vào hoạt động đã giúp nhiều bệnh nhân nặng thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Nhiều người bệnh nặng đã được ra viện.
Bên cạnh đó, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đảm đương kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp cứu người bệnh COVID-19 với quy mô gần 500 giường trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tại tỉnh Long An, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đang kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19; tại tỉnh Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đang kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19. Các Trung tâm này đã đi vào hoạt động, có thể nâng dần quy mô khi cần, góp phần giúp Long An, Vĩnh Long trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, giảm thiểu tử vong trên địa bàn.
Đình chỉ công tác Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang
Chiều 18/8, Ban Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xà hội tỉnh Tiền Giang cho biết đã triển khai quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Lê Văn Bé Chín để thực hiện quy trình xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị quản lý.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang Lý Văn Cẩm, từ việc phát hiện nhân viên dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 8/8, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã báo với cơ quan chức năng tiến hành tầm soát người tiếp xúc gần với ca nhiễm và phát hiện 67 trường hợp mắc COVID-19.
Cơ quan chức năng đã phong tỏa trung tâm, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho toàn bộ trên 357 người hưởng chính sách bảo trợ xã hội và trên 88 cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; kết quả ghi nhận thêm 19 trường hợp dương tính khác, nâng tổng số F0 tại ổ dịch này lên 86 người. Trong đó, có 81 đối tượng xã hội được chăm sóc tại trung tâm và 5 viên chức.
Về xử lý ổ dịch, 5 trường hợp F0 là viên chức của trung tâm đã được chuyển đến điều trị tại bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh. Tại Trung tâm đã thiết lập bệnh viện dã chiến để điều trị cho 81 trường hợp F0 là người được hưởng bảo trợ xã hội. Chọn phương án này là do phần lớn các ca dương tính với SARS-CoV-2 là người cao tuổi không có thân nhân; người bị bệnh tâm thần cần có người hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày nên không thể chuyển đến các bệnh viện dã chiến.
Cơ quan chuyên môn cũng đã xác định được 212 trường hợp F1 của ổ dịch này và tiến hành cách ly tại 3 khu vực tại trung tâm.
|
Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm cho người dân |
Đà Nẵng ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong 1 ngày
Chiều ngày 18/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Đà Nẵng cho biết trong ngày trên địa bàn có 134 ca mắc mới, trong đó có 87 ca đã cách ly; 13 ca trong khu phong tỏa và 34 ca cộng đồng. Cộng dồn từ ngày 10/7 đến nay ghi nhận 2.129 ca mắc
Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương thông báo, phát phiếu khảo sát đến từng hộ dân để tìm tất cả các trường hợp có liên quan đến 2 điểm nóng là chợ đầu mối nông sản và cảng cá; triển khai các biện pháp giám sát, can thiệp y tế phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không khai báo.
Cần tuyên truyền đến từng hộ dân, đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt thì báo ngay cho chính quyền cơ sở để được can thiệp biện pháp y tế phù hợp. Thông tin rộng rãi, minh bạch về đối tượng (nhất là đối với người từ 65 tuổi trở lên), thời gian và địa chỉ tiếp nhận đăng ký để người dân chủ động đăng ký tiêm chủng theo đúng quy định.
Bên cạnh đó nhanh chóng rà soát, thống kê đủ và đúng các hộ gia đình gặp khó khăn, không có thu nhập do mất việc làm để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, ra ngoài không đúng quy định.
Cũng trong ngày 18/8, Sở Y tế Đà Nẵng có công văn đề nghị các đơn vị khám, chữa bệnh thông báo các số điện thoại tư vấn để người dân biết, liên hệ hỗ trợ tư vấn về sức khoẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. (Trung tâm y tế quận, huyện chỉ đạo các trạm y tế công bố số điện thoại để hỗ trợ, tư vấn cho người dân trên địa bàn).
Các đơn vị cần bố trí nhân viên tiếp nhận thông tin đăng ký đặt lịch khám bệnh do người dân đăng ký tại địa chỉ: http://49.156.54.87/index.php?option=com_hengio&view=hengioonline task=formkhamchuabenh&tmpl=widget&&parent_id=152373.
Sở TT&TT đã trao đổi thống nhất với chủ ứng dụng Doctor4U để triển khai tại Đà Nẵng. Người dân Thành phố có thể sử dụng nền tảng và dịch vụ của các bác sĩ hiện có trong tư vấn, khám chữa bệnh từ xa đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đối với người dân Đà Nẵng, ứng dụng không thu phí sử dụng nền tảng ứng dụng Doctor4U từ nay tới hết ngày 31/12. Ứng dụng này cho phép bác sĩ thuộc các bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn Thành phố tham gia nền tảng ứng dụng để hỗ trợ khám chữa bệnh cho người dân miễn phí trong giai đoạn có dịch COVID-19.
|
Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai |
Đồng Nai: Kiến nghị hỗ trợ 3.100 tấn gạo; huy động phương tiện chở người bệnh, người đi cách ly
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất việc hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Văn bản nêu rõ, trong thời gian chống dịch, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chủ động huy động các nguồn lực, ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho đối tượng có nguy cơ thiếu đói. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 gần 2 tháng, rất nhiều công nhân và người lao động phải nghỉ việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người dân.
UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho địa phương khoảng 3.100 tấn gạo để hỗ trợ cho 208.567 người dân (15 kg/người). Trong đó, người thuộc hộ nghèo là 2.934 người; hộ cận nghèo 1.867 người; đối tượng bảo trợ xã hội 42.670 người; người lao động mất việc làm 161.096 người.
Cũng theo thông tin từ Báo Đồng Nai, ngày 17/8, Sở GTVT Đồng Nai đã có văn bản gửi các sở, ban ngành, cơ sở đào tạo sát hạch lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải về việc huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ chở người bệnh, người đi cách ly, vận chuyển mẫu xét nghiệm theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Do thời gian cấp bách, Sở GTVT đề nghị các đơn vị sớm đăng ký gửi về cho Phòng Quản lý vận tải phương tiện của Sở để tổng hợp và phối hợp với Sở Y tế nhằm tổ chức tập huấn biện pháp phòng hộ cá nhân cho lực lượng tham gia vận chuyển.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch COVID-19 do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng là Chỉ huy trưởng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng là Phó Chỉ huy trưởng thường trực. Các Phó chỉ huy trưởng gồm: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức và Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ. Các Sở, Ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, TP. Biên Hòa, TP. Long Khánh là thành viên.
Nhiệm vụ của Trung tâm Chỉ huy là tham mưu giúp UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thực hiện các nội dung: Chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong việc phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh với các cơ quan của Đảng, MTTQ và UBND các huyện, thành phố, nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Hằng ngày, Trung tâm Chỉ huy báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Hương Diệp