Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Thành ủy TP Hồ Chí Minh

(Mặt trận) - Sáng nay, 23.9, đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945-23.9.2022) - mốc son trong lịch sử hào hùng của dân tộc, của miền Nam “thành đồng Tổ quốc”, của Nam Bộ, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy, cán bộ chủ chốt TP Hồ Chí Minh về tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng của TP từ sau Đại hội XI của Đảng bộ TP, Đại hội XIII của Đảng và 8 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy và cán bộ chủ chốt của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo SGGP

Tham dự có: Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang.

Cùng dự, có các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Đại diện TP Hồ Chí Minh có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các Phó Bí thư Thành ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP; lãnh đạo các sở, ban, ngành và TP Thủ Đức…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu tham dự cuộc làm việc 

Tổ chức thực hiện Nghị quyết nghiêm túc, đồng bộ, đổi mới, thiết thực, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch

Trình bày báo cáo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu rõ: Thời gian qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI của TP; tạo sự nhất trí cao trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong Nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và khối đại đoàn kết Nhân dân TP. Công tác quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, theo tinh thần đổi mới, thiết thực, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Thành ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện và ban hành 4 chương trình phát triển TP với 51 nội dung đề án, chương trình thành phần và đang tập trung tổ chức thực hiện.

Về công tác xây dựng Đảng, năm 2021 - năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết, TP chịu sự ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt những kết quả quan trọng, góp phần vừa kiểm soát dịch bệnh, đưa TP trở lại với trạng thái “bình thường mới”, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm các hoạt động xây dựng Đảng theo Nghị quyết đề ra.

Công tác chính trị, tư tưởng tạo sự chuyển biến tích cực, nhất là qua giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Công tác tuyên truyền được thực hiện khá đồng bộ, toàn diện, chủ động bảo đảm thông tin tương đối kịp thời để định hướng, xác định mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân; vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông thành phố phát huy hiệu quả, lan tỏa thông tin tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tự giác, tinh thần năng động, sáng tạo, dũng cảm của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Thành ủy sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021 và triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị. Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng Chương trình hành động về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng những giá trị tiêu biểu, đặc trưng của TP, con người TP mang tên Bác; trên cơ sở đó, nhiều đơn vị cơ sở đã chủ động xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong điều kiện đặc thù của địa phương, đơn vị tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Công tác tổ chức, cán bộ và đảng viên được quan tâm, gắn với việc tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Thành ủy trên các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; cụ thể hóa thành các nghị quyết, chương trình làm việc, bổ sung các nội dung theo chỉ đạo của Trung ương và phát sinh từ yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, TP đã thực hiện có hiệu quả quy định mỗi cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu phải có chương trình hành động như cam kết chính trị khi được đề bạt, bổ nhiệm hoặc giao nhiệm vụ mới.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cấp ủy triển khai thực hiện phù hợp tình hình nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị và lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của hệ thống chính trị thành phố đảm bảo khoa học, hợp lý, tránh chồng chéo, trùng lắp nội dung, đối tượng; chỉ đạo nghiên cứu các kết luận thanh tra, kiểm toán, tin báo tội phạm, các thông tin báo chí, các đơn thư, ý kiến phản ánh của Nhân dân, cử tri; việc xem xét, xử lý kỷ luật của Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy các cấp, ủy ban kiểm tra các cấp được thực hiện nghiêm minh, chính xác và kịp thời. Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố; bảo đảm theo dõi, kịp thời chỉ đạo xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi và diện Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra… truy tố, xét xử; quan tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa; đồng thời, xử lý nghiêm minh với những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhờ tập trung, nên Thành phố đã kết thúc điều tra và truy tố nhiều vụ án tồn đọng được xã hội quan tâm; chú trọng việc thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án.

Về xây dựng chính quyền, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở 16 quận và 249 phường theo Nghị quyết 131/QH của Quốc hội (đã tiến hành sơ kết 1 năm); thành lập TP Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 1111/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thành phố để đôn đốc, giải quyết các vụ việc tồn đọng, vướng mắc, khiếu kiện đông người trên địa bàn, với 12 vụ việc cần kiểm tra, giám sát, đôn đốc, xử lý dứt điểm thời gian tới. Điểm nổi bật là TP mở nhiều kênh lắng nghe, tiếp nhận, đối thoại với Nhân dân và doanh nghiệp như Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” ngay trong mùa dịch, Tổng đài 1022 và nhiều đường dây nóng…

 

Quy mô, tốc độ tăng trưởng cơ bản đạt trạng thái trước khi có đại dịch

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ thành phố đã xây dựng 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, với 9 nhóm giải pháp trọng tâm.

Về phát triển kinh tế, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP xác định rõ mục tiêu kép, nhưng đặt yêu cầu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân lên trên hết, trước hết. Đồng thời, khi đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch luôn chú trọng hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến chuỗi sản xuất kinh doanh. Thành ủy đã chủ động ban hành Nghị quyết cho giai đoạn phục hồi ngay khi TP cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 - 2025.

Tình hình phục hồi và phát triển TP trong 9 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc và khá đồng bộ; từ mức tăng trưởng âm 6,78% vào năm 2021 đã đạt mức tăng trưởng dương 3,82% vào 6 tháng đầu năm 2022 (và dự kiến 9 tháng sẽ đạt 9,71%); quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch Covid-19. Quy mô kinh tế/GRDP theo giá hiện hành của TP năm 2022 đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 138 nghìn tỷ đồng/tăng 10,27% so với năm 2019/trước khi dịch; tương tự GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 157,8 triệu đồng, tăng 9,1 triệu đồng/tăng 6,12% so với năm 2019. Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 đạt trên 90% (tương đương 350 nghìn tỷ đồng); tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tăng trưởng khá, thương mại - dịch vụ - du lịch phục hồi mạnh mẽ; thu hút FDI đạt 2,91 tỷ USD.

Trong 2 năm qua, Thành ủy luôn tập trung công tác lãnh đạo nhằm đổi mới công tác quản trị TP, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng và phát triển TP; tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là trong lĩnh vực đầu tư; ưu tiên triển khai các dự án có tính cấp bách về y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, cải thiện môi trường, các dự án giao thông trọng điểm kết nối giữa TP với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tập trung huy động tối đa các nguồn lực, chú trọng đầu tư tư nhân, phát huy hiệu quả hợp tác công - tư; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, trong đó nặng nề nhất là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta (từ 27.4 đến hết tháng 9.2021, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập hợp được chung sức đồng lòng của người dân TP và sự ủng hộ của các địa phương cả nước và bạn bè quốc tế. TP đã tập trung củng cố hệ thống y tế để chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng người dân; chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là nhóm yếu thế; thường xuyên cập nhật, thích ứng linh hoạt và khoa học, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp chuyên gia để có biện pháp phù hợp, hiệu quả.

“Bài học từ đợt đại dịch Covid-19 vừa qua là TP cần có một chiến lược/kế hoạch sẵn sàng ứng phó với những tình huống phi truyền thống như Covid-19; quan tâm chăm lo và giải quyết tốt các vấn đề xã hội của một đô thị lớn như: bố trí dân cư, nhà ở, y tế, an sinh xã hội…; phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng và trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo của cơ sở”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn lực đầu tư của TP đã có nhiều đổi mới, nhất là hiện nay TP đang tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, triển khai các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan hành chính nhà nước. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, quy chế tổ chức và hoạt động của các sở, ngành; thực hiện chính sách tinh giản biên chế và các hồ sơ liên quan đến tổ chức doanh nghiệp được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, TP đã thành lập, rà soát, kiện toàn các Tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trên các lĩnh vực. Quốc phòng - an ninh luôn được bảo đảm, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10.8.2012 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 98-KH/TU về tổng kết Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội; thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 16-NQ/TW, Nghị quyết số 54/2017/QH14. Trong quá trình tổng kết, TP huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị; tổ chức các hội nghị nhằm lấy ý kiến của nguyên lãnh đạo TP qua các thời kỳ, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan Trung ương…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại buổi làm việc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) 

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các ban, ngành của TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương phát biểu, đóng góp ý kiến, trong phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng vào thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ và cán bộ chủ chốt của TP Hồ Chí Minh - một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng, TP nhiều lần anh hùng, TP duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, đổi mới và luôn gợi nên niềm thương yêu, trìu mến trong đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, được bạn bè quốc tế nể trọng.

Kiên cường ứng phó nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt với đại dịch Covid-19

Qua nghe báo cáo của Thành ủy và ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và TP, Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy, từ sau Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP và từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức lớn mới xuất hiện, tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng mà còn đối với toàn thế giới.

Ngay từ đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 đã bùng phát và lan rộng ra hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có nước ta; đợt bùng phát dịch lần thứ tư gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của cho TP và một số tỉnh Nam Bộ. Năm 2022, TP Hồ Chí Minh tiếp tục cùng với cả nước vừa phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế. Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn... đã làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao, đột biến ở nhiều quốc gia và đối tác lớn.

Trong bối cảnh khó khăn, chồng chất khó khăn đó, Tổng Bí thư khẳng định: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Trung ương Đảng và Nhà nước, cùng với cả nước, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, TP đã kiên cường ứng phó rất nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt với đại dịch Covid-19; đã dập tắt được đợt bùng phát dịch lần thứ tư xảy ra vào nửa cuối năm 2021 và đang phòng, chống có hiệu quả hơn, kiểm soát ngày càng tốt các loại dịch bệnh, trong đó có dịch Covid - 19.

Nhân dịp này, một lần nữa Tổng Bí thư chia sẻ với nhân dân TP Hồ Chí Minh và đồng bào Nam Bộ về những mất mát, thiệt hại to lớn, chưa từng có do đại dịch gây ra; đồng thời cũng xin được nhắc lại những ấn tượng sâu sắc trong cuộc chiến đấu cam go với dịch bệnh: Trong những thời khắc đầy khó khăn, thách thức đó, tính ưu việt của hệ thống chính trị nước ta, ý chí, sức mạnh Việt Nam, truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, "thương người như thể thương thân", và sức sống mãnh liệt của Dân tộc ta, của nhân dân TP và các tỉnh Nam Bộ lại được khẳng định và phát huy ở tầm cao mới, rất kịp thời, đúng lúc. Các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Đảng bộ, chính quyền TP đã chủ động, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, khả thi, phù hợp với thực tế tình hình và thực lực của đất nước, của TP với tinh thần: "chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân"; "chống dịch như chống giặc"... Các cơ quan, đơn vị ở Trung ương cũng như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã quyết liệt vào cuộc. Nhiều tổ chức và cá nhân, nhất là cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang... đã dũng cảm, hết lòng cứu chữa, giúp đỡ bệnh nhân và những người bị nạn. MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân cả nước, từ cụ già đến trẻ em; từ cán bộ, đảng viên đến doanh nhân, văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân mắc Covid-19. Nhờ vậy, đã giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai gây ra; và từ đầu năm đến nay đã phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả được dịch bệnh.

Đặc biệt, Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy: TP đã nỗ lực duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế đạt kết quả cao nhất có thể. Nếu như năm 2021, do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, kinh tế TP tăng trưởng âm 6,78% thì từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đã nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trở lại mạnh mẽ và vững chắc hơn, bất chấp những tác động tiêu cực của tình hình quốc tế và kinh tế thế giới như đã nêu trên. GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 3,82% từ mức giảm rất sâu của quý III và quý IV.2021 tương ứng âm 24,97% và âm 11,64%; dự kiến đến hết năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 9,44%, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước (khoảng 7%).

Kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm phát triển ngày càng tốt hơn, đóng góp xứng đáng vào thành công chung của cả nước: Trong 8 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tài chính, tiền tệ, tỉ giá, lãi suất cơ bản ổn định; chỉ số CPI bình quân 8 tháng ở mức 2,58%, cơ bản tương đương so với cùng kỳ các năm 2018 - 2021; thu ngân sách nhà nước ước đạt 85,6% so với dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ; xuất khẩu tiếp tục tăng cao và giữ được mức xuất siêu. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, phát triển mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... của TP tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ.

Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng, tăng cường. Thành ủy đã chủ động, sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI cùng nhiều chương trình hành động, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề cụ thể, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, ưu tiên, rất thiết thực. TP đã xác định đúng và trúng các chủ trương, định hướng phát triển và các nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, khả thi cao để xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị TP thật sự trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có kết quả những tồn đọng, sai phạm, những vụ án, vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm, trước hết là những vụ việc có sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được các cấp ủy, tổ chức đảng từ TP đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rất nghiêm túc. Thành ủy đã sớm quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của TP về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sát sao chỉ đạo cơ quan này triển khai hoạt động, bước đầu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư biểu dương, chúc mừng và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư ghi nhận, đánh giá cao ý thức tự phê bình và phê bình trong việc nhận diện những mặt còn tồn tại, hạn chế của TP. Trong đó có nhiều hạn chế đã được chỉ ra trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 vẫn còn chậm được khắc phục, thậm chí vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn, như: tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng của TP… Tổng Bí thư đề nghị, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tìm ra các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để sớm có các giải pháp khắc phục có kết quả những hạn chế, yếu kém nêu trên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại buổi làm việc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) 

Phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ với vùng Đông Nam Bộ và cả nước

Để góp phần xứng đáng cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; và để cùng với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ triển khai thực hiện thành công Nghị quyết mới của Bộ Chính trị, đạt được những mục tiêu rất cao như đã nêu trên, trong thời gian tới, Tổng Bí thư gợi mở: TP, với nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội nhất cả nước, và sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế cao đã được thực tế kiểm nghiệm, cần phải quyết tâm đẩy mạnh đổi mới hơn nữa, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mình đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước; xứng đáng với vinh dự lớn, được mang tên Bác Hồ kính yêu, với cái tên Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, TP Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử nước nhà như là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tưởng của sự năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới, được đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế nể trọng.

Hoan nghênh và cơ bản tán thành với những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Trước hết, cần phải nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TP trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN nói chung và phát triển vùng Đông Nam Bộ nói riêng.

Từ trước đến nay, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, nói đến TP Hồ Chí Minh là chúng ta nói đến một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, là động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã từng phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đến nay.

Tuy nhiên, trong một vài nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ này, do nhiều nguyên nhân khác nhau, TP phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; sự phát triển của TP chưa thực sự đáp ứng được như kỳ vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Tổng Bí thư đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP cùng cả hệ thống chính trị cần tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kịp thời có những chính sách, biện pháp khắc phục có hiệu quả. “Những gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Trung ương, Chính phủ, Quốc hội xem xét, tạo điều kiện để tháo gỡ; trong đó có cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội hơn so với Nghị quyết 54 của Quốc hội khóa XIV”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Tổng Bí thư đề nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa việc cơ cấu lại nền kinh tế của TP gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực hiện nay. Tăng cường, nâng cao năng lực và chất lượng công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước sát hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của TP. Vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội khóa XIV đã ưu tiên dành cho TP để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP để TP Hồ Chí Minh thực sự là TP nghĩa tình, nhân ái, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong đó, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý tốt các hoạt động văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của TP Hồ Chí Minh. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; từng bước giảm dần sự cách biệt về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xoá bỏ cho bằng được các thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, tội phạm; giảm tai nạn giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn cho nhân dân, để mỗi người dân TP đều có quyền tự hào và có trách nhiệm đóng góp xây dựng TP Hồ Chí Minh thành một TP "giàu có"; giàu có không phải chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn giàu có về lịch sử, văn hóa, giàu tình người, giàu cơ hội, giàu khát vọng vươn lên.

Thực sự tiếp tục là tấm gương đi đầu trong đổi mới, năng động, sáng tạo
(Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) 

Tổng Bí thư đề nghị, TP không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị thực sự là của dân, do dân, vì dân.

Tổng Bí thư hoan nghênh TP đang thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù; nêu rõ, đây chính là điểm đột phá, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng; thực hiện tinh gọn bộ máy, kiêm nhiệm các chức danh phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương, nhưng phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền; phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trước hết là đoàn kết trong các cấp ủy, chính quyền, và đặc biệt là đoàn kết trong Ban chấp hành, trong Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy. Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo để đánh giá hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời phải chống các biểu hiện dân túy, dân chủ hình thức, mỵ dân, theo đuôi quần chúng.

Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị rất cụ thể, xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn phát triển, từ mong muốn tìm tòi, không ngừng đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của lãnh đạo TP, Tổng Bí thư lưu ý, đây cũng chính là yêu cầu, nhiệm vụ, đòi hỏi trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước trong giai đoạn mới, để TP Hồ Chí Minh thực sự tiếp tục là tấm gương đi đầu trong đổi mới, năng động, sáng tạo.

“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với TP để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị của TP Hồ Chí Minh với tinh thần "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước" và "Cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh"; tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững hơn nữa”, Tổng Bí thư nói.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy và cán bộ chủ chốt của TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nêu rõ, để có được những kết quả quan trọng như ngày hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh chân thành cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương và đồng bào cả nước đã luôn hướng về TP, chi viện, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, “cả nước vì TP Hồ Chí Minh”.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nghiêm túc tiếp thu và quyết tâm thực hiện có hiệu quả các ý kiến, lời dặn dò sâu sắc cũng như mong muốn và kỳ vọng của Tổng Bí thư với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, sứ mệnh của TP vinh dự được mang tên Bác Hồ, ra sức phát huy truyền thống kiên cường, bản lĩnh, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, xây dựng TP ngày càng phát triển, chất lượng sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, xứng đáng với TP “rực rỡ tên vàng”, với bao thế hệ tiền nhân đã ngã xuống để chúng ta có được như ngày hôm nay, và luôn luôn tâm niệm rằng “TP Hồ Chí Minh vì cả nước”, “cả nước vì TP Hồ Chí Minh” như đồng chí Tổng Bí thư căn dặn”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định.