(Mặt trận) - Sáng ngày 25/8, trong chương trình công tác tại Lạng Sơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của tỉnh về tình hình chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự cuộc làm việc |
Tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh và Tư lệnh Quân khu 1, Trung tướng Nguyễn Hồng Thái; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Lạng Sơn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Văn Nghiệm; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu; Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu; và các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh…
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có đường biên giới tiếp giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc dài hơn 231 km đi qua 5 huyện gồm 20 xã và 1 thị trấn; 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia, 9 cửa khẩu phụ, có vị trí quan trọng chiến lược đặc biệt của cả nước về quốc phòng, an ninh, xuất nhập khẩu. Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh và thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng.
Toàn tỉnh có diện tích hơn 8.300 km2 với tổng dân số hơn 802 nghìn người, nơi sinh sống của 38 dân tộc, trong đó có 7 dân tộc chính là Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, H’Mông. Các dân tộc sinh sống đan xen, phân bố không đồng đều, mật độ dân cư thưa, tập trung chủ yếu ở các huyện Hữu Lũng, Cao Lộc, Chi Lăng, Bắc Sơn, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Số hộ nghèo hiện chiếm 8,92%.
Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 200 đơn vị hành chính cấp xã, có hệ thống giao thông thuận lợi với 7 tuyến đường quốc lộ nối liền Lạng Sơn với các tỉnh trong cả nước và Trung Quốc. Lạng Sơn nằm trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham quan gian trưng bày tại trụ sở Tỉnh ủy Lạng Sơn |
Tỉnh đầu tiên triển khai thành công Cửa khẩu số và ứng dụng “Công dân số xứ Lạng”
Báo cáo với Tổng Bí thư và Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Chương trình hành động, tập trung vào 7 chương trình công tác trọng tâm và 3 khâu đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội.
Kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn cho thấy, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi, đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản của nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra và dự kiến sẽ đạt, vượt các chỉ tiêu, kế hoạch.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, đồng thời tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi bộ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở.
Về xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, Đảng bộ tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đến nay, đã giảm 2 đơn vị cấp tỉnh, 54 phòng, ban cấp tỉnh và tương đương, 21 phòng và 81 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện. Giai đoạn 2019-2021, sắp xếp 51 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 26 đơn vị. Từ nay đến năm 2030, thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyế số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lạng Sơn tiếp tục sắp xếp và giảm thêm 12 đơn vị hành chính cấp xã. Đối với thôn, tổ dân phố, Lạng Sơn đã chỉ đạo sắp xếp giảm từ 2.314 thôn, tổ dân phố năm 2017 còn 1.658 thôn, tổ dân phố, giảm 656 thôn, tổ dân phố.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp của Lạng Sơn đã kiểm tra, giám sát hơn 3.000 tổ chức đảng và hơn 6.200 đảng viên. Qua kiểm tra, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật tăng 160% tổ chức so với nhiệm kỳ trước và tăng gần 71% đảng viên so với cùng kỳ. Trong đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 5 vụ, tăng 400% so với nhiệm kỳ trước.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham quan gian trưng bày tại trụ sở Tỉnh ủy Lạng Sơn. Ảnh: Trí Dũng |
Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Lạng Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo phát hiện, xử lý 22 vụ án, 113 bị can, bị cáo về tham nhũng, tiêu cực, trong đó đưa vào diện Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 11 vụ án với 75 bị can và 3 vụ việc. 6 tháng đầu năm nay, đã chỉ đạo phát hiện, đấu tranh, xử lý 15 vụ án, vụ việc, 56 bị can liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó đưa thêm 4 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Khắc phục những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, trong giai đoạn 2021-2023, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của Lạng Sơn có nhiều chuyển biến tích cực, đạt một số kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2022 đạt 6,95%, cao hơn 1,5% so với bình quân giai đoạn 2015-2020. Thu ngân sách của tỉnh năm 2020 đạt hơn 7.100 tỷ đồng, năm 2021 đạt gần 10.800 tỷ đồng, năm 2022 đạt hơn 7.900 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 4.300 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được tập trung đẩy mạnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết lãnh đạo và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật, như đứng thứ 2 toàn quốc về sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Việt Nam; là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công Cửa khẩu số và ứng dụng “Công dân số xứ Lạng” trên quy mô toàn tỉnh và là một trong hai đơn vị của cả nước được nhận giải thưởng VietSolusions 2022 - Bài toán và giải pháp chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương. Tính tổng thể, Lạng Sơn đứng thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số, tăng 10 bậc so với năm 2020; đứng thứ 5 toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ xử lý dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp thứ 15/63, tăng 34 bậc so với 2020. Đặc biệt, năm 2022, Lạng Sơn xếp thứ 2 toàn quốc về chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
|
Quang cảnh cuộc làm việc |
Xác định công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ này, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, thường xuyên chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, toàn diện; đồng thời thực hiện tốt hoạt động đối ngoại trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trên địa bàn, nhất là ở khu vực biên giới.
Công tác đối ngoại được thực hiện tích cực, chủ động. Đặc biệt, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo 2 Tỉnh - Khu đã tăng cường tiếp xúc, làm việc, trao đổi bằng nhiều hình thức, như gặp gỡ trực tiếp, trực tuyến, thư công tác. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng đã phân công, chỉ đạo các sở, ngành, huyện thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, ký các thỏa thuận hợp tác với các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Qua các cuộc gặp gỡ, hai bên đã trao đổi, thống nhất các biện pháp nhằm tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa, kinh tế biên mậu, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, xây dựng cửa khẩu số thông minh, tăng cường hạ tầng giao thông, dịch vụ logicstics, thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch và giáo dục đào tạo. 6 tháng đầu năm nay, lượng người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của Lạng Sơn tăng 376% so với cùng kỳ; lượng phương tiện xuất nhập cảnh tăng 197% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng hơn 101% so với cùng kỳ; lượng khách du lịch tăng gần 27% với doanh thu tăng hơn 145% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, báo cáo của Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Lạng Sơn còn một số hạn chế cần được khắc phục, như công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt còn chuyển biến chậm. Một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế về năng lực, trình độ và kỹ năng thực thi nhiệm vụ, chưa gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm kỷ luật, pháp luật. Quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, truyền thống cách mạng và văn hóa lâu đời của tỉnh. Số hộ nghèo giải nhanh, nhưng tỷ lệ còn cao, đời sống bà con nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và trong đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về hạ tầng điện, viễn thông, nước sạch, giao thông, trường học, bệnh viện…
Xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã đạt được, nhất là trong những năm gần đây.
Về phương hướng thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Đảng bộ Lạng Sơn cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình và bối cảnh chung, những thuận lợi và khó khăn riêng của một tỉnh miền núi, biên giới đi lên từ nông, lâm nghiệp, nhưng cũng có rất nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, từ đó đề ra mục tiêu, yêu cầu, xác định nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá. Tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh cần xác định rõ, phát triển kinh tế cửa khẩu không chỉ để phát triển kinh tế của tỉnh mà quan trọng hơn là để góp phần phát triển kinh tế của cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc, đồng thời tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy với nước bạn Trung Hoa.
Nhấn mạnh Lạng Sơn là một vùng đất vừa thơ mộng vừa trữ tình, có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú với những nét đặc trưng riêng hiếm có, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa hơn nữa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội. Tất cả những thế mạnh, tiềm năng đó cần được khai thác, phát huy, với tinh thần lấy người dân làm trung tâm để từ đó giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tổng Bí thư lưu ý, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; lãnh đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với nhân lực ở nông thôn, miền núi, vùng triển khai nhiều dự án đầu tư mới. Tỉnh cần thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, với đồng bào dân tộc, vấn đề an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; để đời sống của các gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Tổng Bí thư chỉ rõ, cần tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực theo những định hướng lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra; đặc biệt chú ý quan tâm tập trung làm tốt công tác cán bộ. Có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, cho cả trước mắt lẫn lâu dài; chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn và các bộ, ngành Trung ương nhằm huy động cao nhất và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tỉnh xác định rõ vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội; coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực cho phát triển; xây dựng Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm trở thành tỉnh có dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu. Ảnh: Trí Dũng |
Với trọng trách là "phên giậu quốc gia" về quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là "phên giậu về kinh tế", bảo vệ vững chắc thị trường nội địa cũng chính là bảo vệ chủ quyền, an ninh kinh tế của đất nước, Tổng Bí thư nêu rõ, Lạng Sơn phải đặc biệt coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Tỉnh thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển; chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tỉnh cần chăm lo đầy đủ, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nhất là phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trước hết là đoàn kết nội bộ trong các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt đoàn kết trong Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, từ đó lan tỏa, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc.
Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đồng thời bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW về "Những điều đảng viên không được làm", gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Về các kiến nghị, đề xuất của Lạng Sơn, Tổng Bí thư đề nghị, Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, gửi các ban, bộ, ngành có liên quan theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ; sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với tỉnh để giải quyết cụ thể với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất để Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Với truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng vẻ vang của quê hương đang trên đà phát triển; cùng với ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tinh thần năng động, sáng tạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc.
TTXVN