Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc và chúc Tết tại tỉnh Thái Nguyên

(Mặt trận) - Ngày 10/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự buổi làm việc với Ban Thường vụ và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Trí Dũng 

Cùng đi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng. 

Nhiều chuyển biến tích cực

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Trí Dũng 

Báo cáo về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020- 2025 của Đảng bộ Thái Nguyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Hải cho biết, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 08-Ctr/TU ngày 26/6/2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 23/11/2020 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, đã cụ thể hóa 5 định hướng lớn của Nghị quyết thành 12 chương trình, 32 đề án, 21 kế hoạch để tổ chức thực hiện; với mục tiêu phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song tỉnh đã thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,59% (cao hơn bình quân chung của cả nước). Thu nhập bình quân đầu người đạt 107 triệu đồng/người, tăng 12 triệu đồng/người so với năm 2021. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 18.540 tỷ đồng, vượt gần 4.000 tỷ đồng so với dự toán, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, quốc phòng, an ninh, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn mới) giảm 1,65% so với năm 2021 (giảm từ 6,14% xuống còn 4,49%). Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 119 xã (bao gồm 9 xã đã lên phường của thành phố Phổ Yên), đạt 86,9%. Dự ước năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) toàn tỉnh giảm từ 6,14% xuống còn 4,35% (giảm 1,79% so với năm 2021).

Là một tỉnh miền núi, song tỉnh đã và đang là một trong những địa phương đi tiên phong trong công tác "chuyển đổi số" trên cả 3 lĩnh vực (Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số) đã và đang có tác động tích cực, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số và là tỉnh dẫn đầu trong việc thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm. Công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trí Dũng 

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2022. 

Về phương hướng thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Đảng bộ cần nhận thức đúng và sâu hơn nữa về tình hình và bối cảnh chung; xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương để từ đó đề ra mục tiêu, yêu cầu, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy và phát huy tốt hơn nữa truyền thống cách mạng anh hùng của quê hương Thái Nguyên.

“Đổi mới và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; có sự phân công, phân nhiệm trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả"; nêu cao tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác mà Đảng bộ đã đề ra”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bức tranh chân dung Bác Hồ cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Trí Dũng 

Về việc thực hiện có hiệu quả 5 định hướng lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, đặc biệt chú ý quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Xác định rõ vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh của Thái Nguyên trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội; coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực phát triển, xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; quan tâm lãnh đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với nhân lực ở nông thôn, miền núi, vùng triển khai nhiều dự án đầu tư mới; thực hiện tốt chủ trương phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp; các chế độ, chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc, vấn đề an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa để các gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, công nhân, lao động và toàn dân ngày càng cải thiện và nâng cao đời sống, trước mắt là vui Xuân đón Tết Quý Mão thật vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.

Với vị trí chiến lược, công tác bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội của tỉnh có ý nghĩa quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng quân sự địa phương vững mạnh toàn diện; triển khai sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tích cực đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm môi trường an toàn, thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Ban Thường vụ và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Trí Dũng 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, chăm lo đầy đủ và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phát huy đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW về "Những điều đảng viên không được làm", gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; trước hết là phải có các giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng "Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn", cùng với khát vọng phát triển và quyết tâm mới, khí thế mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX đã đề ra, để Thái Nguyên sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp lớn, hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội và của cả nước, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhân dịp mừng Xuân, đón Tết Quý Mão 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thái Nguyên anh hùng ngày càng tiến bộ và đạt nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc Tết và tặng quà ông Nguyễn Trung Lưu tại gia đình. 

Sáng 10/1/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc Tết và tặng quà ông Nguyễn Trung Lưu, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng ở phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm vườn chè của Hợp tác xã Hảo Đạt, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Trí Dũng 

* Trước đó, sáng cùng ngày, ngay sau khi đến Thái Nguyên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà và chúc Tết gia đình cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh 24% Nguyễn Trung Lựu tại phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên; thăm và khảo sát thực tế tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt, đặt tại xóm Nam Đồng, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.

Được thành lập năm 2016, tiền thân là tổ hợp tác chè Hảo Đạt nằm trong vùng chè đặc sản của tỉnh, đến nay sau 6 năm, Hợp tác xã chè Hảo Đạt đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một điểm sáng trong việc góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương.

Doanh thu năm 2021 đạt 12 tỷ đồng. Đến năm 2022, khi nền kinh tế được phục hồi sau đại dịch COVID-19, Hợp tác xã đã đạt mức doanh thu lịch sử 20 tỷ đồng. Sản lượng chè cũng được tăng cao nhờ tăng diện tích và áp dụng những công nghệ tiên tiền vào khâu chăm sóc. Sản lượng chè tươi năm 2022 ước đạt 1.000 tấn chè búp tươi.

Với 7 xã viên khi thành lập, đến nay, Hợp tác xã đã có 50 thành viên và 60% hộ dân trồng chè thuộc địa lý xã Tân Cương cung cấp chè cho Hợp tác xã; đồng thời liên kết với một số hợp tác xã khác… 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm khu vực trưng bày sản phẩm và chế biến chè của Hợp tác xã Hảo Đạt, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Trí Dũng 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho cán bộ, nhân viên Hợp tác xã Hảo Đạt, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Trí Dũng