Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ nhất Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng

(Mặt trận) - Sáng ngày 13/3, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên họp. Ảnh: Trí Dũng 

Tham dự có: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính; Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; đại diện một số ban, cơ quan có liên quan.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Trí Dũng 

Thật sự vững vàng, đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược 

Phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, theo kế hoạch, dự kiến tháng 1.2026, Đảng ta sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV. Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt. Để chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã quyết định thành lập 5 tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Nhân sự.

Sau khi nghe Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai trình bày dự thảo một số văn bản liên quan đến công tác nhân sự Đại hội XIV và ý kiến phát biểu của các đại biểu, Tổng Bí thư nêu bật vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nhân sự và yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự của Đại hội XIV cũng như nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành công việc hệ trọng này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trí Dũng 

Tổng Bí thư chỉ rõ, nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đảng, là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ.

Để chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư lưu ý, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Việc xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải bảo đảm các yêu cầu, như: Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trí Dũng 

Việc giới thiệu nhân sự, nói chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới. Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc. Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm..., Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng nêu rõ, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ nhất Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Ảnh: Trí Dũng 

Chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"

Công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự Đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như trên đã nói nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn, vì nó liên quan đến con người, là "công tác con người". Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư đề nghị, công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời", và "đừng thấy đỏ tưởng là chín", "đừng nhìn gà hóa cuốc"... trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu. Phải trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, tạo ra một tập thể thật sự "ăn ý", đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh.

Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu, phải chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc. Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.