Tổng Bí thư chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét những vấn đề nổi bật

(Mặt trận) - Ngày 8/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, xem xét những vấn đề nổi bật của đất nước, tình hình quốc tế trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Lương Cường: Toàn quân thực hiện nghiêm đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 

Nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực

Đánh giá trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực cố gắng đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch COVID-19, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Một số kết quả nổi bật cụ thể: Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Những mục tiêu định hướng lớn Đại hội XIII của Đảng đã đề ra tiếp tục được tổ chức triển khai, cụ thể hóa. Những vấn đề lớn, cấp bách về hoàn thiện thể chế, kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022 - 2023) và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tổ chức khẩn trương. Công tác quán triệt, triển khai, tổng kết các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị được thực hiện nền nếp, bài bản và hiệu quả. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Thường trực Ban Bí thư thực hiện hiệu quả chương trình làm việc theo điều phối của Thường trực Ban Bí thư.

Kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. GDP tăng trưởng khá tốt; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; thu ngân sách, thương mại - dịch vụ, khách quốc tế, vốn FDI đăng ký tăng, số doanh nghiệp thành lập mới tăng trưởng mạnh; tình hình lao động, việc làm bước đầu phục hồi. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tích cực triển khai. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt được nhiều kết quả quan trọng, đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động được triển khai hiệu quả. Tổ chức thành công, an toàn kỳ thi tốt nghiệp Trung học Cơ sở trên toàn quốc. Việc tổ chức thành công SEA Games 31 góp phần nâng cao vị thế và uy tín nước ta trong khu vực, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, thích ứng hiệu quả với dịch COVID-19.

Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, thiết thực, hiệu quả, góp phần tăng cường quan hệ và tin cậy chính trị, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, hữu nghị, thủy chung với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống.  

Triển khai kế hoạch thực hiện các nghị quyết

 Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 

Tại cuộc họp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá, thời gian tới nước ta tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do biến động khó lường của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tình trạng lạm phát, giá dầu tăng cao, xu hướng thu hẹp chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia, việc bảo đảm công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân…

Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Các cấp, các ngành khẩn trương tổng kết việc thực hiện các nghị quyết vùng, tổ chức tốt các Hội nghị toàn quốc quán triệt các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các đề án trình Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các nội dung khác theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nay đến cuối năm 2022. Các cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Trung ương, Bộ Chính trị…

Các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022 - 2023), các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc...; cần nỗ lực và quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, khẩn trương có các giải pháp đồng bộ trong điều hành giá xăng dầu để bảo đảm mục tiêu kiểm soát, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô như chỉ đạo của Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt; có các cơ chế phù hợp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp trước áp lực tăng giá hàng hóa và chi phí sản xuất, sinh hoạt. Các bộ, ngành chức năng khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, đề xuất các biện pháp trước mắt và lâu dài để phát triển bền vững thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

Các bộ, ngành chức năng khẩn trương hoàn thiện các quy định về nhập khẩu, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh trong nước; kịp thời có các giải pháp đồng bộ để hoàn thiện chính sách về tiền lương, phụ cấp và các chính sách đãi ngộ khác đối với cán bộ, nhân viên y tế; chủ động phòng ngừa hiệu quả và có biện pháp xử lý kịp thời bệnh viêm gan cấp ở trẻ em, dịch sốt xuất huyết, các bệnh lây nhiễm và đặc biệt không được chủ quan với các chủng COVID-19 mới xuất hiện trong nước và trên thế giới; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và đại học; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa; có các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị các cấp, các ngành thực hiện nhất quán chủ trương chủ động và tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và khu vực để chủ động có phương án phù hợp bảo đảm cao nhất lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam, hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới. Chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề liên quan đến biên giới trên bộ và trên biển. Bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, xử lý nghiêm các vụ, việc trọng điểm. Đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, thành tựu phát triển của đất nước; thông tin, tuyên truyền hiệu quả, kịp thời đấu tranh phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái; xử lý nghiêm các đối tượng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chống đối, cơ hội chính trị. Khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả Luật an ninh mạng, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới.

Các cấp, các ngành ban hành Hướng dẫn về nội dung phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo 110 (Ban Chỉ đạo liên ngành) theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án, vụ việc dư luận xã hội quan tâm như vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty liên quan; vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố; vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC và một số đơn vị liên quan. Thực hiện công tác đặc xá năm 2022 bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Kiên quyết cho từ chức, miễn nhiệm theo quy định đối với những cán bộ bị kỷ luật, hiệu quả công việc và uy tín thấp.