Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tổ chức tốt đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng

(Mặt trận) - Từ nay đến cuối năm 2024 và năm tới, phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tổ chức tốt đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng, không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp. Ảnh: Trí Dũng 

Đây là một trong những yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra sáng ngày 14/8, và được  Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí trong cuộc làm việc thông báo kết quả Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo chiều 14/8.

Cùng tham dự có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên.

Tại cuộc làm việc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết, sáng ngày 14/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã họp phiên thứ 26 để thảo luận, cho ý kiến về 3 nội dung rất quan trọng: Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024; kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ đầu năm đến nay; kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu rõ, tại phiên họp sáng 14/8 đã có 13 lượt ý kiến phát biểu. Nhìn chung, Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2024 và thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, công tác PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ ở cả Trung ương và địa phương, có bước đột phá mới, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ban Chỉ đạo biểu dương, đánh giá cao các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết luận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp. Ảnh: Trí Dũng 

Đúng phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”

Về kết quả nổi bật, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh 7 kết quả lớn, trong đó, trước tiên là, đã chỉ đạo đẩy mạnh, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng và đảng viên sai phạm. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tập trung, quyết liệt kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; qua kiểm tra, giám sát đã thi hành kỷ luật 230 đảng viên do tham nhũng, 4.004 đảng viên do suy thoái, 13 đảng viên do vi phạm về kê khai tài sản.

Đáng chú ý là, từ đầu năm đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 14 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (gồm 2 Phó Thủ tướng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; 3 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 7 Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 11 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng và tương đương; 18 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 2 Chủ tịch HĐND tỉnh; 4 Phó Bí thư, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy). Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 141 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 31 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 24 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, Phó Trưởng Ban Nguyễn Hữu Đông nêu rõ.

Trong đó, liên quan đến một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ đầu năm đến nay đã kỷ luật 44 cán bộ diện Trung ương quản lý. Riêng vụ án xảy ra tại Công ty AIC, đến nay Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 89 tổ chức đảng và 126 đảng viên, trong đó có 25 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương, đơn vị đã xử lý kỷ luật 80 tổ chức đảng, 190 đảng viên. Với vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị Đại Ninh (Lâm Đồng), Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng, 14 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ diện trung ương quản lý. Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Hữu Đông cho biết.

Thứ hai, công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương theo đúng phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

“Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có vụ vượt yêu cầu”. Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Hữu Đông cho biết, các cơ quan điều tra đã chủ động nhận diện, xác định lĩnh vực trọng điểm, chọn khâu đột phá, khởi tố mới, mở rộng điều tra, làm rõ bản chất tham nhũng, chiếm đoạt, câu kết, “lợi ích nhóm”, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm, kể cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, cả những vụ, việc tồn động, kéo dài, cả những vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương; xử lý hình sự nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý (6 tháng đầu năm đã khởi tố 16 cán bộ diện Trung ương quản lý; từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã xử lý hình sự 55 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng).

Điển hình như: Vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn và một số đơn vị, địa phương, đến nay đã khởi tố 23 bị can, trong đó có 6 cán bộ diện Trung ương quản lý (gồm: 1 Bí thư, 1 nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 1 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; 2 Chủ tịch, 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh. Vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An và một số đơn vị, tổ chức liên quan, đến nay đã khởi tố 8 bị can, trong đó có 2 cán bộ diện Trung ương quản lý (gồm 1 Bí thư Tỉnh ủy và 1 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội).

Điểm mới nổi bật trong điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian vừa qua, theo ông Nguyễn Hữu Đông là, từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế (như trốn thuế; vi phạm quy định về đấu thầu; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí…), đã kiên quyết điều tra làm rõ bản chất và khởi tố các hành vi phạm tội về tham nhũng (như lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; đưa hối lộ; nhận hối lộ…).

Cùng với đó, đã hoàn thành xét xử một số vụ án trọng điểm, dư luận xã hội rất quan tâm theo đúng kế hoạch, yêu cầu của Ban Chỉ đạo (như các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB), với mức án rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn (như vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, lần đầu tiên đã xử phạt tử hình đối với 1 bị cáo là chủ doanh nghiệp tư nhân về tội “Tham ô tài sản”, ngoài ra có 4 bị cáo tù chung thân; trong số các bị cáo phạt tù có thời hạn, có 17 bị cáo cho hưởng án treo; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trong số 15 bị cáo phạt tù có thời hạn, có 6 bị cáo được hưởng án treo…). Hiện nay, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đang xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm một số địa phương (dự kiến đến ngày 18.10 tới sẽ kết thúc).

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông phát biểu tại cuộc họp báo 

Thứ ba, chúng ta tiếp tục khuyến khích cán bộ nghiêm khắc nhận trách nhiệm chính trị, tự nguyện từ chức, nhận khuyết điểm khi có sai phạm.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay đã có 32 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác, trong đó có có 7 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 10 Ủy viên Trung ương Đảng, thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn; đưa việc “có lên có xuống, có vào có ra” dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ, tạo bước đột phá mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Hữu Đông khẳng định.

Thứ tư, bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đã quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực.

Nổi bật là, đã ban hành nhiều quy định, kết luận liên quan trực tiếp đến công tác PCTNTC, như kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác xây dựng pháp luật Trước đó, đã ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, và sắp tới đây là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; các quy định này hợp lại thành một hệ thống cơ chế để kiểm soát quyền lực chặt chẽ, ông Nguyễn Hữu Đông cho biết.

Cùng với đó là kết luận về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố; về cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; sửa đổi Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân…

Điểm nổi bật nữa là, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã tập trung xử lý những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được chỉ ra qua đợt tổng rà soát theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Qua rà soát đã xác định 323 nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật, đến nay đã xử lý xong 80 nội dung. Qua đó, góp phần tạo lập hệ thống cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, hạn chế những sơ hở, bất cập dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định.

Thứ năm, công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Nổi bật là Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo tham mưu Bộ Chính trị ban hành kết luận về cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhằm xử lý nhanh, giải tỏa các tài sản, tránh thất thoát, lãng phí, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản có giá trị lớn, ví dụ như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan điều tra đã tạm giữ tổng số tiền, tài sản là 315,25 tỷ đồng, 1,97 triệu USD, 534 cây vàng và 1.444 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên việt Oil đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1.117 tỷ đồng, 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở và nhiều tài sản giá trị khác.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thu hồi được gần 7.750 tỷ đồng (tăng hơn 5.650 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 85.520 tỷ đồng, đạt 50,75%.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác giám định, định giá tài sản. Điển hình như: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố 1 giám định viên thuộc Sở Tài chính Đồng Nai về tội “Nhận hối lộ” trong vụ án xảy ra tại Trường Đại học Đồng Nai; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố Phó Cục trưởng, Chủ tịch Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự và 1 Phó Trưởng Phòng, thành viên Thường trực Hội đồng, kiêm Tổ trưởng tổ giúp việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an khởi tố Viện trưởng, Phó Viện trưởng và 13 bác sỹ Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (Đồng Nai) về hành vi đưa, nhận hối lộ để tạo dựng hồ sơ bệnh án, kết luận giám định tâm thần sai thực tế cho người phạm tội bị kết án tù...

Quang cảnh cuộc họp báo 

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương

Thứ sáu, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác PCTNTC ở địa phương.

Qua nghe báo cáo, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo biểu dương, đánh giá cao các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động ngày càng nền nếp, hiệu quả cao hơn, tạo chuyển biến thực chất trong công tác PCTNTC ở địa phương.

Nổi bật là, trong 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương đã xử lý kỷ luật 66 trường hợp người đứng đầu, trong đó có 24 trường hợp bị xử lý hình sự; khởi tố mới 444 vụ án/1.003 bị can về tội tham nhũng (tăng 25 vụ so với cùng kỳ năm 2023).

Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý, như: Hà Giang khởi tố 2 Giám đốc, nguyên Giám đốc sở, 2 Phó Giám đốc sở; Yên Bái, Lào Cai khởi tố 1 Phó Giám đốc sở; Nghệ An khởi tố 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; Thái Bình khởi tố 1 Phó Giám đốc sở, 1 nguyên Chủ tịch UBND cấp huyện; Gia Lai khởi tố 1 nguyên Chủ tịch và 1 nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố 1 Giám đốc sở; Bình Thuận khởi tố 2 nguyên Giám đốc sở, 1 Phó Giám đốc sở, 1 nguyên Chủ tịch UBND huyện...).

Thứ bảy, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về PCTNTC. Nổi bật là, đã thông tin, tuyên truyền sâu rộng về kết quả thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Tuyên truyền đậm nét về tấm gương đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, liêm khiết, phong cách làm việc, những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác PCTNTC và sự khẳng định tiếp nối, không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.

Đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm và thời gian tới, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết, về cơ bản, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng tình cao với các nhiệm vụ theo đề xuất của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.

Kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Ban chỉ đạo, xác định quan điểm chung là: Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đầy lùi tham nhũng, tiêu cực, với cách làm khoa học, phù hợp, biện chứng, toàn diện, hiệu quả hơn; phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết, theo đúng phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh 3 yêu cầu: PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTNTC mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội; PCTNTC phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu: Từ nay đến cuối năm 2024 và năm tới, phải gắn PCTNTC với tổ chức tốt đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng, không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.

Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu yếu, những việc đang làm dở, nhất là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá, cung cấp tài liệu, tương trợ tư pháp, truy bắt, dẫn độ đối tượng bỏ trốn; thu hồi tài sản tham nhũng; có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục hiệu quả tình trạng “nhũng nhiễu”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, sai phạm về kinh tế; xử lý dứt điểm các vụ án đã khởi tố, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát… và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.

Hai là, chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; xử lý dứt điểm các sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, các vụ, việc bức xúc của Nhân dân.

Nhất là khẩn trương hoàn thành kết luận kiểm tra, thanh tra các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo (như liên quan đến các vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn…). Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát, xem xét miễn nhiệm, từ chức, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức, bị kỷ luật theo đúng quy định của Trung ương.

Ba là, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về PCTNTC, nhất là hoàn thiện thể chế về: Kiểm soát quyền lực, PCTNTC; xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực; khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong cơ chế, chính sách, pháp luật vừa để phát triển kinh tế - xã hội, vừa để phòng ngừa, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về PCTNTC phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Bốn là, chỉ đạo nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Nhất là nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTNTC; tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh PCTNTC.

Năm là, chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh; đẩy mạnh công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở.

Sau khi thông báo tóm tắt kết quả Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông và Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên đã trao đổi, làm rõ và trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Trả lời câu hỏi liên quan đến yêu cầu tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để chuẩn bị tốt cho nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết, liên quan đến công tác cán bộ, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo, nhất là việc chuẩn bị tốt cho nhân sự Đại hội XIV của Đảng, thì: “Dứt khoát không để lọt vào cơ quan lãnh đạo những người đã phạm sai lầm, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, bao che tội phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng”.

Quán triệt tinh thần này, tại cuộc làm việc với Ban Nội chính Trung ương đầu tháng 7.2024, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương tiếp tục tham mưu xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên phục vụ công tác nhân sự Đại hội đảng các cấp. Tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo đều có yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để chuẩn bị tốt cho nhân sự Đại hội XIV. Và, hiện nay các cơ quan đang thực hiện theo những chỉ đạo này”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông khẳng định.

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản có giá trị lớn, ví dụ như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan điều tra đã tạm giữ tổng số tiền, tài sản là 315,25 tỷ đồng, 1,97 triệu USD, 534 cây vàng và 1.444 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên việt Oil đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1.117 tỷ đồng, 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở và nhiều tài sản giá trị khác.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thu hồi được gần 7.750 tỷ đồng (tăng hơn 5.650 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 85.520 tỷ đồng, đạt 50,75%.