Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều

(Mặt trận) - Sáng 14/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Nguyễn Gia Thiều (1950 - 2020) - một trong những trường có bề dầy lịch sử, có phong trào và nền nếp dạy tốt, học tốt, một điểm sáng của ngành Giáo dục Thủ đô.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

 
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cựu học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường. 

Riêng đối với cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, một học sinh cũ có 6 năm liên tục (1957 - 1963) được học tập, rèn luyện tại trường, đây là ngôi trường thân yêu, mang đầy dấu ấn và để lại biết bao kỷ niệm không bao giờ quên.

Cùng tham dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Tôi rất vui mừng, phấn khởi và tự hào về những thành tựu mà Nhà trường đã đạt được trong suốt 70 năm qua. So với thời kỳ chúng tôi học tập thì đến nay Trường ta khang trang hơn nhiều, sạch đẹp hơn nhiều, quy mô to lớn và các điều kiện, phương tiện học tập thuận tiện và văn minh, hiện đại, đầy đủ hơn nhiều; trình độ và chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng cao hơn, tốt hơn."

Nhiều học sinh của trường Nguyễn Gia Thiều đã hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu hoặc tham gia thanh niên xung phong, đi xây dựng các nông trường, lâm trường, làm đường giao thông. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, trở thành liệt sỹ… Nhiều người sau này đã trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý, giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư… đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng.

Trường Nguyễn Gia Thiều liên tục nhiều năm được công nhận là "Trường tiên tiến xuất sắc", "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua" và được đón nhận nhiều phần thưởng, nhiều huân, huy chương và các danh hiệu vinh dự cao quý khác...

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cựu học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường. 

Trường Trung học Phổ thông (THPT) Nguyễn Gia Thiều là một trong những trường trọng điểm chất lượng cao của Thủ đô Hà Nội, có nhiều đóng góp cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa THPT và đổi mới phương pháp dạy học. Chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao, nhiều giáo viên đạt giải cao trong các Hội thi giáo viên giỏi Hà Nội; đội tuyển học sinh giỏi lớp 12 luôn trong tốp dẫn đầu khối các trường không chuyên của thành phố, có học sinh đạt giải Học sinh giỏi Quốc gia. Các hoạt động giáo dục toàn diện cũng thực hiện tốt, có hiệu quả, khẳng định vị thế của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều trong ngành giáo dục của Thủ đô và cả nước. Năm 2020, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba, đây là lần thứ 5 trường vinh dự được tặng phần thưởng cao quý.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, với truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, với nhiều thành tích và kinh nghiệm đã tích lũy được, trong thời gian tới, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều sẽ tiếp tục phát triển, vươn lên, không ngừng tiến bộ, ngày càng thu được nhiều kết quả to lớn, tốt đẹp hơn nữa, đáp ứng tốt những yêu cầu mới ngày càng cao hơn, khó hơn, xứng đáng với truyền thống, xứng đáng với danh xưng Nguyễn Gia Thiều, xứng đáng với sự tin yêu, tin cậy và đòi hỏi của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta nói chung, và của Thủ đô Hà Nội nói riêng, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba tặng tập thể Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, vì những thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và học tập.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng 70 suất học bổng cho những học sinh xuất sắc của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều. Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng Phòng máy tính, phục vụ công tác dạy và học của thầy và trò của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.

Trong ảnh: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cựu học sinh nhà trường vui mừng gặp lại Nhà giáo Lê Đức Giảng, nguyên Bí thư Chi bộ, Giáo viên chủ nhiệm lớp 10 B của trường. 

Ký ức không bao giờ quên

Trở về trường xưa, xúc động được gặp lại những thầy giáo, cô giáo cũ, được hòa mình giữa lớp lớp thế hệ học trò của ngôi trường một thời gắn bó, những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên, những ký ức sâu đậm thuở học trò lại ùa về, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bồi hồi kể lại những năm tháng nhiều khó khăn nhưng vô cùng ấm áp, thân thương: "Ngày xưa, khi thời chúng tôi học thì trường lớp chật chội, nhà tranh, mái lá, sân đất; các phương tiện, phòng thí nghiệm, thư viện,... rất đơn sơ, thiếu thốn. Anh chị em học sinh thì phần lớn là ở xa, phương tiện đi lại rất khó khăn, hầu hết là tự đi bộ hàng chục cây số. Nhiều người - trong đó có tôi - phải đi ở nhờ, ở trọ, thậm chí phải vừa học vừa đi làm thêm để kiếm sống..."

Vui mừng được gặp lại thầy Lê Đức Giảng, giáo viên Chủ nhiệm lớp 9B, 10B - trường Nguyễn Gia Thiều gần 60 năm về trước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kể lại: “Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ thầy Giảng của chúng tôi (hôm nay đang ngồi đây) là Bí thư Chi bộ nhà trường, Chủ nhiệm lớp 9B, lớp 10B của chúng tôi. Thầy là cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết, chỉ có một mình, ở một căn nhà nhỏ. Thầy nhớ nhà cho nên thường bảo tôi đến ở cùng thầy. Thầy ngồi ở bàn làm việc chấm bài, còn cho tôi một chiếc bàn con để học. Tối đến, thầy bảo tôi ngủ lại với thầy. Hai thầy trò ngủ chung giường, quần áo không có nhiều, đắp một chiếc chăn mỏng, có những đêm trời mưa rét, hai thầy trò lục đục không ngủ được cho đến sáng. Lúc bấy giờ hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, phòng thí nghiệm đơn sơ, toàn bộ sân  này là nền đất, đằng sau kia là ao, dãy nhà nơi đây là nhà lợp lá, cả cấp II, cấp III chỉ có dãy nhà này, bây giờ khang trang, hiện đại. Năm 2014-2015 tôi về đây cũng thấy thay đổi rồi, nhưng hôm nay về lại càng thấy thay đổi, rất vui mừng.”

Dưới mái trường xưa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lại nhớ đến những người bạn thân thiết: “Đồng chí Doãn Duy Lực là bạn thân của tôi, đi vào Nam chiến đấu, sau là liệt sỹ. Trước khi hy sinh, anh Lực gửi quyển nhật ký nhờ chuyển ra Bắc cho tôi và tôi tìm cách chuyển cho gia đình anh, rồi gia đình đã mang gửi lại cho nhà trường. Hiện nay quyển nhật ký của đồng chí Doãn Duy Lực ở trong phòng truyền thống của chúng ta.”

Ông hồi tưởng lại kỷ niệm không bao giờ quên với những người bạn cùng lớp, cùng trường, những sáng sớm tinh sương đi bộ, vượt qua con sông Đuống để đến trường: "Chúng tôi lúc bấy giờ còn phải cùng với gia đình đi lao động kiếm sống. Một số anh em buổi tối phải đi dạy bổ túc văn hóa, đi lao động, có những anh bạn buổi tối ra bãi chiếu bóng Gia Lâm, đứng ở cổng xé vé vào cửa mỗi tối được 3 hào, đời sống khó khăn lắm... Tôi và anh Ngô Bá Dục, 1 tuần 1 buổi tối phải đi bộ suốt từ đây vào Thanh Am, kho xăng Đức Giang để dạy bổ túc văn hóa, thù lao mỗi giờ được 6 hào, một buổi tối dạy 2 giờ cũng có 1 đồng 2... Chúng tôi lấy tiền ấy để sinh hoạt, học tập và ở trọ, tự nấu nướng lấy ăn.”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhớ lại năm 1962, nhà trường tổ chức cuộc thi bích báo và lớp 10B do thầy Giảng làm Chủ nhiệm đã giành được giải thưởng. Ông kể lại: "Tôi có viết bài thơ nhan đề "Năm cuối cùng của đời học phổ thông" với cảm xúc rất ngây thơ nhưng rất chân thành. Bài thơ mở đầu là: “Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu/ Tôi học 10B - Nguyễn Gia Thiều/ Nay đã trở nên "người anh cả"/ Cuộc đời vui bay bổng cánh diều!...” (“người anh cả” vì lớp 10 là lớp cuối cùng của cấp III lúc bấy giờ). Và bài thơ kết thúc với câu hỏi lớn mà tác giả nêu lên, cũng là băn khoăn, trăn trở của một lớp thanh niên chuẩn bị rời ghế nhà trường phổ thông, với ước mơ, hoài bão được cống hiến cho đất nước, quê hương: “Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa/ Năm cuối cùng của thời học phổ thông…”.

Thời gian đã trôi qua gần 60 năm, những kỷ niệm sâu sắc, những ấn tượng tốt đẹp của 6 năm liên tục được học tập dưới mái trường thân yêu Nguyễn Gia Thiều, luôn còn mãi. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ tên các thầy hiệu trưởng thời đó như thầy Nguyễn Quang Ân, thầy Lương Thanh Tường, thầy Hoàng Hùng, thầy Đoàn Thanh… rồi thầy Quế, thầy Quý dạy Văn; thầy Oánh, cô Diễn dạy Toán, thầy Giản dạy Lý, thầy Huỳnh dạy Hóa, thầy Bửu dạy Nga văn; thầy Đoàn Cầu dạy Trung văn; thầy Kháng dạy Chính trị; thầy Khánh dạy Sinh vật. Đặc biệt là thầy Lê Đức Giảng của chúng tôi đang ngồi đây dạy Lịch sử và trực tiếp 2 năm liền là giáo viên Chủ nhiệm của lớp 9B, 10B với biết bao kỷ niệm…”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từ đáy lòng mình, tôi xin chân thành cảm ơn và không bao giờ quên công lao dạy dỗ, giáo dục, rèn luyện của Nhà trường, của các thày, cô giáo và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cán bộ, nhân viên Nhà trường, sự đùm bọc, phối hợp, cộng tác của các bạn học sinh cùng thời với chúng tôi.”  Với tất cả tình cảm chân thành, thân thiết, ông gửi tới toàn thể các vị đại biểu, các thày giáo, cô giáo, các bạn học sinh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, có nhiều niềm vui hơn nữa và chúc cho "Trường ta ngày càng phát triển hơn nữa!”./.