Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Để đất đai thực sự là động lực cho sự phát triển đất nước

(Mặt trận) - Vừa qua, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS. Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, đồng chủ trì Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển 

Tọa đàm do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, cựu giáo chức, cán bộ, đảng viên của Học viện cùng trao đổi, thảo luận, phát huy trí tuệ trong việc đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kết nối trực tuyến với 5 Học viện trực thuộc…

Tại Tọa đàm, các đại biểu thống nhất đánh giá dự thảo Luật với dung lượng hơn 155 trang, gồm 16 Chương, 237 Điều, đã thể chế hóa thành những căn cứ pháp lý nhiều nội dung định hướng đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung góp ý vào một số nội dung cơ bản, căn cốt của dự thảo Luật.

Luật phải khả thi, vận hành được thông suốt trong thực tiễn 

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh lại kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có 4 vấn đề mang tính nguyên tắc gồm: 

Một là, bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt là 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ; những vấn đề Trung ương đã thảo luận nhưng chưa có kết luận thì không đưa vào dự án luật.

Hai là, kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn. Luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ. Phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm. Chỉ rõ vướng mắc, “lỗ hổng” để giải quyết, tránh tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này lại xuất hiện điểm nghẽn khác, bịt được lỗ hổng này lại sinh ra lỗ hổng khác, chống cài cắm lợi ích nhóm trong quá trình sửa đổi Luật.

Ba là, phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Cân nhắc kỹ, không đưa vào luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể.

Bốn là, quá trình sửa đổi luật cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học, khách quan, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm các nước, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; tiếp thu, giải trình đầy đủ, cầu thị; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.

Quang cảnh Tọa đàm

Đặc biệt nhấn mạnh tính khả thi của Luật Đất đai để khi được Quốc hội thông qua thì vận hành được thông suốt trong thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở một số vấn đề đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tập trung đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật.

Một là, nhóm vấn đề về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là việc minh định giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể; cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất. Hiện có khoảng 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài. Do vậy, khi thiết kế các quy định của Luật Đất đai phải bảo đảm nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát khoa học, hiệu quả giữa các cơ quan, chủ thể có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.

Hai là, thể chế hóa đầy đủ, khoa học, khả thi các quy định của số 18-NQ/TW liên quan tới các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất. Đây là nội dung rất quan trọng và cũng rất khó của dự thảo luật đất đai. Thời gian qua cũng có nhiều vi phạm pháp luật trong xác định giá đất, làm thất thoát ngân sách, mất cán bộ.

Ba là, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ hơn tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai với Luật Quy hoạch; làm rõ hơn về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tính chất, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh; về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi Luật đất đai có hiệu lực thi hành.

Bốn là, về các quy hoạch về thu hồi đất, nhất là các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Năm là, về chế độ sử dụng các loại đất.

Sáu là, vấn đề bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật bởi qua rà soát của Chính phủ có 22 luật, bộ luật có quy định vướng mắc, chồng chéo với các quy định trong Luật Đất đai. Lưu ý điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đây cũng là vấn đề rất khó trong quá trình thảo luận còn ý kiến khác nhau.

Có cơ chế, chế tài đủ mạnh để phòng, chống tiêu cực trong định giá đất

Tại Tọa đàm, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Luật Đất đai trong hệ thống pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, nhìn chung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đất đai trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18 – NQ/TW ngày 16.6.2022 Hội nghị lần thứ 5 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

GS.TS. Trần Ngọc Đường phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Lâm Hiển 

Đề cập vấn đề phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong dự thảo Luật Đất đai, GS.TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ rõ, quy định tại dự thảo Luật chưa thể hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm đã được nêu trong Tờ trình dự án Luật. Cụ thể, Tờ trình nêu quan điểm “Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của Nhân dân”. Nhưng Điều 21 dự thảo Luật mới chỉ liệt kê các công việc cần phải làm trong quản lý đất đai.

Do đó, GS.TS Trần Ngọc Đường đề nghị thể hiện lại Điều 21 để quy định rõ trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai thì những vấn đề gì là phải quản lý theo ngành và vấn đề gì phải quản lý theo lãnh thổ, tức là việc gì thuộc thẩm quyền của chính quyền Trung ương, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương; những vấn đề gì cả hai cùng làm. “Có như vậy mới hình thành cơ sở để phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai quy định ở các Chương sau”, GS.TS Trần Ngọc Đường nói.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Lâm Hiển 

Về cơ chế xác định giá quyền sử dụng đất theo nguyên tắc thị trường, PGS.TS. Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, Nhà nước ta được Hiến pháp giao quyền đại diện pháp lý của chủ sở hữu toàn dân và được toàn dân ủy quyền quản lý đất đai theo Luật Đất đai.

Theo đó, trách nhiệm của Nhà nước là tìm cách sử dụng quỹ đất của quốc gia có hiệu quả cao nhất, đồng thời chia lợi ích từ việc sử dụng đất đó cho công dân và các nhà đầu tư vừa theo nguyên tắc thị trường (mua bán thỏa thuận dân chủ), vừa theo nguyên tắc công bằng giữa các công dân, giữa người đang có quyền sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi và nhà đầu tư nhận đất, giữa người sử dụng đất và cơ quan nhà nước... 

“Các giao dịch giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất cần dựa trên giá cụ thể được cơ quan tư vấn độc lập xác định bằng các phương pháp khoa học đi đôi với thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất thông qua việc cung cấp thông tin minh bạch và đối xử công bằng về lợi ích với các bên liên quan”, PGS. TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến cũng đề nghị phải có cơ chế và chế tài đủ mạnh trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực và kiểm soát quyền lực hiệu quả để cán bộ quản lý đất đai không thể câu kết với các tổ chức tư vấn độc lập để định giá quyền sử dụng đất có lợi cho bên nhận.

Tại toạ đàm, dẫn lại lời nhà kinh tế cổ điển “Lao động là cha, đất đai là mẹ, là nguồn gốc của mọi của cải”, Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hòa nhấn mạnh, nội dung quan trọng hàng đầu của Luật Đất đai là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hòa, thực tế thời gian qua, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở nước ta còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến khai thác, sử dụng đất đai trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Chương 4: Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần bổ sung,  hoàn thiện. Ví dụ, quy định liên quan đến nguyên tắc lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, cần phải xác định rõ: Lập quy hoạch sử dụng đất phải dựa trên những căn cứ khoa học, thực tiễn và dữ liệu chuẩn xác; theo đúng quy trình, tiến độ; khi đã được phê duyệt thì phải triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; không được điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ, trừ trường hợp do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc do tác động nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu...

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật liên quan đến: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định mức thuế với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; mở rộng đối tượng sử dụng đất nông nghiệp; quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích; cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý và sử dụng đất...

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển 

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, 14 ý kiến phát biểu và các tham luận gửi đến Tọa đàm đã thể hiện sự tâm huyết, rất trách nhiệm, sâu sắc của các đại biểu. Trên cơ sở gợi ý mang tính nguyên tắc, nhất là nguyên tắc sửa đổi Luật lần này của Chủ tịch Quốc hội, nhiều ý kiến phát biểu xác đáng, bám sát, có mở rộng trên những vấn đề căn cốt nhất.

Dự thảo Luật đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và tháo gỡ các điểm nghẽn, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước; kế thừa Luật Đất đai 2013, tuy nhiên trong bối cảnh 10 năm qua với rất nhiều thay đổi, từ quan điểm, chủ trương, những tiếp cận mới… nên đã được đưa vào trong dự thảo.

Dự thảo Luật tổng kết những vấn đề đã chín, rõ, thuyết phục và bám sát, đầy đủ tình hình thực tiễn với nhiều vấn đề phức tạp, nổi cộm trong vấn đề đất đai. Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Xuân Thắng nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là lĩnh vực chúng ta phải tháo gỡ cho được những khó khăn về mặt thể chế, về mặt luật pháp.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, với nhiều nội dung phong phú, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thành báo cáo tiếp thu tối đa, có chọn lọc gửi Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là kế thừa, đổi mới, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giảm thiểu tranh chấp, khiếu kiện…