Tiếp tục tạo sức lan tỏa trong phong trào tự học và đọc sách

(Mặt trận) - Sáng 18/4, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam. Tham dự Hội nghị có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Lan tỏa phong trào đọc sách ở 63 tỉnh, thành phố

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời đại công nghệ số, tỷ lệ người đọc sách ngày một giảm. Theo thống kê, năm 2016 chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% người không đọc sách, 44% người thỉnh thoảng đọc sách. Mỗi người Việt Nam thụ hưởng trung bình 4,2 cuốn sách mới một năm, trong đó 2,3 cuốn là khách giáo khoa. Như vậy, mỗi năm một người Việt Nam chỉ đọc gần 2 cuốn sách mới, thuộc nhóm thấp trên thế giới.

Trước vấn đề này, cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/4/2014 và lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Ngày sách Việt Nam nhằm hướng tới các mục tiêu: Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách con người; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, phong trào đọc sách đã được phát triển sâu rộng trên phạm vi toàn quốc. Nhiều địa phương xây dựng đường sách, phố sách, ngày sách, hội sách… thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng. Hiện nay đã có nhà xuất bản xuất bản sách điện tử; tổ chức nhiều giải thưởng sách quốc gia; giờ đọc sách được thực hiện trong các lớp học từ cấp mầm non đến THCS…

Theo báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngày sách Việt Nam đã được tổ chức trên cả nước với quy mô ngày càng lớn. Hiện có 99% số tỉnh, thành phố đã triển khai hoạt động Ngày sách Việt Nam xuống các quận, huyện; 30% số tỉnh, thành phố tổ chức Ngày sách Việt Nam xuống tận cấp xã, phường; 100% cơ sở giáo dục đã chủ động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của Ngày sách Việt Nam. Cả nước có hơn 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và hơn 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên tham gia hưởng ứng Ngày sách Việt Nam; 100% thư viện cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc…

Qua 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, ngành Xuất bản thực hiện được 160.000 xuất bản phẩm với 1,9 tỷ bản, tăng 20% về số cuốn và số bản sách; tốc độ tăng trưởng của xuất bản phẩm từ 10-15%...

Tại Hội nghị, nhiều tham luận của đại diện các bộ, ngành, địa phương khẳng định ý nghĩa to lớn của việc thực hiện Ngày sách Việt Nam cũng như phát triển văn hóa đọc. Nhiều kiến nghị thiết thực về việc làm thế nào để phong trào đọc sách có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.

Đọc và sách là điều vô cùng quan trọng để đất nước, dân tộc đi lên

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sự hiếu học là điều vô cùng quý giá với từng con người, gia đình, cộng đồng, dân tộc và là đặc trưng chung của nhân loại. Dân tộc ta có hàng ngàn năm văn hiến và là dân tộc có truyền thống hiếu học. Vì thế, việc phát triển, nhân rộng văn hóa đọc trong giai đoạn hiện nay là vô cùng quan trọng, cần thiết.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ngày sách Việt Nam được tổ chức hàng năm trở thành dấu mốc có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân và xã hội. Trong 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng về Ngày sách Việt Nam, các bộ, ngành, cộng đồng, địa phương, doanh nghiệp và những cá nhân có tấm lòng đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, làm cho văn hóa đọc có sự khôi phục và phát triển đáng mừng. Phong trào đọc sách, tặng sách đã đến với nhiều vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, bên cạnh những kết quả đáng mừng trong việc tổ chức Ngày sách Việt Nam, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân thì đâu đó vẫn còn những đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa tích cực, còn nhiều nơi tổ chức ngày sách mang tính hình thức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng nỗ lực hơn nữa để Ngày sách Việt Nam và văn hóa đọc đi vào thực chất, lan tỏa đến mọi ngõ ngách, mọi cơ quan, mọi ngành, cấp, bởi đâu đó vẫn còn chưa tích cực, hình thức.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải đẩy mạnh hơn để phong trào tự học, đọc sách lan tỏa trong xã hội, trong giới trẻ, mà trước hết từ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Theo Phó Thủ tướng, có nhiều công việc có thể làm tốt hơn nếu công chức dành thời gian để đọc, chưa nói đến đọc sách mà là đọc các văn bản.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông - đơn vị được giao chủ trì triển khai Ngày Sách Việt Nam tiếp tục làm theo kế hoạch cụ thể, bài bản để đưa Ngày sách Việt Nam đến các bộ, ngành, vùng, miền, còn phải là đầu mối kiến nghị chính sách, cả chính sách kinh tế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà xuất bản, cho việc đưa sách về mọi nơi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan được giao phối hợp thực hiện Ngày sách Việt Nam, đồng thời là đơn vị chủ trì đề án phát triển văn hóa đọc phải tiếp tục làm thật tốt việc này.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan cần tích cực hơn trong việc lồng ghép vào tất cả các phong trào, từ xây dựng gia đình văn hóa, phong trào khuyến học, khuyến công, khuyến nông… đều gắn với đọc. Phải làm sao tiếp tục tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất, khuyến khích mọi người viết sách để có nhiều tác phẩm tốt, tác phẩm hay; tôn vinh nhiều tác giả, văn nghệ sĩ, tôn vinh những người đưa sách đến cộng đồng, đến với mọi người, mọi nhà.

Đồng thời, phải phát huy tốt hơn vai trò của các hội, đặc biệt là Hội Xuất bản, Hội Khuyến học… trong xây dựng chính sách và cần tích cực tuyên truyền nhiều hơn về văn hóa đọc trong xu thế mới.

“Bây giờ nhiều người nói về công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng loài người nói chung, dân tộc ta nói riêng muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức, phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn... Dù hình thức có những thay đổi nhưng đọc và sách sẽ vẫn là điều vô cùng quan trọng để đất nước, dân tộc có thể đi lên”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.