Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự giác tham gia xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Đó là nhìn nhận chung của các cán bộ Mặt trận 10 tỉnh, thành phố tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới”, coi đây là yêu cầu của công tác Mặt trận trong thời gian tới...

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tặng quà cho hộ nghèo, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bình Định

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng các đại biểu tham quan mô hình xây dựng NTM tại xã Hải Châu (Hải Hậu, Nam Định)

Ngày 27/4, tại xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới”, với sự tham dự của đại biểu là các cán bộ Mặt trận của 10 tỉnh, thành phố (gồm Lai Châu, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đồng Nai, Tiền Giang). Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì cuộc tọa đàm...

Trước khi tọa đàm, các đại biểu đã tham quan thực tế kết quả xây dựng NTM, xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển tại địa bàn các thôn, xóm của xã Hải Châu, huyện Hải Hậu - địa phương đã đạt chuẩn huyện NTM từ năm 2015, hiện là 1 trong 4 huyện của cả nước được Chính phủ chọn chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình huyện NTM kiểu mẫu...

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ những kết quả, phương thức, kinh nghiệm, cách làm của MTTQ địa phương mình trong việc tham gia xây dựng NTM; những dự định, những mong muốn, những hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hơn nữa kết quả Mặt trận tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia có mục đích, ý nghĩa lớn này...

Như chia sẻ của ông Lại Văn Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hải Hậu, xây dựng NTM là một việc lớn, với nhiều công trình, phần việc phải làm, làm thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc... do vậy cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt phải huy động được mọi người, mọi nhà ở nông thôn tham gia.

Với vai trò, chức năng của mình, 7 năm qua, hệ thống Mặt trận huyện luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, chuyển tải chủ trương, chính sách xây dựng NTM tới mọi người, mọi gia đình. “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân là dịp rất phù hợp, rất hiệu quả để Mặt trận làm công tác tuyên truyền, vận động vì có rất đông người dân sinh sống trong cùng một cộng đồng thôn xóm tham gia”, ông Hà chia sẻ.

Cũng theo ông Hà, giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên phải có sự phối hợp chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, Hội Nông dân làm gì, Hội Phụ nữ làm gì, Đoàn Thanh niên làm gì, Hội Cựu chiến binh làm gì... đều phải cụ thể. “Ngoài công tác tham mưu cho cấp ủy, một trong những nhiệm vụ thời gian qua MTTQ huyện trực tiếp đảm nhiệm là tuyên truyền, vận động thực hiện tốt quy chế về việc cưới, việc tang...”, ông Hà nêu ví dụ.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại cuộc tọa đàm.

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm, đại diện cấp ủy, ông Mai Văn Quyết, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hải Hậu nhấn mạnh thêm về việc phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng và phải có người, tổ chức chịu trách nhiệm. “Một việc có thể giao cho nhiều người thực hiện nhưng phải có một người chịu trách nhiệm. Ví dụ như ở huyện Hải Hậu, ngày hôm nay có bao nhiêu đình đám, đình đám nào vi phạm quy định thì anh Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện phải nắm được và phải chịu trách nhiệm vì Mặt trận huyện được giao chủ trì việc này”, ông Quyết cho biết.

Đại biểu đến từ MTTQ huyện Tân Uyên (Lai Châu) thì chia sẻ: Điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương có nhiều đặc thù, khó khăn, trong đó huyện có đến 20 dân tộc thiểu cùng sinh sống; ngôn ngữ, phong tục khác nhau; nhiều dân tộc có những hủ tục tồn tại từ rất lâu đời. Trong bối cảnh đó, hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó có MTTQ và các đoàn thể phải phân công cán bộ phụ trách từng thôn bản, hộ dân để tuyên truyền, vận động; quá trình tuyên truyền, vận động phải dày công, kiên trì. “Ở đây có đồng bào dân tộc vẫn còn tục không để người chết trong quan tài và để rất lâu trước khi chôn, rất mất vệ sinh. Để thay đổi, ngoài kiên trì tuyên truyền, vận động, Mặt trận còn tổ chức cho đồng bào sang tham quan tỉnh bạn Lào Cai, nơi cũng có đồng bào có hủ tục tương tự nhưng nay đã thay đổi”, đại biểu chia sẻ.   

Đại biểu đến từ MTTQ tỉnh Đồng Nai - địa phương hiện đã có tới 8/9 huyện đạt chuẩn huyện NTM, cũng là nơi có đặc thù có rất đông đồng bào Công giáo thì cho rằng, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào có đạo là việc rất quan trọng, cần thiết của công tác Mặt trận. “Ở Đồng Nai, cán bộ Mặt trận thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của đồng bào có đạo. Qua đó, giúp đồng bào hiểu xây dựng NTM không có mục đích gì khác ngoài mục đích chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào có đạo. Gần gũi, chân tình, sẻ chia nên mọi phong trào, mọi hoạt động do Mặt trận phát động, đề nghị đều nhận được sự hưởng ứng, tích cực, hiệu quả của đồng bào”, đại biểu chia sẻ kinh nghiệm. 

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam thì cho rằng, công tác Mặt trận nói chung, công tác Mặt trận trong xây dựng NTM nói riêng  phải đạt được yêu cầu “người thật, việc thật, có sản phẩm cụ thể”, tránh hô hào chung chung, nặng tính hình thức. “Kết quả xây dựng NTM phải được người dân thừa nhận, thể hiện sự hài lòng, cụ thể người dân phải thấy được qua xây dựng NTM đời sống mọi mặt của mình được thay đổi. Nếu qua loa, hình thức thì không thể đạt được điều này”, ông Long nêu quan điểm.    

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao phương thức, cũng như những kết quả, kinh nghiệm, cách làm của MTTQ các địa phương trong xây dựng NTM thời gian qua, đồng thời đánh giá cao những chia sẻ của các đại biểu tại cuộc tọa đàm, coi đây là những kinh nghiệm thiết thực, cần được chia sẻ rộng rãi trong hệ thống Mặt trận cả nước. Để nâng cao hiệu quả Mặt trận tham gia xây dựng NTM, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị tổ chức Mặt trận các địa phương, nhất là ở những địa phương còn gặp khó khăn trong xây dựng NTM, kết quả còn hạn chế, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tự giác, tự nguyện tham gia xây dựng NTM ở địa phương mình, coi đây là việc của mình, mình làm cho mình.  

Theo Phó Chủ tịch, quá trình thực hiện giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức thành viên nòng cốt cần có sự phối hợp chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức Mặt trận cần chú trọng, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giám sát, nhất là giám sát việc huy động, sử dụng nguồn lực xây dựng NTM do nhân dân đóng góp. Làm tốt công tác lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM. Đến nay, Nghị quyết số 26 - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời đã được tròn 10 năm. Tổ chức Mặt trận các địa phương cần làm tốt công tác tham mưu, tổng kết cho cấp ủy địa phương, trong đó làm rõ vai trò, kết quả tham gia thực hiện Nghị quyết của tổ chức Mặt trận...