Tiếp tục chống dịch trong giai đoạn mới với sự thống nhất, đồng thuận, hiệu quả hơn

(Mặt trận) - Theo đánh giá của Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, thông tin báo chí, truyền thông đã có sự chuyển biến rõ nét, bám sát các kế hoạch tuần của Tiểu ban Truyền thông, tập trung tuyên truyền đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện E, thành phố Hà Nội. Ảnh Quang Vinh 

Theo đánh giá của Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, thông tin báo chí, truyền thông đã có sự chuyển biến rõ nét, bám sát các kế hoạch tuần của Tiểu ban Truyền thông, tập trung tuyên truyền đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia với phương châm xuyên suốt: "Chống dịch như chống giặc; lấy xã, phường là "pháo đài", người dân là "chiến sỹ", người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện, mọi chính sách; xét nghiệm thần tốc, nhiều vòng nhằm phát hiện sớm nguồn lây, cách ly, khoanh vùng dập dịch kịp thời, hạn chế phong tỏa kéo dài trên diện rộng; triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị, giảm tử vong".

Công tác truyền thông phòng, chống dịch với mục tiêu để "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm"; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt; tập trung các tin, bài hướng dẫn kỹ năng, tư vấn, giải đáp liên quan đến kỹ năng sống an toàn, chung sống an toàn trong mùa dịch, trong vùng dịch, tăng cường bảo vệ sức khỏe của người dân, đề xuất, hiến kế các giải pháp chống dịch; phản bác các thông tin xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch.

Với chủ trương chống dịch và phát triển kinh tế phải song song, Chính phủ và Quốc hội đồng hành cùng doanh nghiệp trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”. Báo chí, truyền thông đã ghi nhận, phản ánh ý kiến kiến nghị của giới doanh nhân, doanh nghiệp, phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc Chính phủ luôn thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 do các biện pháp phong tỏa, giãn cách kéo dài. Khi xác định chuyển trạng thái chống dịch, từ “Zero COVID” sang “sống chung với COVID”, nhiều giải pháp, đề xuất, kiến nghị tâm huyết được bàn đến, làm sao để “sống chung” có hiệu quả, thích ứng an toàn trong cuộc sống bình thường mới.

Nhiều tỉnh, thành phố tăng tần suất, thời lượng tuyên truyền phòng, chống dịch trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn. Tần suất trung bình từ 3-4 lần/ngày (tăng so với trước từ 1-2 lần); thời lượng trung bình từ 15-20 phút/bản tin (tăng 5-10 phút/bản tin so với trước). Nội dung tuyên truyền sinh động với nhiều hình thức đa dạng, trực tiếp đến người dân.

Liên quan đến lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai cài đặt âm thông báo, nhắn tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đến các thuê bao trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Gia Lai, Quảng Bình, Hà Nam, Nam Định, Lào Cai, Khánh Hòa... Hệ thống kết nối camera các điểm cách ly đã kết nối thêm 3 điểm với 25 camera (tổng số kết nối 1.076 với 12.992 camera tại 62 tỉnh, thành phố).

Tính đến ngày 10/10, Tổng đài tiếp nhận phản ánh của người dân 19009095 đã tiếp nhận và xử lý tổng số tổng hơn 7,3 triệu cuộc gọi, tập trung vấn đề: Đã tiêm đủ 2 mũi tiêm nhưng chỉ hiện chứng nhận 1 mũi trên app Sổ sức khỏe điện tử, đã nhập phản ánh trên web nhưng chưa nhận được phản hồi và chưa được cập nhật thông tin. Tổng đài hỗ trợ khai báo y tế 18001119 đã tiếp nhận tổng gần 289.000 cuộc gọi và thực hiện tổng số gần 7,35 triệu cuộc gọi ra. Đến hết 30/9 (sau 12 ngày triển khai), các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành ứng cứu phủ sóng đối với 283 điểm lõm sóng tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Phước, Đồng Tháp, Khánh Hòa).

Cục Bưu điện Trung ương và các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai thiết lập, bảo đảm chất lượng đường truyền kết nối phục vụ các cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố (bao gồm UBND các quận, huyện, xã, phường).

Đối với việc triển khai công nghệ phòng, chống dịch, ngày 30/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn tất việc phát triển một ứng dụng duy nhất của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 lấy tên là PC-COVID. Đến ngày 10/10, kết quả toàn quốc có tổng số hơn 25,6 triệu điện thoại thông minh cài PC-COVID, chiếm 26,69% dân số, 38,4% số điện thoại thông minh.

Về kết quả triển khai công nghệ bắt buộc dùng chung trên toàn quốc, đối với nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào ra sử dụng mã QR, tính đến ngày 10/10, toàn quốc đã có hơn 2,17 triệu địa điểm đăng ký kiểm soát thông qua mã QR, trong đó có hơn 201.968 điểm ghi nhận hoạt động. Toàn quốc đã có tổng số 51.797.185 mũi tiêm cập nhật trên Nền tảng quản lý tiêm chủng, trong tổng số 53.763.377 mũi đã tiêm, đạt tỷ lệ 96,34%. Đối với nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, đã có hơn 4,89 triệu lượt người lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm qua ứng dụng Bluezone cho 1.512.816 lượt người...

Thời gian tới, Tiểu ban Truyền thông tiếp tục bám sát quan điểm, chỉ đạo mới, thông điệp quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Tiểu ban kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sớm tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm cho 4 đợt chống dịch vừa qua để tiếp tục chống dịch trong giai đoạn mới, tốt hơn, thống nhất hơn, đồng thuận hơn, hiệu quả hơn. Trước khi ban hành chính sách, quyết định ảnh hưởng đến kinh tế và an sinh xã hội (nếu có) cần phải được đánh giá tác động. Đặc biệt, cần cho cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, truyền thông các cấp (cả Trung ương và địa phương) được cùng tham gia xây dựng chính sách ngay từ đầu, thậm chí góp ý, phản biện đối với các dự thảo văn bản, để cân nhắc đánh giá kỹ tác động chính sách, tác động truyền thông, tránh tình trạng bất ngờ, bị động.

Bên cạnh đó, để phục hồi kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Chính phủ cần sớm ban hành chương trình tổng thể hồi phục kinh tế - xã hội, thay đổi mô hình thích ứng với hoàn cảnh mới, giao mục tiêu cụ thể về phục hồi kinh tế - xã hội cho địa phương; chỉ đạo các cơ quan chức năng từ Trung ương, bộ, ngành đến địa phương cần đưa ra lộ trình, kế hoạch mở cửa rõ ràng cùng với việc thực thi, đảm bảo tính khách quan, công khai và minh bạch. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể chủ động chuẩn bị nguồn lực, lực lượng lao động, điều kiện sản xuất cũng như bố trí nơi ăn, ở cho công nhân để phục hồi sản xuất hiệu quả.

Tiểu ban cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Y tế triển khai kết nối, xác thực thông tin người dân dựa trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Y tế triển khai kết nối, chia sẻ thông tin liên quan dựa trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội.