Tiêm chủng vaccine Covid-19: Không phân biệt người Việt Nam hay nước ngoài

(Mặt trận) - Với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần đoàn kết quốc tế, không phân biệt quốc gia, dân tộc, cùng chia sẻ trước thách thức chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, cho đến nay, hàng nghìn người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam đã được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Nhân viên y tế cung cấp thông tin vaccine cho một cán bộ của tổ chức Phi chính phủ nước ngoài tại buổi tiêm ngày 13/7 (Ảnh: BV Phổi T.Ư). 

Bình đẳng trong tiêm chủng

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, trên tinh thần nhân đạo, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, hỗ trợ để người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam được bảo đảm sinh hoạt bình thường, an toàn và được giám sát, chăm sóc y tế, điều trị tích cực trong trường hợp cần thiết.

Thực tế, trong những đợt dịch Covid-19 bùng phát, đã có rất nhiều bệnh nhân dương tính là người nước ngoài được chữa khỏi bệnh tại Việt Nam và trở về quê hương an toàn sau điều trị, mang theo ấn tượng tốt đẹp về một Việt Nam chân thành và đùm bọc.

Không chỉ trong công tác chăm sóc điều trị, trong quá trình triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cũng được hưởng các chính sách bình đẳng như công dân Việt Nam.

Nhấn mạnh dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, ảnh hưởng nặng nề không chỉ đối với công dân Việt Nam mà còn cả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ngày 6/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện trong đó nêu rõ, các địa phương, các cấp các ngành cần tiếp tục thực hiện việc đăng ký và tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 miễn phí cho người nước ngoài tại địa phương như đối với công dân Việt Nam, bảo đảm tiếp cận công bằng, không phân biệt quốc tịch, hình thức cư trú, việc làm…

Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 24/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng đã truyền tải thông điệp của Đảng và Nhà nước tới cộng đồng quốc tế: “Việt Nam không phân biệt đối xử trong quá trình chăm sóc sức khỏe, cũng như tiêm chủng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam. Công dân nước ngoài sẽ được tạo điều kiện tiêm chủng khi Việt Nam tiếp nhận thêm vaccine phòng Covid-19”.

Là đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai tiêm chủng cho các Đại sứ quán, các tổ chức Liên hợp quốc và đoàn ngoại giao, người nước ngoài tại Hà Nội thời gian qua, đến nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 4.000 cán bộ, nhân viên của các đại sứ quán (ĐSQ), 4.251 người nước ngoài, gần 2 nghìn cán bộ và nhân viên Liên hợp quốc và gần 340 nhân viên của các tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội.

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, các buổi tiêm được triển khai ngang chuẩn quốc tế, bảo đảm giãn cách, tuân thủ quy tắc phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế. “Việc triển khai được các bạn bè quốc tế hết sức hoan nghênh”, ông Nhung cho biết.

Trước khi tiêm, thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam tiến hành khai báo y tế; được khám sàng lọc: đo thân nhiệt, huyết áp, khai báo tiền sử bệnh lý và được bác sĩ thăm khám, tư vấn chu đáo.Các buổi tiêm vaccine diễn ra thuận lợi, không có phản ứng nghiêm trọng nào xảy ra.

Đặc biệt, bệnh viện rất chú trọng đến quá trình theo dõi, quan tâm đến sức khoẻ của người được tiêm vaccine cả khi đã về nhà theo các mốc thời gian 24 giờ, 7 ngày, 3 tuần sau tiêm.

Các cán bộ, nhân viên của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện tiêm chủng ngày 13/7, tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) (Ảnh: BV Phổi T.Ư) 

Đại diện ĐSQ Ấn Độ cho hay, các cán bộ ngoại giao của ĐSQ đã được tiêm chủng đầy đủ với sự giúp đỡ rất nhiệt tình, chu đáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bệnh viện Phổi Trung ương qua 2 đợt tiêm trong tháng 6 và tháng 8.

ĐSQ Angola cũng đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả của phía Việt Nam trong công tác tiêm phòng vaccine Covid-19 cho các cán bộ ngoại giao của nước này, cũng như sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương nơi có các doanh nghiệp mà chuyên gia người Angola đang công tác.

Trong tháng 7, Đại sứ quán Pháp (đầu mối phía bắc) và Tổng lãnh sự quán Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh (đấu mối phía nam) cũng đã hợp tác với Bệnh viện Việt - Pháp, với sự đồng ý của các cơ quan chức năng Việt Nam, tổ chức chiến dịch tiêm phòng vaccine Covid-19 cho hàng nghìn công dân Pháp và nhân viên (người Việt Nam và người Pháp) thuộc mạng lưới ngoại giao Pháp tại Việt Nam, các tổ chức liên quan, cùng thành viên trong gia đình của họ.

Tại các điểm tiêm của phía Việt Nam tổ chức, người nước ngoài cũng nhận được sự hướng dẫn tận tình của các tình nguyện viên, từ khâu điền thông tin cá nhân đến các khu vực đo huyết áp, khám sàng lọc và khu vực tiêm…

Việc triển khai công tác tiêm phòng Covid-19 cho người nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt to lớn, thể hiện sự quan tâm của Việt Nam, tạo tâm lý an tâm sinh sống, làm việc và học tập cho cộng đồng người nước ngoài, góp phần ổn định cuộc sống, tăng cường đóng góp vào sự phát triển và hữu nghị song phương.

 Nhân viên tại cơ quan ngoại giao được khám sàng lọc trước tiêm chủng tại buổi tiêm ngày 10/6 (Ảnh: BV Phổi T.Ư)  

Nỗ lực triển khai tiêm chủng theo khả năng

Tại TP Hồ Chí Minh, nơi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cũng là nơi có đông người nước ngoài sinh sống, chính quyền thành phố đã chủ động triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là bảo đảm tiêm chủng kịp thời cho người nước ngoài, trong khả năng và nguồn lực có thể của địa phương.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc tiêm vaccine phòng dịch cho người nước ngoài là để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng người nước ngoài và cũng để bảo vệ sức khỏe cho những người dân đang sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh. UBND thành phố đã giao Sở Y tế phân bổ nguồn vaccine và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng cho người nước ngoài trong thời gian sớm nhất có thể.

 Chị Laura, công dân Tây Ban Nha tiêm vaccine ngừa Covid-19 sáng 10/8 tại phường Thảo Điền (Ảnh: hcmcpv.org.vn) 

Hồi đầu tháng 8, Quận 7 thông báo tổ chức tiêm cho gần 18.000 người nước ngoài với 106 quốc tịch khác nhau đang sinh sống, làm việc tại quận nếu đủ điều kiện tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Không chậm trễ, tại phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, chính quyền địa phương đã gửi thông báo tiêm chủng tới từng nhà, đồng thời triển khai lực lượng phiên dịch để hỗ trợ công tác tiêm chủng cho công dân các nước.

Cảm giác hồi hộp đều biến mất sau công tác khám sàng lọc cẩn thận và được nhân viên y tế trấn an là những gì mà nhiều công dân nước ngoài cảm nhận được tại buổi tiêm chủng hôm 10/8 tại khu vực này.

Sau khi nhận mũi vaccine đầu tiên, chị Laura, công dân Tây Ban Nha chia sẻ: Từ lúc xếp hàng đến khi được tiêm chỉ khoảng 30 phút. Nhân viên hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể nên việc tiêm vaccine diễn ra nhanh chóng và dễ dàng.

Tại Hà Nội, người nước ngoài đang sống và làm việc trên địa bàn thành phố cũng nằm trong danh sách ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 do Thành ủy Hà Nội chỉ đạo cùng với các đối tượng là người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người vận chuyển hàng,…

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 10/9, thành phố đã tiêm được 3.315.769 mũi tiêm gồm 2.959.321 mũi 1 và 356.448 mũi 2. Thành phố đang tăng tốc tiêm chủng, thậm chí tổ chức các điểm tiêm vaccine xuyên đêm cho người dân để sớm hoàn thành mục tiêu tiêm mũi 1 cho người dân trên 18 tuổi.

Có mặt tại buổi tiêm vaccine vào tối 9/9 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) cùng với hơn 1.000 người khác, vợ chồng ông John Charles Relly và bà Nina Ruthmccoy (người Mỹ, trú tại số 3 phố Hạ Hồi) chia sẻ, ông bà rất vui vì có giấy mời của UBND phường đi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Hai ông bà đã đến điểm tiêm từ rất sớm, hoàn thành mũi tiêm sau phần khám sàng lọc và tư vấn cẩn thận của nhân viên y tế.

Từ cuối tháng 7, hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã triển khai tiêm chủng vaccine Vero Cell cho 370 công dân Trung Quốc sinh sống và làm việc trên địa bàn hai tỉnh. Các công dân Trung Quốc đã nhận được đủ liều vaccine vào trung tuần tháng 8. 

UBND tỉnh Ninh Bình cũng đang dần triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, theo sự phân bổ 700 liều vaccine Vero Cell của Bộ Y tế Việt Nam cho tỉnh dùng để tiêm cho công dân Trung Quốc sinh sống hoặc làm việc trên địa bàn.

Việc triển khai tiêm vaccine cho công dân nước ngoài cũng đang được tiến hành tại các địa phương khác trên cả nước như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương.. trong nỗ lực chống dịch Covid-19 quyết liệt, hiệu quả.