Thường vụ Quốc hội sẽ cho thôi nhiệm vụ đại biểu với ông Ngô Đức Mạnh

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Đây là một trong những nội dung phiên họp 22 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khai mạc vào sáng nay (12/3). Phiên họp diễn ra trong hai đợt: 12-13/3 và 19-20/3.

Trong đợt 1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh. Việc xem xét cho thôi nhiệm vụ đại biểu được tiến hành do ông Mạnh đã được phân công nhiệm vụ mới (làm Đại sứ tại Liên bang Nga) và vấn đề này thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 Phiên họp thứ 21 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Ngoài ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: Một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Trong Đợt 2 của phiên họp, dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tiếp tục được cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Một trong những nội dung quan trọng tại phiên họp này là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, dự kiến diễn ra vào ngày 19/3.

Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức phiên chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề chính và trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Cụ thể nhóm vấn đề thứ nhất là các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người có trách nhiệm trả lời chính.

Nhóm vấn đề thứ hai là hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn; Thực hiện thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay” (đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 3 phút/lần).