Thực hiện công tác dân nguyện góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước

(Mặt trận) - Sáng 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023, cũng như Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Các đại biểu bấm nút tán thành tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh 

Tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc, không để phát sinh vấn đề phức tạp

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023 đã phản ánh rõ nét về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của từng việc đối với từng đối tượng; các số liệu phản ánh được nêu khá cụ thể.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương khẳng định, thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật trên thực tiễn đã được phản ánh kịp thời, xem xét, giải quyết. Đặc biệt, nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Quan tâm đến nhận định “vấn đề được tập trung khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai”, có các vướng mắc phát sinh từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ, ĐBQH Lê Văn Thìn (Phú Yên) chỉ rõ, nguyên nhân của những vướng mắc này là do các cơ quan quản lý Nhà nước là chủ yếu, hoặc tại địa phương trước đây thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các quy định pháp luật, hoặc do pháp luật thay đổi qua các thời kỳ mà không áp dụng được các điều khoản chuyển tiếp. Và hiện các vụ việc này hầu như không giải quyết được, nếu áp dụng pháp luật hiện hành cũng không giải quyết được.

Do vậy, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê lại các vướng mắc, bất cập, phân loại các thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, vướng mắc nào chưa rõ, cần sự hỗ trợ của các bộ ngành thì giao cho các bộ ngành và Tổ Công tác của Chính phủ nghiên cứu có những hướng dẫn để giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, “đây chỉ là giải pháp áp dụng trong một thời gian nhất định, tránh trường hợp lạm dụng ở các bộ ngành phải thực hiện thay phần việc của mình”, đại biểu Lê Văn Thìn lưu ý.

Về nội dung này, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) nhấn mạnh, năm 2024 là năm cao điểm thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV; là năm bản lề chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; các vấn đề về kinh tế - xã hội, về đất đai, về chế độ, chính sách có thể sẽ phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Do vậy, đại biểu đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành trong khối nội chính, các địa phương tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; chủ động nắm chắc tình hình, tập trung xử lý và kịp thời giải quyết các vụ việc, không để phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự xã hội.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan thanh tra các cấp trong công tác quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Chủ động nắm chắc tình hình khiếu nại tố cáo tại các địa phương, đặc biệt là đối với những địa phương đang có; hoặc tiềm ẩn xảy ra các vụ việc đông người phức tạp để chủ động đôn đốc phối hợp giải quyết.

Một số hạn chế, bất cập đã tồn tại từ nhiều năm

Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng lưu ý, một số hạn chế, bất cập trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023 là những vấn đề tồn tại từ nhiều năm và đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ các năm trước, được Ủy ban Pháp luật chỉ ra trong các báo cáo thẩm tra hàng năm song đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Để khắc phục hạn chế này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị, tại Nghị quyết của Quốc hội cần quy định giao nhiệm vụ cụ thể để sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ, nhưng bị kéo dài, chậm giải quyết, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

“Đây cũng là cơ sở để ĐBQH, các cơ quan của QH và công dân có điều kiện tập trung giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của các đối tượng được Quốc hội giao”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nhấn mạnh.

Góp ý cụ thể, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, khi rà soát, nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật, cần quan tâm nghiên cứu quy định cụ thể hơn về công tác xử lý đối với đơn thư do công dân ngoài tỉnh gửi đến ĐBQH, Đoàn ĐBQH, vì thực tế đang tồn tại tình trạng công dân gửi đơn thư đến nhiều ĐBQH, Đoàn ĐBQH. “Nếu có cơ chế cho ĐBQH, Đoàn ĐBQH xử lý đối với loại đơn này một cách thống nhất sẽ góp phần đảm bảo yêu cầu, quyền lợi chính đáng của công dân”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nói.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tăng cường phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật đến toàn thể Nhân dân để mỗi người dân nắm bắt được các quy định của pháp luật, đặc biệt là chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân trong khiếu nại, tố cáo.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên họp đã có 5 lượt ý kiến phát biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã giải trình, báo cáo làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu. Các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo, cho rằng nội dung các báo cáo đã phản ánh, đánh giá đầy đủ tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội trong kỳ báo cáo…

Quốc hội ghi nhận, đánh giá công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế- xã hội trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương. Đại biểu Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với đánh giá về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời phân tích, làm rõ thêm tình hình, kết quả thực hiện; làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Tổng thư ký Quốc hội sẽ tập hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu để gửi đến Chính phủ và các cơ quan; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.