Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ với 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ'

(Mặt trận) - Sáng 8/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 5 với chủ đề "Định hình lại quan hệ kinh tế song phương".

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với Việt Nam thời gian qua trong công tác phòng, chống dịch. Ảnh: VGP 

Hội nghị do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) phối hợp tổ chức.

Tham dự hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến có Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry, lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện cấp cao nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm: Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong tương lai thông qua kinh tế số và sáng tạo; đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam; thúc đẩy đầu tư bền vững và các chính sách ổn định để tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế.

Các đại biểu tin tưởng rằng xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì. Những giải pháp để tháo gỡ khó khăn và các vấn đề chính được nêu ra tại hội nghị sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh cho khu vực tư nhân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thu hút thêm đầu tư và thúc đẩy thịnh vượng tại Việt Nam.

Các diễn giả, đại diện các tập đoàn của Hoa Kỳ đều đánh giá cao tiềm năng phát triển lớn của Việt Nam, nhất là trong phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo… Ông Dean Garfield, Phó Chủ tịch Toàn cầu về Chính sách công của Netflix tin tưởng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sáng tạo nhất ở khu vực châu Á và sẽ thành công trong mục tiêu tăng tỷ trọng của công nghiệp sáng tạo.

Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham… bày tỏ ấn tượng với những cam kết mạnh mẽ tại COP26 và lộ trình triển khai của Việt Nam. Ông John Kerry cho rằng Việt Nam đang tích cực tham gia và có thể trở thành một "hình mẫu" trên thế giới về thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung đề cập 5 nội dung lớn: Sự phát triển của Việt Nam những năm qua và định hướng phát triển trong tương lai; kết quả và tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; công tác phòng, chống dịch, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi số.

Kim ngạch thương mại song phương tăng khoảng 250 lần

Thủ tướng nhấn mạnh: Song song với sự phát triển lớn mạnh của Việt Nam, sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực. Ảnh: VGP 

Dành nhiều thời gian điểm lại tiến trình phát triển của Việt Nam những năm qua, Thủ tướng cho biết, Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX vì mục tiêu độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Mặc dù chiến tranh đã để lại những hậu quả rất nặng nề, nhưng sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Việt Nam đang tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với 3 nội dung chính (xóa quan liêu bao cấp; kinh tế nhiều thành phần; hội nhập kinh tế quốc tế). Việt Nam xác định ba khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, với quan điểm xuyên suốt, rất quan trọng là lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng nhấn mạnh: Song song với sự phát triển lớn mạnh của Việt Nam, sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực.

Đặc biệt, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực kinh tế với việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000); Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (năm 2007); xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2013)...

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021 (tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020), bất chấp đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.

Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.

"Tôi vui mừng trước kết quả khảo sát về đầu tư kinh doanh năm 2021 của Amcham, theo đó, có gần 80% thành viên AmCham Việt Nam tham gia khảo sát đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam. Giai đoạn vừa qua một lần nữa khẳng định tính bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ và sự năng động của doanh nghiệp hai nước", Thủ tướng phát biểu.

Việt Nam nhận khoảng 29 triệu liều vaccine từ Hoa Kỳ

Ảnh: VGP  

Trong hai năm vừa qua, Việt Nam, Hoa Kỳ cũng như các nước phải gồng mình chống lại đại dịch COVID-19 gây bất ngờ, lúng túng, bị động cho cả thế giới, gây ra nhiều hậu quả không mong muốn. Về phần mình, Việt Nam xác định đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng nhau chống dịch và phát triển.

Trên thực tế, Việt Nam đã làm tốt việc này, bạn bè, đối tác quốc tế đã tích cực ủng hộ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về trang thiết bị y tế, vaccine khi Việt Nam kêu gọi. Tới nay, Việt Nam đã nhận được gần 220 triệu liều vaccine, khoảng một nửa trong số đó đến từ các nguồn tài trợ, trong đó có khoảng 29 triệu liều từ Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng tích cực chia sẻ với Việt Nam về phương tiện, trang thiết bị phòng, chống dịch. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sang thăm Việt Nam trong những ngày khó khăn do dịch bệnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với Việt Nam thời gian qua trong công tác phòng, chống dịch.

Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn dân trong phòng chống dịch, đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết. Năm 2021, khi chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, Việt Nam bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính quyết liệt trên diện rộng để phòng, chống dịch COVID-19, làm nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng.

Sau khi đạt độ bao phủ vaccine với tỷ lệ tiêm chủng thuộc loại cao nhất thế giới nhờ chiến lược vaccine rất thành công; đúc rút các kinh nghiệm, công thức, phương châm phòng, chống dịch; nâng cao năng lực y tế; đề cao ý thức người dân, Việt Nam đã chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tự tin mở cửa trở lại trên cơ sở thực tiễn, khoa học, đang phục hồi nhanh và hướng tới phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Quý III/2021, GDP của Việt Nam tăng trưởng âm nhưng sau đó đã tăng trưởng khả quan ở mức 5,22% trong quý IV/2021 và đà phục hồi tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2022; xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng tích cực; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người. 

Trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam vẫn bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực; lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè, đối tác quốc tế được củng cố.

Thời gian qua, mặc dù biến chủng Omicron lây lan rất nhanh, số ca mắc mới trong cộng đồng tăng nhưng tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát khi số ca, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong giảm mạnh.

Thủ tướng nêu rõ: Khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và đạt được kết quả ấn tượng nêu trên là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế.

Thời gian tới, Việt Nam tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương đương trên 4% GDP), tập trung vào mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi thị trường lao động, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp thông qua hoãn, miễn, giảm thuế, phí, điện và nước…; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; bố trí một phần nguồn lực cho các vấn đề có thể phát sinh.

Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu và trong lĩnh vực này, Việt Nam cũng có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân.

Việt Nam xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai những cam kết của mình thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia cuối tháng 12/2021 để triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.

Trong bối cảnh một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu nhiều hậu quả nặng nề bởi chiến tranh, Việt Nam kêu gọi công bằng, công lý trong thích ứng biến đổi khí hậu và đề nghị các nước hỗ trợ về thể chế thích ứng biến đổi khí hậu, tài chính xanh, công nghệ xanh, đào tạo nhân lực xanh, quản trị xanh.

Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam tập trung cho chuyển đổi số, đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ số, công dân số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đây là một tất yếu khách quan trong xu thế phát triển hiện nay.

Theo Thủ tướng, trên đây cũng là những vấn đề được phía Hoa Kỳ rất quan tâm. Hai bên có quan tâm chung, có nền tảng quan hệ tốt đẹp và đều mong muốn, quyết tâm phát triển quan hệ giữa hai nước, nên có thể tin tưởng hai bên sẽ thành công trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra phù hợp với xu thế thế giới và điều kiện, hoàn cảnh của hai nước, quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, hóa giải các khó khăn, thách thức, thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trên quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", tình cảm, chân thành, tin cậy và hiệu quả.

Thủ tướng tin tưởng rằng thành công của Hội nghị sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ nói riêng và quan hệ hai nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển thực chất và hiệu quả.