Thừa 63.000 công chức, viên chức: Gánh nặng chi lương từ ngân sách

Chiều 21/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội, trong khi Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt quyết toán năm 2016 với bội chi ngân sách 248.728 tỉ đồng, thì Kiểm toán Nhà nước và Uỷ ban Tài chính Ngân sách của QH đã thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề trong công tác thu chi ngân sách. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng biên chế công chức, viên chức càng tinh giản càng “nở ra”, góp phần làm tăng chi thường xuyên.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

 Theo báo cáo, 10 địa phương trong cả nước đã giao vượt 5.069 biên chế công chức (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế

Năm 2017, KTNN đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương và phát hiện nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, như:

Giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế (10 địa phương giao vượt 5.069 biên chế, trong đó TPHCM nhiều nhất với 3.456 biên chế), 5 địa phương giao 905 chỉ tiêu biên chế viên chức cho các cơ quan hành chính không đúng quy định, 2 địa phương giao chỉ tiêu hợp đồng khác chưa đúng quy định với 8.841 người trong đó riêng TP.Hà Nội đã có 8.464 người.

Việc sử dụng lao động (công chức, viên chức, hợp đồng lao động) thực tế có mặt trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người. Tình trạng “nở” biên chế đã đẩy tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao, làm tăng chi NSNN 859 tỉ đồng.

Nhiều địa phương hụt thu, tăng chi, bội chi ngân sách bằng 5,52% GDP

Bên cạnh vấn đề biên chế, KTNN và Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cũng chỉ ra nhiều vấn đề trong công tác thu-chi ngân sách năm 2016. Báo cáo với Quốc hội chiều 21.5, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận định cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, chủ yếu tăng thu từ tài nguyên và đất đai, việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỉ đồng.

Việc giao dự toán cho một số địa phương vượt quá khả năng thực hiện và hụt thu NSTƯ vẫn tiếp diễn trong năm ngân sách 2017. Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỉ trọng chi thường xuyên/tổng chi NSNN có xu hướng tăng (chi thường xuyên năm 2015 chiếm 62,3% tổng chi NSNN nhưng năm 2016 tăng lên mức 63,3%).

Uỷ ban cho rằng, đây là hệ quả của việc chậm triển khai sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức và số chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn quá lớn.

Bên cạnh đó, còn một số hạn chế đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 506/BC-UBTCNS14 về quyết toán NSNN năm 2015 vẫn tái diễn như hoàn thuế GTGT không đầy đủ, kịp thời, giao dự toán thu không sát, phân bổ, giao dự toán chi chưa đúng quy định, chi chuyển nguồn lớn,... Uỷ ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung đầy đủ căn cứ nhằm đảm bảo thông tin phục vụ Quốc hội phân tích, đánh giá, xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016 và các năm tiếp theo đồng thời kiến nghị Chính phủ thuyết minh rõ trong Báo cáo quyết toán để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN.

Tình trạng “nở” biên chế đã đẩy tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Ngoài ra, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác thu-chi ngân sách như việc xác định và hoàn thuế GTGT chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế và làm cho việc xử lý hụt thu NSTƯ không phù hợp, tăng thêm bội chi NSNN, công tác quản lý thu còn hạn chế nhất định, vẫn xảy ra tình trạng trốn thuế, thất thu ngân sách, nợ đọng thuế lớn. Việc lập và giao dự toán chi đối với một số khoản chi chưa sát thực tế; vẫn còn tình trạng giao dự toán chậm; giao dự toán chi đầu tư phát triển chưa đúng đối tượng, chưa tuân thủ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

Dự toán một số khoản mục chi chưa sát thực tế, dẫn đến số quyết toán chi vượt dự toán; còn tình trạng phân bổ vốn chậm, dồn vào các tháng cuối năm, nhiều khoản bổ sung có mục tiêu của T.Ư trong năm mới giao dự toán; một số khoản chi thường xuyên của một số địa phương, bộ ngành phân bổ, giao dự toán chậm đến 30.6.2016 phải tạm dừng triển khai, hủy dự toán.

Tổng chi NSNN vượt dự toán song một số nhiệm vụ chi quan trọng, đảm bảo cho phát triển bền vững lại không đạt dự toán như chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 91%, chi sự nghiệp y tế đạt 97,6%, chi sự nghiệp khoa học công nghệ đạt 90,2%... Tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư và cả trong điều hành ngân sách vẫn tái diễn.

Kết quả kiểm toán cho thấy, Bộ Tài chính đề nghị và Chính phủ cho phép một số địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi đầu tư 1.484 tỉ đồng trong khi NSTƯ vẫn cấp bổ sung kinh phí cải cách tiền lương cho các địa phương này là chưa phù hợp; các bộ ngành, địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỉ đồng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác 804,8 tỉ đồng; nhiều bộ, cơ quan T.Ư và địa phương quyết toán một số khoản chi thường xuyên không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, KTNN đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN 1.923 tỉ đồng…

Bộ Tài chính đề xuất quyết toán năm 2016 số bội chi 248.728 tỉ đồng, giảm 5.505 tỉ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định (vốn trong nước giảm 835 tỉ đồng; vốn ngoài nước giảm 4.670 tỉ đồng), bằng 5,52% GDP thực hiện.