Thủ tướng yêu cầu chống bệnh thành tích trong thi đua khen thưởng

(Mặt trận) - Sáng 15/7, tại Trụ sở Chính phủ, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã họp về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu  

Tham dự cuộc họp có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các thành viên Hội đồng.

Theo báo cáo của Hội đồng do Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày, trong những tháng đầu năm, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề cho đất nước ta và các nước trên thế giới. Với quan điểm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc”, các biện pháp ứng phó với dịch bệnh đã được chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả. Ngay từ đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác khẩn trương vào cuộc, ngày đêm bám trụ ở tuyến đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phát động phong trào “Toàn dân ủng hộ phòng chống dich bệnh COVID-19”, với số tiền và hiện vật ủng hộ đạt trên 2.000 tỷ đồng. Xuất hiện nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Từ những cháu bé đến cụ già trên 100 tuổi đã mang những đồng tiền dành dụm được để ủng hộ chống dịch, Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (97 tuổi) tự may khẩu trang để tặng người nghèo, những mô hình như “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”... đã giúp đỡ thiết thực cho người nghèo trong giai đoạn khó khăn. Nhiều chiến sĩ quân đội, cán bộ y tế gác lại việc riêng, “ăn lán, ngủ rừng”, bám địa bàn tiếp tục làm nhiệm vụ. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đồng bào ta ở nước ngoài và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam đã tích cực đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức, kinh nghiệm, tinh thần cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu  

Các phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực hưởng ứng và triển khai có hiệu quả.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hội đồng đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ 1.088 tờ trình khen thưởng. Thực hiện 750 quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước cho 23.447 trường hợp, 407 quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ cho 3.463 trường hợp.

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đôn đốc phong trào thi đua thực hiện mục tiêu kép, để làm sao cố gắng đạt được các chỉ tiêu của năm 2020 ở mức cao nhất. “Cần cố gắng giải quyết dứt điểm khen thưởng thành tích kháng chiến trong năm 2020”.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn nữa phong trào thi đua để “khen trúng, thưởng trúng thì mới lan tỏa được”. Khen thưởng phải có tính thuyết phục cao, tạo được niềm tin.

Các ý kiến nhấn mạnh, cần tập trung chỉ đạo đại hội thi đua và hội nghị điển hình tiên tiến các cấp, tiến tới Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ X.

 Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình 6 tháng đầu năm 2020 rất đặc biệt, cần đánh giá toàn diện để thấy được sự cố gắng của hệ thống chính trị trong phong trào thi đua yêu nước. Cần tiếp thu những vấn đề lớn để đưa vào báo cáo tổng kết của Hội đồng, thể hiện rõ tình hình đặc biệt của 6 tháng qua như thời tiết khắc nghiệt, đại dịch COVID-19 diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu, làm cho thế giới chao đảo, ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, vấn đề căng thẳng chính trị trong khu vực và thế giới… trong bối cảnh chúng ta là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

 Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Mặc dù đối diện nhiều thách thức, khó khăn trong 6 tháng đầu năm, nhưng chúng ta đã đạt được một số kết quả, chuyển biến đáng mừng, đã chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành công. Chúng ta có trạng thái bình thường mới, chi phí thấp, không có ca tử vong và thực hiện mục tiêu kép.

“Nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ người chiến sĩ lực lượng vũ trang đến người dân, người già, trẻ nhỏ đều có tấm lòng đối với đất nước trong lúc khó khăn, bệnh tật diễn ra”, Thủ tướng bày tỏ. “Chúng ta đã làm những việc mà thế giới cảm động, khâm phục”.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu  

Toàn dân hưởng ứng mạnh mẽ trước lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ, MTTQ, “đó chính là tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc trong lúc xảy ra nhiều sự kiện, nhất là dịch bệnh”. Theo Thủ tướng, điều quan trọng cần tổng kết là lòng dân, là niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. “Trong công tác thi đua khen thưởng, chúng ta đã làm kịp thời, tích cực, chủ động”. Nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức phong trào thiết thực, sáng tạo, tập trung giải quyết một số khâu yếu, nhất là tuyên truyền người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Hoạt động của Hội đồng đã bám sát phong trào chung, chỉ đạo kịp thời.

Tuy vậy, còn nhiều tồn tại, bất cập đối với công tác thi đua khen thưởng cần lưu ý để chỉ đạo tốt hơn. Cần đánh giá thẳng thắn, sâu sắc hơn một số bất cập. “Các đồng chí cũng lưu ý tình hình là không khoán trắng cho bộ phận thi đua khen thưởng ở các địa phương, các ngành”, Thủ tướng nói, chống bệnh thành tích trong thi đua khen thưởng là yêu cầu đặt ra.

Về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ tình hình, từ khủng hoảng y tế toàn cầu dẫn đến khủng hoảng kinh tế và tại nhiều nước, từ khủng hoảng kinh tế dẫn tới khủng hoảng xã hội, nhất là nạn thất nghiệp, đói kém. Do đó, không được chủ quan, không để dịch bệnh quay trở lại. Đây là trách nhiệm rất lớn của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp. Đồng thời, cố gắng không để đứt gãy nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng cần thiết. “Đây là nhiệm vụ song trùng, cần bám vào để triển khai các công việc liên quan”. Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội là vấn đề rất lớn đặt ra mà Hội đồng cần bám sát để triển khai các hoạt động, phong trào bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể.

Cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng phải sát hơn nữa, cụ thể hơn nữa, bám vào địa bàn hơn nữa, chứ không chỉ nói qua cuộc họp.

Thủ tướng tán thành với đề xuất của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc phát động một số phong trào như toàn dân tiết kiệm, dành nguồn lực phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn.