Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT cần giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học

Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án để giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học cho học sinh.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Bộ GDĐT đã quyết định lùi kỳ thi THPT quốc gia 2020 sang tháng 8. Ảnh: Hải Nguyễn
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, một trong những nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 là liên quan đến ngành giáo dục tăng cường các biện pháp, sáng tạo trong công tác phòng chống dịch.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế - xã hội, cung cấp dịch vụ công, giao dịch điện tử.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý phù hợp kiến nghị của các trường quốc tế theo quy định.

Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình. Đồng thời, sở giáo dục và đào tạo sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn của Bộ để tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, một cách phù hợp.

Nhiều địa phương đã triển khai dạy học qua truyền hình. Ảnh: Phan Anh 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các Sở tham mưu ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với sở giáo dục và đào tạo để tổ chức dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện địa phương.

Khi học sinh đi học trở lại, sở giáo dục phải chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình, đảm bảo chất lượng dạy và học.

Sau khi thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, ngành giáo dục của các địa phương hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình, nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.

Trước đó, 150 trường ngoài công lập kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành thông qua gói phương án hỗ trợ.  Lãnh đạo các trường tư thục trình bày "đã kiệt sức về tài chính, năng lượng và cả ý chí".

Học sinh phải nghỉ học liên tiếp nhằm tránh COVID-19, nhà trường không có doanh thu và đang mất dần tính thanh khoản. Có người phải "đem tiền tiết kiệm của gia đình để trả tiền thuê địa điểm, lương giáo viên, điện nước, thuế, phí, tiền vay ngân hàng...".

Các trường này kiến nghị, Thủ tướng cho phép cơ sở đào tạo ngoài công lập hoạt động trở lại để đảm bảo tiến độ học tập của học sinh, trường có doanh thu, giúp ổn định đời sống cán bộ, giáo viên. Các trường cam kết thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh phòng chống dịch.

Đồng thời thực hiện miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội; công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả chương trình học trực tuyến; tạo điều kiện để trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy...

Đến hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có phản hồi, ý kiến cụ thể về kiến nghị của các trường quốc tế, trường ngoài công lập.