(Mặt trận) - Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, tất cả chúng ta phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ. Tận dụng lợi thế sớm kiểm soát được dịch bệnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng lên, với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực, thế giới...
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại trong Báo cáo về phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 20/5.
"Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới" là một trong những nội dung lớn trong Báo cáo của Chính phủ.
Vị thế chủ động trước vận hội mới
Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới, khu vực được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế thế giới sẽ suy thoái nghiêm trọng, vượt xa khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Các trật tự và cấu trúc địa chính trị, kinh tế, xã hội thế giới, khu vực đang thay đổi với sự hình thành nhận thức mới, xu hướng mới và động lực tăng trưởng mới.
“Trong bối cảnh đó, dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều. Việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới không chỉ tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; mà còn cho chúng ta vị thế chủ động trước vận hội mới, thời cơ mới khi cấu trúc kinh tế thế giới, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thay đổi sau đại dịch”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Yêu cầu đặt ra là không chỉ hóa giải các nguy cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, mà còn phải biến thành những cơ hội phát triển mới cho đất nước. Tận dụng lợi thế sớm kiểm soát được dịch bệnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng lên, với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực, thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
|
Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, tất cả chúng ta phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, chủ động tham gia vào các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Đồng thời, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường nội địa quy mô gần 100 triệu dân. Từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính hệ thống và năng lực cốt lõi, có sức đề kháng mạnh mẽ, chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài.
Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ; thực hiện phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả", Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương sẽ nỗ lực hết sức mình, tận dụng tốt các cơ hội thuận lợi, chủ động giải quyết hiệu quả hơn những khó khăn, vướng mắc; xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù, các giải pháp, đối sách mạnh, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phát triển KTXH, vừa phòng chống dịch bệnh.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiệm vụ khôi phục và phát KTXH đất nước đòi hỏi chúng ta cần đánh giá đúng tình hình, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, giải pháp thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và khả thi. Nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp khó khăn nghiêm trọng; trong khi kinh tế thế giới, nhiều quốc gia, đối tác lớn (5 thị trường xuất khẩu chủ lực chiếm 70% kim ngạch thương mại, xuất khẩu của Việt Nam) và đa số các nước ASEAN đều dự báo tăng trưởng âm; thương mại quốc tế giảm sâu tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta.
So với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng KTXH và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới; phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện; để tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương; với nỗ lực phấn đấu cao, Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu NSNN, bội chi NSNN, nợ công (Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị).
Trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KTXH, trong đó xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới, trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP |
Cơ chế, chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển
Cùng với việc thực hiện nhanh, hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách đã được ban hành, Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.
Cụ thể, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.
Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).
Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
|
Ảnh VGP |
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ khẳng định sẽ quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; cơ cấu lại thực chất, phục hồi nhanh nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Thủ tướng nhấn mạnh, chăm lo đời sống nhân dân và phát triển văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Phải phát triển bền vững hơn, thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Chính phủ quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
“Đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới với những khó khăn, thách thức và nhiều vận hội, thời cơ đan xen. Chính trong thời điểm "lửa thử vàng, gian nan thử sức” này, tư tưởng, đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh, ý chí Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Chúng ta hãy siết chặt tay nhau với quyết tâm cao, hướng về phía trước, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ trân trọng đề nghị và mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ, giám sát của Chủ tịch nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể nhân dân và đồng bào, cử tri cả nước.
Theo VGP