Thủ tướng: Vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường, vượt khó

(Mặt trận) - Chiều ngày 8/3, tại tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về hạn hán, xâm nhập mặn, dự báo sẽ diễn ra gay gắt hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Thủ tướng thị sát công trình chống ngập mặn tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết về tình hình dịch COVID-19, khẳng định dịch đang trong tầm kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ. Gần đây, có du khách từ nước ngoài về, gây lây nhiễm bệnh nhưng đã được khoanh lại, cách ly y tế, điều trị. Ngày 7/3, khi phát hiện ca dương tính với COVID-19, một số cá nhân đã tạo không khí thiếu thốn hàng hóa giả tạo, có người có động cơ không tốt, mua vét hàng hóa.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chúng ta đã và sẽ cung cấp đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm ở các tỉnh, thành, nhất là các thành phố lớn, không để thiếu thốn mặt hàng nào, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty làm hết sức mình, cung cấp mọi nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống nhân dân.

Về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự báo năm nay tình hình diễn biến gay gắt hơn năm 2016. Do đó, từ tháng 9/2019, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, vì thế đến nay, đã hạn chế tối đa thiệt hại, như chỉ đạo cấy sớm vụ Đông Xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây lúa ở vùng có khả năng nhiễm mặn. Diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 39.000 ha, chỉ bằng 9,6% so với năm 2016 (có trên 405.000 ha lúa bị thiệt hại). Đây là thành công quan trọng. Tuy nhiên, dự báo tình hình gay gắt hơn năm 2016 nên mức thiệt hại gây ra còn lớn.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các biện pháp trước mắt và căn cơ, lâu dài để phòng chống hạn, mặn. Trước hết là thảo luận các biện pháp giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho người dân, “đây là yêu cầu cấp bách, không thể chậm hơn”. Thứ hai là hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế - xã hội ở khu vực, đặc biệt là tại 5 tỉnh đã phải công bố tình huống khấn cấp về xâm nhập mặn (Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang).

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất giải pháp công trình và phi công trình trên tinh thần Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu và “trong giai đoạn 2021-2025, có công trình cấp bách nào cần làm sớm”. Không chỉ đề xuất giải pháp mà cần liên hệ trách nhiệm, xem còn có sự chậm trễ hay không.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát một số công trình phòng chống hạn, mặn ở tỉnh Bến Tre, gồm đập tạm chặn dòng Ba Lai (đoạn huyện Châu Thành) nhằm ngăn nước mặn từ biển lấn vào đất liền, tạo tuyến kênh chứa nước ngọt và cống An Hiệp, công trình vừa hoàn thành toàn bộ vào tháng 2/2020, vượt tiến độ 3 tháng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2019 và liên tục tăng cao cho đến nay, hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ).

Trong tháng 2/2020, xâm nhập mặn tăng cao từ ngày 8/2 đến 16/2/2020, với ranh mặn 4 g/l tại vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 100-110km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4-6 km; vùng cửa sông Cửu Long từ 66-75km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3-10 km.

Đối với tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn bao phủ toàn bộ phạm vi của địa phương, trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 3, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt đợt từ ngày 7/3 đến 15/3/2020 ở cửa các sông Cửu Long. Cụ thể tại các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), phạm vi ảnh hưởng sâu nhất từ 100-110 km, sông cửa Tiểu, cửa Đại, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 60 km, sông Hàm Luông khoảng 78 km, sông Hậu khoảng 70 km…

Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường; do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4/2020.

Hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt (tổng số hộ dân bị gặp khó khăn năm 2015-2016 là 210.000 hộ). Các hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt đang được các địa phương tăng cường giải pháp để cung cấp đủ nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đánh giá cao nỗ lực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chính quyền 7 tỉnh ven biển của ĐBSCL đã nỗ lực chống hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình hạn mặn năm nay cao hơn năm 2016 nhưng thiệt hại riêng về cây lúa chỉ bằng 9,6% năm 2019. Điều này thể hiện “lời nói đi đôi với việc làm” khi các bộ, địa phương chủ động triển khai các giải pháp được nêu ra tại Hội nghị vào tháng 9 năm ngoái do Thủ tướng chủ trì.

Nhân dân trong vùng có bước chuyển nhận thức rất rõ, coi hạn mặn là một thực tế phải đối mặt, để cùng với chính quyền có giải pháp thích ứng bằng cách thay đổi phương thức sản xuất, dự trữ nước ngọt… “Tôi có quen một đồng chí mà trước đây trồng toàn bưởi, bây giờ chuyển sang trồng dừa thì không bị ảnh hưởng gì”, Thủ tướng lấy ví dụ.

Trước thách thức lớn, khốc liệt của biến đổi khí hậu, thay đổi thượng nguồn, sụt lún tại châu thổ, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp cứng, kết hợp với giải pháp mềm, “biến thách thức thành cơ hội” đã thể hiện rất rõ. Lúa chuyển sớm được mùa lớn. “Mình nói là thuận thiên, giải pháp mềm nhưng bên cạnh đó cũng cần công trình cứng trong thời điểm biến đổi khí hậu sâu sắc này”, Thủ tướng nêu rõ. Nhà nước, các địa phương đã bố trí nguồn lực xây dựng nhiều công trình phòng chống. Hàng loạt đập tạm, giếng đào, khơi mương… đã giải quyết kịp thời nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cụ thể, đến năm 2023, tỉnh Bến Tre bảo đảm không còn tình trạng nhiễm mặn. Đây là bài học các tỉnh ĐBSCL.

Qua mùa khô hạn mặn khắc nghiệt năm 2020, chúng ta rút ra phương châm, “một vấn đề khó, thậm chí rất khó nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung, quyết tâm cao nhất, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề và thành thắng lợi”. Thủ tướng nhấn mạnh, vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc, vượt khó. Trong khó khăn, càng mạnh mẽ, càng tiến lên. “Ý chí của chúng ta là như thế và chúng ta làm được điều đó tại nơi có nhiều tiềm năng và đối diện thiên nhiên khắc nghiệt”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao quà của các cá nhân, tổ chức tặng nhân dân các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về dịch COVID-19, Thủ tướng đề nghị các tỉnh ĐBSCL chủ động, tích cực, trách nhiệm, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chính phủ, Bộ Y tế để triển khai đồng bộ các giải pháp, không chủ quan để ngăn chặn dịch như khai báo y tế, nắm chắc từng khu vực, từng hộ dân, từng khu phố, khu dân cư để khi có người bị lây nhiễm thì chúng ta khoanh vùng, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Hôm qua, có mấy người mắc bệnh mà nhốn nháo thị trường. Tôi đã yêu cầu mở cửa bán lương thực đến 23h đêm một cách đầy đủ nhất, mấy trăm nghìn tấn có ai mua không”, Thủ tướng cho biết, sắp tới, sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc về an ninh lương thực của Việt Nam. “Nhân đây, tôi thông tin rằng, chúng ta đủ cơ sở dự phòng lương thực rất cao”.

Cần phải triển khai kịp thời Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và Chỉ thị 11 của Thủ tướng mới ban hành để giành thắng lợi kép: Không chỉ ngăn ngừa dịch COVID-19 thành công mà còn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Các địa phương không đặt vấn đề rút chỉ tiêu.

Phải khảo sát, đánh giá cơ bản quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra nhiệm vụ 5 năm tới sát đúng, cụ thể, khoa học. Trong đó, có điều tra cơ bản về sụt lún, xói lở.

Cho biết xâm nhập mặn được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao ở ĐBSCL, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Thủ tướng về giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm thiệt hại hơn nữa cho sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi, dự báo nguồn nước thượng nguồn sông Mê Công, nguồn nước về ĐBSCL để thông tin kịp thời tới các cấp, các ngành. Phối hợp với địa phương đánh giá hiện trạng nguồn nước trên địa bàn để cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Không để hộ nào có nguy cơ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách.

Yêu cầu các tỉnh tập trung giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết, sắp tới sẽ tổ chức Hội nghị về công tác này, tại đó, sẽ phê bình, kỷ luật một số đơn vị, cá nhân làm chậm tiến độ giải ngân. “Nếu anh nào giải ngân tốt, chúng tôi sẽ bố trí thêm vốn cho các đồng chí”.

Thủ tướng đồng ý hỗ trợ một kinh phí từ ngân sách trung ương cho 5 tỉnh ĐBSCL theo quy định để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn (như bơm nước; nạo vét cửa lấy nước, kênh rạch; đắp đập tạm ngăn mặn trữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước; khoan giếng, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ thiết bị trữ nước, lọc nước, chi phí chở nước sinh hoạt,...).

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối họp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát các nội dung cấp bách cần hỗ trợ, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sớm. Các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách, hỗ trợ đúng người, đúng việc, không để thất thoát, chống tiêu cực.

Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, có kế hoạch triển khai các công trình bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho vùng ĐBSCL, nhất là đối với vùng ven biển, vùng bán đảo Cà Mau, không để tình trạng bị động, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hàng năm.