Thủ tướng: Trong lúc khó khăn này, cần khơi thông các nguồn lực, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp

(Mặt trận) - Sáng 19/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc khó khăn, thách thức này, cần khơi thông các nguồn lực, giảm chi phí đầu vào, chi phí hành chính, chi phí không chính thức; mọi nơi, mọi lĩnh vực, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải cố gắng, nỗ lực, góp phần vào nhiệm vụ này.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Quang cảnh phiên họp

Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Mọi nơi, mọi lĩnh vực, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải cố gắng, nỗ lực

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Cải cách hành chính luôn được Đảng, Nhà nước xác định là cấu phần quan trọng trong đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước.

Trong 9 tháng vừa qua, dưới sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 mặt công tác của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ hai nhằm đánh giá kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022; đề ra những nhiệm vụ giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động trong các tháng cuối năm 2022.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan kết quả đạt được, nhất là những kết quả nổi bật để tiếp tục phát huy; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nêu rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm, biện pháp khắc phục trong việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ tại kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và của từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Dành thời gian phân tích về những khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới và trong nước, trong đó có sức ép lạm phát lớn, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường như tình hình mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung…, Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc khó khăn, thách thức này, cần khơi thông các nguồn lực, giảm chi phí đầu vào, chi phí hành chính, chi phí không chính thức; mọi nơi, mọi lĩnh vực, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải cố gắng, nỗ lực, góp phần vào nhiệm vụ này, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sức mạnh tổng hợp của cả đất nước, cả dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Với tinh thần đổi mới và ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc cải cách hành chính của đất nước, của bộ, ngành mình; từ đó, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh cải cách hành chính trong các tháng cuối năm 2022, tinh thần là "năm sau tốt hơn năm trước, quý sau tốt hơn quý trước", với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".

Cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong 9 tháng qua, công tác cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp  luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức phiên họp thứ nhất vào tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tạo ra được bước đột phá trong cải cách hành chính năm 2022, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 và Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022 của Ban Chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo thực hiện 44 nhiệm vụ của năm. Đến nay, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ; 2 nhiệm vụ đang trình và 36 nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện.

Từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2022, Chính phủ đã tổ chức tới 6 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua đối với 06 dự án luật; 4 nghị quyết. Tính đến ngày 30/9, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã ban hành 34 văn bản, gồm 24 nghị định, 05 quyết định, 5 thông tư, còn nợ ban hành 16 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 100 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 11 dự án luật, 6 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 59 dự thảo nghị định, 24 dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Về công bố, công khai TTHC, tính từ ngày 01/7 đến ngày 22/9, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 470 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý. Thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tại thời điểm ngày 22/9, có 3.869 TTHC thực hiện tại bộ, cơ quan Trung ương, 1.398 TTHC thực hiện tại địa phương và 1.763 TTHC thực hiện ở các cơ quan ngành dọc tại địa phương. Như vậy, cải cách TTHC đã có bước tiến tích cực so cùng kỳ năm trước.

Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 09, bộ, cơ quan.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, trong đó, đã yêu cầu các bộ, ngành ưu tiên rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước trên 12 lĩnh vực quản lý nhà nước.

Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, tính đến nay, cả nước có 60 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, tỉ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 97,37%.

Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022. Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra, góp ý kiến đối với phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi của 06 bộ, ngành; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất phương án phân cấp đối với hơn 800 TTHC.

Dự kiến giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính đến ngày 15/10, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 11 bộ, cơ quan. Kết quả dự kiến sắp xếp, sẽ giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 8 cục (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 145 vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ cấp trung gian, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ. Đã có 16/19 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Tại địa phương, trên cơ sở các quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, nhiều nơi đã tích cực rà soát, ban hành Đề án sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo thẩm quyền được giao, 58 địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; cấp huyện theo các tiêu chí của Chính phủ. Theo đó, đã giảm 7 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; 1.649 phòng thuộc sở; 273 chi cục thuộc sở; 638 cơ quan chuyên môn và tương đương cấp huyện.

Về biên chế, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương giao biên chế giai đoạn 2022-2026 của cả hệ thống chính trị, theo đó, đến năm 2026 thực hiện giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022-2026, trong đó, năm học 2022-2023 đã giao 27.850 biên chế viên chức giáo dục. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc giao biên chế công chức, viên chức và tuyển dụng viên chức giáo dục bảo đảm kịp thời cho năm học mới.

Về việc ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ Nội vụ đã tham gia phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoàn thiện 18 dự thảo thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và định mức biên chế công chức; 13 thông tư hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc.

Để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngày 14/9, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%).

Về phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tính đến ngày 26/9, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 đạt 97,3% (chiếm 54,67% tổng số TTHC).

Đạt hiệu quả trên cả 6 mặt công tác

Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại cuộc họp nhận định, trong 9 tháng qua, cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...

Các đại biểu thống nhất đánh giá, công tác cải cách hành chính thời gian qua được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tích cực triển khai có hiệu quả trên cả 6 mặt công tác.

Thứ nhất, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được đặc biệt quan tâm, đổi mới và có nhiều chuyển biến. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu người đứng đầu (Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố) trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tăng cường nguồn lực con người, tháo gỡ các vướng mắc về tài chính cho công tác này.

Chính phủ đã tổ chức 6 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thảo luận, cho ý kiến đối với 30 dự án luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật. Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 96 văn bản quy phạm (75 nghị định, 21 quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ); trong đó, nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ hai, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được triển khai sâu rộng, tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, tăng cường phân cấp giải quyết thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.

Đã cắt giảm, đơn giản hóa 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 183 quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật. Cập nhật gần 17.800 quy định hiện hành trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Đã phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực; ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025.

11.700 bộ phận một cửa các cấp trên cả nước được thành lập (56 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh); 53/63 địa phương hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Hơn 4.000 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (trên 61%) và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thứ ba, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt. Tính tới ngày 15/10, đã ban hành Nghị định về tổ chức bộ máy của 11 bộ, cơ quan, dự kiến qua đó giảm nhiều tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập.  Các bộ, ngành đã nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật có liên quan đến phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước.

Thứ tư, cải cách chế độ công vụ được đẩy mạnh, nhất là ở công tác xây dựng hoàn thiện thể chế và tinh giản biên chế.  Đã ban hành 02 nghị định, 4 thông tư liên quan đến chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; 3 dự thảo nghị định đang trong giai đoạn trình ban hành. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trình Bộ Chính trị đồng ý bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho giai đoạn 2022-2026, đã giao gần 27.000 biên chế giáo viên để tháo gỡ việc thiếu giáo viên, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.

Thứ năm, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt kết quả tích cực. Nhiều văn bản quan trọng được ban hành (như các Nghị định quy định về cung cấp thông tin dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, về định danh và xác thực điện tử…).

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tiếp tục được hoàn thiện, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Các nền tảng, hệ thống thông tin hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp tục được vận hành, phát triển (hơn 15,2 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên Trục liên thông văn bản quốc gia; 1.350 phiếu điện tử lấy ý kiến thành viên Chính phủ thực hiện trên Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ).

Hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được xây dựng, đưa vào vận hành. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã số hóa và tạo lập gần 100 triệu dữ liệu dân cư được cấp số định danh cá nhân; cấp hơn 73 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân...

Cần thường xuyên rà soát, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp

 Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sáng 19/10 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực thúc đẩy triển khai công tác cải cách hành chính với nhiều kết quả tích cực, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính. Công tác chỉ đạo cải cách hành chính vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt ở một số bộ, ngành. Tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn tiếp tục tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm.

TTHC trong một số lĩnh vực còn rườm rà (nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai, giáo dục, y tế, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…). Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức; nhiều bộ, ngành chưa có phương án cải cách quy định kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu thường xuyên rà soát, bám sát, lắng nghe, cầu thị trước góp ý, đề xuất, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn chậm.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp tuy có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại một số bộ, ngành tỉ lệ còn thấp. Công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn hạn chế. Kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm, còn xảy ra vi phạm.

Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành cần xác định cải cách hành chính là một khâu quan trọng, đột phá, phải được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành trên cơ sở quan điểm đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là công việc nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì tác động đến con người và tổ chức nhưng khó mấy cũng phải làm, vì không làm sẽ cản trở sự phát triển, các khó khăn không được tháo gỡ, các thách thức khó vượt qua. Quan điểm là phải lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua các thách thức để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, không để lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính, tắc trách và quan liêu của người thi hành công vụ. Trong lúc khó khăn, thách thức này, cần khơi thông các nguồn lực, giảm chi phí đầu vào, chi phí hành chính, chi phí không chính thức; mọi nơi, mọi lĩnh vực, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải cố gắng, nỗ lực, góp phần vào nhiệm vụ này.

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục triển khai

Với quan điểm đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ còn lại trong năm, gồm những việc nợ đọng, nhiệm vụ còn lại được đề ra trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, và được giao tại Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo.

Các thành viên Ban Chỉ đạo, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy công tác cải cách hành chính; quan tâm bố trí nhân lực và các nguồn lực, thời gian cần thiết; kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong từng tháng, từng quý và cả năm, chỉ đạo kịp thời các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính.

Hai là, thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng; cụ thể hóa đầy đủ, chính xác quy định của Hiến pháp, pháp luật; nhanh chóng đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, thực thi có hiệu quả.

Trong đó, tập trung tham mưu, triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành. Về nhiệm vụ này, Thủ tướng lưu ý 2 nội dung: Một là, cần rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của các bộ, ngành, đơn vị, địa phương; hai là phân cấp, phân quyền rõ hơn, cụ thể hơn giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa các bộ, ngành với nhau và giữa các bộ, ngành với các địa phương, đi đôi với nâng cao năng lực cán bộ thực thi, phân bổ nguồn lực phù hợp với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kiểm soát quyền lực, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện định hướng xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội XV, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tập trung nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành để xử lý các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao chất lượng thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đồng bộ, khả thi; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Ba là, khẩn trương, tập trung triển khai 59 nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải cách mạnh mẽ quy định, TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành theo Nghị quyết 131/NQ-CP ngày 06/10/2022; Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC giai đoạn 2021-2025; Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020).

Thủ tướng lưu ý các nhiệm vụ cần hoàn thành ngay gồm thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các bộ chưa có phương án thì khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giai đoạn 2022-2025. Cập nhật đầy đủ, chính xác, công khai, kịp thời và thực hiện tham vấn các quy định, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Trong tháng 12 năm 2022, hoàn thành việc chuẩn hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tổ chức kiện toàn bộ phận một cửa các cấp, triển khai Bộ nhận diện thương hiệu.

Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP. Phấn đấu trong tháng 11 năm 2022, chậm nhất trong quý I năm 2023, hoàn thành việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tập trung duy nhất của bộ, tỉnh; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC.

Hoàn thành việc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC; cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; đánh giá, công khai chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành, địa phương theo Quyết định số 766/QĐ-TTg.

Bốn là, phấn đấu trong tháng 10 năm 2022, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm, tinh thần là nơi nào làm tốt, làm hiệu quả hơn thì giao việc.

Năm là, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức: Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Sáu là, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bảy là, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước. Tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) và nhiệm vụ hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số.

Tám là, đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội cao để nhân dân hiểu, nhân dân làm có hiệu quả, các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng, chú ý phản ánh các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả, nêu các tồn tại, hạn chế và góp ý, hiến kế để các cơ quan làm tốt hơn nữa công tác này.

Sau Phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo bắt tay ngay vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính các tháng cuối năm 2022, bảo đảm đúng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022 và thời gian tới.