Thủ tướng sẽ trực tiếp kiểm tra Hải quan Hải Phòng

“Tôi sẽ trực tiếp kiểm tra ở Hải Phòng và Hải quan Hải Phòng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại Hội nghị trực tuyến diễn ra ngày 23/4.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Một quy trình gấp tiền đầy đủ để chuẩn bị “bôi trơn" tại Hải Phòng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như vậy sau khi ông phân tích những tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản lý xuất nhập khẩu. Muốn thay đổi thì không cách gì khác hơn là cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin.

Chỉ đạo của Thủ tướng cũng là mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Hải quan điện tử đã triển khai từ lâu nhưng có tương thích với các cơ quan khác không, hay mỗi đơn vị một “khoảng trời” riêng, không kết nối được với nhau, cuối cùng thủ công hoàn thủ công.

Nói cho công bằng, để thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, không chỉ hải quan mà còn nhiều ngành khác. Chính thủ tục kiểm tra chuyên ngành làm khổ doanh nghiệp, nhưng cho đến nay, rất ít thủ tục được cắt bỏ, lý do là vì không ngành nào muốn bỏ quyền lực của mình, vì quyền lực đi với quyền lợi.

Thủ tướng chỉ ra rằng: “Điểm ách tắc là thể chế, cần phải khắc phục các tồn tại thể chế pháp luật và cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng cho xuất nhập khẩu, nhất là trong thông quan, hậu kiểm. Nhiều khi do thể chế mà chúng ta ràng buộc sự phát triển”.

Thể chế do con người tạo ra thì con người có thể thay đổi hoặc bỏ đi. Nhưng rõ ràng, ngành nào cũng cho rằng quy định của ngành mình đặt ra là quan trọng, là cần thiết. Cho nên, muốn bãi bỏ hay thay đổi thủ tục, cần có đánh giá khách quan, công tâm. Cũng như muốn loại bỏ điều kiện kinh doanh, trước hết là loại bỏ lợi ích ngay trong chính những người làm chính sách.

Để khắc phục những tồn tại của thể chế thì cần sửa đổi lâu dài, còn trước mắt hãy xử lý nghiêm những tiêu cực trong lực lượng hải quan. Báo Lao Động đã có bài điều tra, chỉ ra tình trạng “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng”, và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia - đã chỉ đạo xác minh, xử lý nghiêm cán bộ Hải quan Hải Phòng có hành vi tiêu cực. Chính phủ kiên quyết, nhưng các địa phương, cục hải quan có nghiêm túc đấu tranh chống lại nạn tiêu cực hay không, điều này cần phải kiểm tra, nếu chỉ nghe cấp dưới báo cáo thì hỏng. Vì thế, Thủ tướng công bố sẽ trực tiếp kiểm tra Hải quan Hải Phòng.

Và rất mong lãnh đạo Chính phủ thường xuyên kiểm tra các cơ quan công quyền phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Phải thay đổi mạnh mẽ bằng hành động, chúng ta đã nói quá nhiều rồi.