Thủ tướng phát động phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”

(Mặt trận) - Sáng 14/8, dưới sự chủ trì, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Hội đồng TĐKT Trung ương) Phạm Minh Chính, Hội đồng TĐKT Trung ương đã tổ chức hội nghị thường kỳ và cũng là hội nghị đầu tiên của Hội đồng nhiệm kỳ 2021-2026.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; các thành viên Hội đồng TĐKT Trung ương.

Hội nghị đã nghe công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Hội đồng TĐKT Trung ương gồm 19 thành viên; phân công nhiệm vụ thành viên Hội đồng TĐKT Trung ương; nghe và thảo luận về dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng TĐKT Trung ương, kết quả thực hiện nhiệm vụ 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 của Hội đồng; báo cáo và thảo luận về việc đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến cho 7 cá nhân.

Thi đua hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện mục tiêu kép

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, trong 7 tháng đầu năm 2021, đất nước tổ chức thành công tốt đẹp nhiều sự kiện trọng đại là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự các cấp...

Đáng chú ý tình hình dịch COVID-19 bùng phát với mức độ nhanh, mạnh, nguy hiểm, tác động xấu đến nhiều mặt đời sống, xã hội. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần thi đua yêu nước, cả hệ thống chính trị cùng với Mặt trận tổ quốc, đoàn thể, nhân dân, doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, thực hiện mục tiêu kép.

Bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Trong đó, chỉ số CPI bình quân 7 tháng tăng 1,64%; thị trường tiền tệ ổn định; tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực, đạt 6,66%; thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 68% dự toán năm; thực hiện vốn FDI tăng 3,8%; giữ vững an ninh năng lượng; bảo đảm cung cấp nước an toàn, liên tục; lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được quan tâm; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được tăng cường... Thủ tướng khẳng định, kết quả trên cho thấy mỗi khi đất nước có khó khăn, tinh thần đại đoàn kết dân tộc lại được khơi dậy, khẳng định.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, so với đòi hỏi của tình hình thì chúng ta vẫn phải cố gắng, thúc đẩy, khích lệ các phong trào thi đua, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực" để có những thành quả mới, “đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn, nỗ lực rồi nỗ lực hơn, hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn”.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có nơi, có lúc chưa đầy đủ, dẫn đến hoạt động chưa chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; chưa có giải pháp thúc đẩy phong trào thi đua, nhất là trong lúc khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh, phong trào thi đua có tác dụng rất lớn, một số điển hình như mô hình ATM gạo, siêu thị 0 đồng, suất cơm 0 đồng, mô hình cách ly ba lớp, "một cung đường hai điểm đến", thiết lập vùng xanh, "3 tại chỗ"; nhân dân các tỉnh miền Bắc tự nguyện chi viện nhân lực, vật lực cho các tỉnh phía Nam... đều xuất phát từ các phong trào thi đua yêu nước.

Quang cảnh phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

“Càng khó khăn thì càng phải thi đua”

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nêu rõ, tình hình hiện nay chúng ta phải hực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên lúc này là chống dịch COVIDI-19. Những địa bàn, những nơi an toàn, kiểm soát được dịch bệnh thì phải ưu tiên cho sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đặc biệt, các cấp, các ngành cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua, huy động sự chung tay, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép.

Thủ tướng nêu rõ, Hội đồng cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tổ chức phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và HĐND các cấp gắn với nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương cơ quan, đơn vị.

Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Những tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, tạo được sự lan tỏa trong xã hội với tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; lưu ý quan tâm các lực lượng ở tuyến đầu trong phòng chống dịch.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tổng kết, nhân rộng, các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, những gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, hội nhập; trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, thực hiện nghiêm các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng bộ với thực hiện các quy định nêu gương.

Bốn là, tiếp tục tập trung xây dựng thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn.

Năm là, nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.

Về quy chế làm việc của Hội đồng, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến thảo luận của các thành viên Hội đồng, phối hợp với các cơ quan, hoàn thiện quy chế, trình Thủ tướng xem xét, ban hành. Quy chế phải có kế thừa và đổi mới, phát huy những kết quả, thành tựu, khắc phục những bất cập trong thời gian qua, bảo đảm đúng luật, chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp tình hình, theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đây là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. “Đã thi đua là phải có phong trào, đã có phong trào thì phải có người phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá. Thi đua không có phong trào thì không có kết quả, có phong trào nhưng không có người lãnh đạo chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thì hiệu quả không cao”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng và các Phó Chủ tịch cùng các thành viên Hội đồng bỏ phiếu tín nhiệm các trường hợp đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng và các Phó Chủ tịch cùng các thành viên Hội đồng bỏ phiếu tín nhiệm các trường hợp đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Thủ tướng phát động đợt thi đua đặc biệt

Đặc biệt, tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương  đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Trong lời phát động, Thủ tướng nêu rõ: Mỗi thời kỳ cách mạng đều gắn với các phong trào thi đua, các phong trào ấy đã cổ vũ lớn lao, khơi dậy khát vọng dân tộc, truyền cảm hứng, lan tỏa hành động trong mọi tầng lớp Nhân dân để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và sứ mệnh lịch sử qua các thời kỳ. Đó là phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, giặc ngoại xâm”, phong trào “ba sẵn sàng” “ba đảm đang” “5 xung phong”, “ 2 giỏi”, phong trào “Đồng Khởi” ở miền Nam… Và gần đây là phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” hay “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…. Bác Hồ đã nói “Đừng lầm tưởng tinh thần thi đua là công việc khác những công việc hằng ngày. Thật ra, công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua”.

Đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Dịch bệnh có thể còn kéo dài và đang đặt ra thách thức lớn cho chúng ta trong công tác phòng, chống dịch và những nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ và hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19 ngày 29/7/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nỗ lực vượt khó, của dân tộc ta trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, tôi phát động Phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Nhắc tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cơ quan, đoàn thể, các địa phương và đồng bào, chiến sĩ cả nước cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm, năng động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ, huy động các nguồn lực xã hội, động viên, khích lệ mọi người dân tự giác, tích cực tham gia phong trào phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Đồng thời, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, tạo nguồn lực để tập trung chống dịch, bảm đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống của nhân dân, đặc biệt là người có công, người có hoàn cảnh khó khăn.

Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia chống dịch, thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ, đặc biệt khi thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, tăng cường “4 tại chỗ” và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho nhân dân.

Cùng với đó, toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung vào công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay nhưng không xem nhẹ các nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ phát triển KT-XH để thực hiện “mục tiêu kép”. Các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành ở Trung ương nỗ lực hết mình, bám sát tình hình thực tiễn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, có các giải pháp tổng thể, đồng bộ, linh hoạt, kịp thời trong phòng, chống dịch để đạt hiệu quả cao nhất.

Cấp ủy và chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; kiểm soát tốt tình hình, có các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó trong mọi tình huống.

Các lực lượng chống dịch tuyến đầu: cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an, nhà báo, đội tình nguyện… tiếp tục thi đua, thể hiện ý chí “chân cứng đá mềm”, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái, tận tâm, tận lực phục vụ đồng bào; đồng thời bảo đảm an toàn chống dịch.

Các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần và sức mạnh, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; thi đua phòng, chống dịch, duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh, chăm lo việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động.

Các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, thương nòi, “lá lành đùm lá rách”, “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; sẵn sàng hỗ trợ vượt qua khó khăn. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa con người Việt Nam, hành động có trách nhiệm vì bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, chấp hành tốt quy định của các cấp chính quyền, nhất là những nơi phong tỏa, cách ly, phải thực hiện nghiêm ngặt người cách ly với người, ai ở đâu thì ở đó để ngăn chặn nguồn lây, góp phần sớm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

Thủ tướng cũng lưu ý Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang thi đua đồng hành cùng các bộ, các ngành, các địa phương; làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch.

Đồng thời các cơ quan thông tấn, báo chí thi đua làm tốt công tác tuyên truyền; thông tin khách quan, chính xác, kịp thời về tình hình và các biện pháp phòng chống dịch; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, tấm gương tiêu biểu với tinh thần “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; cổ vũ, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, tiếp thêm sức mạnh, truyền cảm hứng và niềm tin tất thắng vào “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19.

“Tôi yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đề cao vai trò, trách nhiệm, tất cả vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, phát hiện, khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”.

“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân “triệu trái tim, một ý chí”, sự ủng hộ, giúp đỡ của đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế, nhất định chúng ta sẽ sớm chiến thắng đại dịch COVID-19; để đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới và nhân dân có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng tin tưởng./.