(Mặt trận) - Sáng 3/4, chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị Chính phủ với địa phương. |
Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số ban, ủy ban, cơ quan của Trung ương Đảng và Quốc hội; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023
Phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024, đề ra nhiệm vụ công tác tháng 4 và Quý 2/2024; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình giải ngân đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; kết quả thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV…
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai công việc, phản ứng chính sách kịp thời hơn với quyết tâm chính trị cao; ngày càng chủ động, vững vàng, linh hoạt, trách nhiệm, hiệu quả hơn; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng cũng như phát sinh mới.
Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; kết quả tháng 3 tốt hơn tháng 1 và tháng 2; tính chung Quý I hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong đó, ADB dự báo năm 2024 Việt Nam tăng trưởng 6%, Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,3%; Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2023 tăng 12 bậc. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Chỉ số hạnh phúc năm 2024 xếp thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023.
Các đại biểu cho rằng, bên cạnh thành tựu, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần nỗ lực vượt qua như: Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm; thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro; nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn...
Lãnh đạo các địa phương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành một số kiến nghị như sớm phê duyệt một số dự án quan trọng trên địa bàn, nhất là các dự án phát triển hạ tầng; giao chuyển và chuyển mục đích sử dụng đất; tiếp tục cụ thể hóa các chương trình, đề án, nhất là việc phân cấp xử lý thủ tục các dự án thuộc 3 chương trình, mục tiêu quốc gia, đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; khắc phục thiếu các chuyến bay hàng không phục vụ nhu cầu đi lại; hoàn thiện các quy định về nuôi biển…
Sau khi nghe các ý kiến của các đại biểu và giải đáp của các bộ, ngành, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 3 và từ đầu năm đến nay, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng nêu “10 mặt được” trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Trong đó, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020; thị trường chứng khoán phục hồi tích cực, chỉ số VN Index tăng trên 13%, giá trị giao dịch tăng 28,2%, vốn hóa thị trường 12,2% so với cuối năm 2023; kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán; các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh; tình hình tài chính, ngân sách nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét; đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng với xu hướng tích cực.
Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Thực hiện “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”
Chỉ rõ 5 tồn tại, hạn chế và 5 nguyên nhân, 5 bài học kinh nghiệm; quán triệt quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải bám sát các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Cùng với đó, nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; tăng cường đoàn kết, thống nhất; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục kịp thời các hạn chế trong phản ứng chính sách của một số cơ quan, đơn vị; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền. Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, truyền thông, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, tạo đồng thuận của xã hội.
Để chứng minh cho các quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng cho biết, nếu không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thì việc triển khai hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu khó có thể đạt tới 99,6% như hiện nay; hay sau nhiều năm chậm trễ, việc xây dựng đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối chỉ sau hơn nửa năm triển khai sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6 này.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, nhấn mạnh phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024, Thủ tướng yêu cầu, thực hiện “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”. Trong đó, nêu cao tinh thần “5 quyết tâm” gồm: Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”; Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật; Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.
Theo Thủ tướng “5 bảo đảm” phải thực hiện tốt là: Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát; bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường như thị trường bất động sản, thị trường vốn…; bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Cùng với đó người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, tập trung thực hiện “5 đẩy mạnh” là: Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi. Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển; giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân; không tạo thêm rào cản cho người dân, doanh nghiệp; xử lý, giải quyết các vấn đề, dự án tồn đọng kéo dài. Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, về hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển thời kỳ mới. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo, lập nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, triển khai có hiệu quả Đề án 06 và Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu và tin tưởng các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời; đoàn kết, nhất trí; tích cực, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; điều hành quyết liệt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ... thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
TTXVN