Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lập tổ hành động để sản xuất bằng được vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất

(Mặt trận) - Đến thăm và động viên cơ sở nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng COVID-19 tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tháo gỡ ngay mọi khó khăn, vướng mắc về thủ tục, quy trình, nghiên cứu lập tổ hành động với người đứng đầu có đủ thẩm quyền để thúc đẩy sản xuất bằng được vaccine phòng chống COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát khu cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM (thành phố Thủ Đức). Ảnh: VGP/Nhật Bắc 
 Thủ tướng đề nghị Ban quản lý ký túc xá thường xuyên vệ sinh phòng dịch, tăng cường bố trí camera giám sát. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 Thủ tướng trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo TPHCM về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại TPHCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen tại khu công nghệ cao TPHCM - đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine Nanocovax phòng chống COVID-19.

Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.

Thời gian qua, Thủ tướng đã đặc biệt quan tâm thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước. Thủ tướng đã làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19, làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Công ty Vabiotech...

Tại cuộc làm việc với Công ty Nanogen sáng 26/6, Thủ tướng đề nghị Công ty và các bộ liên quan báo cáo cụ thể, làm rõ các vấn đề về công nghệ, nguyên liệu, năng lực sản xuất, hiệu quả so sánh với các loại vaccine khác, giá thành sản phẩm vaccine Nanocovax đang được thử nghiệm.

Trong cuộc điện đàm cách đây ít ngày, Tổng Giám đốc WHO đã chia sẻ với Thủ tướng thông tin về tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu có thể kéo dài đến tháng 9. Lý do là việc tiếp cận các nguồn vaccine chưa bình đẳng, các nước sản xuất được vaccine và có thể cung ứng đang ưu tiên cho nước họ, hoặc ưu tiên cho các nước khẩn cấp hơn, còn Việt Nam nhìn trên bình diện toàn quốc vẫn cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thủ tướng thăm Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen - đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 Nanocovax tại khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Thủ tướng nêu rõ, chiến lược vaccine của Việt Nam bao gồm việc mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và tổ chức tiêm vaccine thần tốc, hiệu quả nhất. Trong đó, quan trọng nhất là làm sao có được vaccine. "Vaccine có tính chất quyết định, nước nào tiêm được vaccine thì sẽ đưa cuộc sống trở lại bình thường", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, sản xuất vaccine trong nước đòi hỏi quá trình xây dựng nền tảng lâu dài, đầu tư về con người, cơ sở vật chất và công nghệ. "Nhưng đường gần mấy mà không đi cũng không đến, còn nếu đi thì xa mấy cũng sẽ đến. Trăm nghe không bằng một thấy, cuộc làm việc hôm nay là để tận mắt chứng kiến nơi sản xuất và kiểm tra về tiến độ, năng lực sản xuất của Công ty để đẩy nhanh việc sản xuất vaccine trong nước", Thủ tướng chia sẻ. Để có được vacccine phải tiếp cận bằng nhiều hướng, nhưng sản xuất được vaccine trong nước sẽ giúp giảm giá thành vận chuyển và quan trọng nhất là chúng ta sẽ giành được thế hoàn toàn chủ động. Theo đề nghị của Thủ tướng, WHO đã đồng ý cử đoàn chuyên gia hỗ trợ Việt Nam sản xuất vaccine phòng chống COVID-19.

Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen cho biết, Công ty đang thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax giai đoạn 3 (gồm 3a và 3b) trên 13.000 tình nguyện viên và sắp tới sẽ tiêm thử nghiệm giai đoạn 3c trên 1 triệu người, đây là một trong những nghiên cứu có quy mô lớn nhất trên thế giới về vaccine.

Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ sinh học dược Nanogen giới thiệu với Thủ tướng về cải tiến công nghệ đóng lọ vaccine có sẵn kim tiêm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Công suất sản xuất hiện tại của Công ty đạt khoảng 8 đến 12 triệu liều mỗi tháng và tới tháng 9 có thể lên tới 30 đến 50 triệu liều mỗi tháng. Trước yêu cầu tiêm chủng quy mô lớn trên cả nước, Công ty đã tiến hành nhiều cải tiến công nghệ, như đóng lọ vaccine có sẵn kim tiêm, thuận tiện và nhanh chóng hơn nhiều khi tiêm.

Đáng chú ý, Công ty cho biết đang hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thời gian tới, tổ chức này sẽ xem xét đưa Nanocovax vào chương trình COVAX nếu đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, hàng chục quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ đề nghị hợp tác, chuyển giao công nghệ, phân phối vaccine của Công ty.

Lãnh đạo công ty khẳng định, yêu cầu quan trọng nhất với vaccine Nanocovax là phải an toàn, sinh miễn dịch tốt. Vaccine này có giá thành khoảng 120.000 đồng mỗi liều và giá này không thay đổi. Công ty đề nghị Bộ Y tế bám sát, cử đội đặc nhiệm để hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết công nghệ sản xuất của Nanogen đang làm là cơ bản tốt, tất nhiên cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Trước đề nghị của Công ty, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề chuyên môn.

Theo thông lệ quốc tế, tất cả vaccine phòng COVID-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn, đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ. Bộ đã đề nghị Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia cho triển khai thử nghiệm Nanocovax giai đoạn 3 theo phương thức gối đầu lên giai đoạn 2. "Quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy quá trình thử nghiệm nhưng phải bảo đảm an toàn cho sinh mạng của con người", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Cũng theo Bộ trưởng, việc tham gia, đồng hành của WHO trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine sẽ giúp thúc đẩy nhanh hơn quá trình này, đồng thời bảo đảm tính khách quan, cơ sở khoa học chắc chắn hơn  khi cấp phép, sử dụng.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng hoan nghênh Công ty Nanogen đã chủ động, mạnh dạn, đầu tư nghiêm túc, bài bản cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19, đi thẳng vào vấn đề mà đất nước, nhân dân đang cần. Việc nghiên cứu, sản xuất phải tuân thủ các quy trình, quy định chặt chẽ, bảo đảm an toàn, có hiệu quả trong ngăn chặn dịch bệnh với chi phí cạnh tranh, chấp nhận được để người dân ủng hộ.

Tinh thần là phải đẩy nhanh hơn quy trình thử nghiệm lâm sàng, “thay vì đi từng bước một thì phải bước nhanh hơn, thậm chí phải chạy trong lúc nước sôi lửa bỏng, cháy nhà chết người”. Công ty đã sẵn sàng, chủ động được kinh phí, các bộ ngành phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến tài chính, quy trình, thủ tục. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục cản trở việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine.

Cùng với đó, hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu cấp bách hiện nay, nhất là về thử nghiệm lâm sàng. Các bộ, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và nhất là ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp liên quan tới phòng chống dịch bệnh, sản xuất vaccine. Các cơ quan cần có kế hoạch, lộ trình làm việc với WHO để làm sao sớm nhất đáp ứng nhu cầu vaccine, có được vaccine nhanh nhất có thể.

Trước đề nghị của Công ty Nanogen, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu lập tổ hành động (task force) hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine do một đồng chí có đủ thẩm quyền để phụ trách, có thể là Bộ trưởng hoặc Phó Thủ tướng để thúc đẩy vaccine sản xuất trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu chủ động vaccine để tiêm miễn phí cho toàn dân, không chỉ trong năm nay mà trong những năm tới, đây là  nhiệm vụ chiến lược vừa trước mắt, vừa lâu dài. Về phía công ty, Thủ tướng đề nghị xử lý hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất tại TPHCM đã cho thấy cả những điểm mạnh và điểm yếu, phải tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, trên tinh thần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Thời gian tới, Thủ tướng sẽ tổ chức các buổi làm việc với các cơ sở chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, các nhà khoa học, nhà quản lý, tiếp tục giải quyết các ách tắc, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động này theo hướng tổng thể, bài bản, chiến lược hơn.