Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang

(Mặt trận) - Sáng ngày 16/7, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022. Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại tướng David Petraeus

Khai mạc Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đề án hợp nhất 2 Bộ NN&PTNT, TN&MT phải dựa trên tư duy quản lý tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực

Thủ tướng xem bản đồ tích hợp các dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Hậu Giang - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Tại Hội nghị, tỉnh Hậu Giang giới thiệu với các nhà đầu tư về những lợi thế, tiềm năng và những dự án trọng điểm của tỉnh để có chiến lược đầu tư lâu dài; các đại biểu chia sẻ, đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung để tỉnh tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290 ha; ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mở ra cơ hội phát triển mới cho Hậu Giang; đồng thời tiếp nhận nhiều khoản tài trợ, ủng hộ của các nhà đầu tư dành cho công tác an sinh xã hội tại địa phương. Trong đó, dự án được ký biên bản ghi nhớ có quy mô lớn nhất có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch của Tập đoàn Him Lam.

Thủ tướng bắt tay Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Nhà đầu tư khẳng định niềm tin với Chính phủ Việt Nam

Ông Han Jae Jin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhắc lại, các doanh nhân Hàn Quốc tại Việt Nam đã đóng góp hơn 10 triệu USD phòng, chống dịch COVID-19, cùng người dân Việt Nam vượt qua các khó khăn trong đại dịch; bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã không phân biệt đối xử trong việc chia sẻ khó khăn trên hành trình vượt qua đại dịch.

"Chính phủ Việt Nam một lần nữa đã cho thấy rõ ràng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tạo ra một môi trường đầu tư bình đẳng, công khai và minh bạch đối với các nhà đầu tư nước ngoài và cùng nhau chia sẻ những lợi ích và rủi ro", ông nói.

Hiện tại, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những xáo trộn trong chuỗi cung ứng do hậu quả của đại dịch và các yếu tố rủi ro địa chính trị, đồng thời đang bị thâm hụt cán cân vãng lai và bất ổn ngoại hối do giá cả tăng vọt, xuất khẩu chậm lại và dòng vốn nước ngoài chảy ra ngoài. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 quốc gia.

"Với sự lãnh đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã có thể tạo ra một cơ cấu kinh tế mở và độc lập trong thời điểm khó khăn này; bảo đảm an ninh lương thực với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), an ninh năng lượng, duy trì thặng dư cán cân vãng lai thông qua thặng dư thương mại và dòng vốn đầu tư từ phát triển công nghiệp chế tạo.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc  

Ngoài ra, cơ cấu tài khóa hợp lý với chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt trong đợt đại dịch vừa qua giúp Việt Nam có đủ năng lực để đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng xã hội dựa trên nguồn tài chính của Chính phủ trong vài năm tới", ông nói.

Ông nhận định ĐBSCL là nơi sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng này. Và tỉnh Hậu Giang, trung tâm của cơ sở hạ tầng hậu cần ĐBSCL, sẽ có thể xây dựng nên câu chuyện thành công hiệu quả nhất.

Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của hệ thống đường thủy nội địa sông Cửu Long, có tổng số 2.300 km sông, rạch, nằm ở trung điểm của nhiều tuyến đường cao tốc, cách sân bay và cảng biển chỉ 30 km từ ranh giới tỉnh. Những cơ sở hạ tầng giao thông này là chìa khóa cho hậu cần và sản xuất. 78.000 ha đất trồng lúa chiếm một nửa diện tích của tỉnh, đóng vai trò then chốt trong an ninh lương thực quốc gia.

Những năm qua, Hậu Giang đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong đó, tỷ trọng GRDP của ngành sản xuất công nghiệp năm 2015 chỉ đạt 18,12%, năm 2020 là 24,58%, năm 2025 dự kiến là 29,84%.

"Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng đề cập rằng chính quyền địa phương không nên phụ thuộc vào chính quyền Trung ương mà nên vận dụng tốt tài nguyên đất đai, tài chính và nguồn nhân lực theo một chiến lược dài hạn một cách chủ động. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính ở cấp chính quyền địa phương để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, làm rõ trách nhiệm trong công việc, xây dựng chính quyền địa phương loại bỏ quan liêu và cải thiện môi trường kinh doanh", ông nói.

Do đó, ông Han Jae Jin tin rằng với cơ sở hạ tầng giao thông, cơ cấu nhân lực, những nỗ lực cải cách hành chính, Hậu Giang sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư và đạt được sự tăng trưởng kinh tế vượt trội thông qua kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất.

Luôn giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì, kiên quyết

Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích về các yếu tố nền tảng để Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng thu hút đầu tư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Phát biểu tại Hội nghị, chia sẻ trước lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích về các yếu tố nền tảng để Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng thu hút đầu tư.

Trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh, là một dân tộc trải qua nhiều mất mát, hi sinh, chịu nhiều gian khổ, khó khăn vì chiến tranh nên Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, tôn trọng, quý mến bạn bè, đối tác quốc tế.

Yếu tố nền tảng thứ hai, Việt Nam đang tập trung xây dựng 3 trụ cột gồm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (xóa quan liêu bao cấp, phát triển nền kinh tế đa thành phần, hội nhập quốc tế sâu rộng, tuân thủ theo quy luật thị trường, quy luật cung - cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết); nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (mọi người dân, mọi doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp và được luật pháp bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình một cách tốt nhất); nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam (chỉ có phát huy dân chủ thì mọi người, mọi doanh nghiệp được phát biểu, tôn trọng và lắng nghe, phát huy tốt năng lực của mình cho sự phát triển của đất nước).

Để phát huy nền tảng này, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa yếu tố con người Việt Nam về trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức và các năng lực khác; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội.

Yếu tố nền tảng thứ ba, Việt Nam kiên trì, kiên định, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân.

Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy vì mục tiêu phát triển trên thế giới và khu vực và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; không chọn bên mà chọn công bằng, công lý, lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài, nhưng không tự cung, tự cấp mà chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Đến nay, Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do với thị trường trên 60 nước, có những thị trường lớn nhất thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Theo Thủ tướng, thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới đã chứng tỏ đường lối nói trên là đúng đắn. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Hiện, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các đột phá về thể chế, nhân lực và hạ tầng để thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian phân tích về những giải pháp và kết quả trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hơn 2 năm vừa qua. Từ đầu năm 2022 tới nay, tình hình có nhiều diễn biến nhanh, khó lường, dịch bệnh tiếp tục phức tạp tại nhiều nước trên thế giới với biến chủng mới. Cạnh tranh chiến lược gay gắt, nhiều nước thay đổi các chính sách. Áp lực lạm phát tăng mạnh do tác động của việc tăng giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, nguyên vật liệu từ bên ngoài, nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng… trên thế giới. Các vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, an ninh thông tin… nổi lên.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, GDP quý II tăng 7,72%, cao nhất trong 11 năm trở lại đây, góp phần quan trọng vào mức tăng 6,42% của cả 6 tháng đầu năm 2022. Việt Nam đang triển khai Chương trình nhằm phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội với quy mô 340.000 tỷ (khoảng 4% GDP) tập trung vào y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, không để suy thoái kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ kịp thời, linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường các mặt hàng chiến lược, thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững; phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

"Trong bối cảnh có nhiều biến động, với những yếu tố nền tảng như trên, Việt Nam vẫn đứng vững, ổn định và phát triển. Chúng ta giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên định, kiên trì, kiên quyết để tận dụng các thời cơ, thuận lợi, hóa giải các khó khăn, thách thức. Yếu tố xuyên suốt và bao trùm là trí tuệ, phẩm chất, năng lực con người Việt Nam, truyền thống văn hóa lịch sử tốt đẹp của dân tộc", Thủ tướng nói.

Những kết quả đạt được là do sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát, đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Chính phủ, Thủ tướng sẵn sàng làm việc, chia sẻ, đối thoại với bất kỳ đối tác nào

Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Vấn đề lớn thứ hai được Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu là môi trường đầu tư của Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, phải luôn luôn đổi mới tư duy và hành động để xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng, công bằng, đồng hành thực chất, hiệu quả với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn và hỗ trợ đúng quy định của pháp luật, dứt khoát không hợp thức hóa các sai phạm nhưng phải tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, không "bỏ mặc" doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. 

Trên tinh thần khiêm tốn, cầu thị học hỏi, lắng nghe, Chính phủ, Thủ tướng sẵn sàng làm việc, chia sẻ, đối thoại với bất kỳ đối tác nào trên cơ sở chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, Thủ tướng khẳng định.

Về tỉnh Hậu Giang và ĐBSCL, Thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển vùng ĐBSCL, quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt, các công trình hạ tầng chiến lược của vùng và liên vùng đang được ưu tiên đầu tư.

Trong đó, như các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích, Hậu Giang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển, như có vị trí địa kinh tế quan trọng; là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, trung tâm lúa gạo; có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nguồn lực con người; những nỗ lực, giải pháp, cách làm thiết thực, hiệu quả của địa phương thời gian qua.

Thủ tướng mong muốn Hậu Giang không để tiềm lực ngủ quên, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất cân đong đo đếm được, biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, nguồn lực con người; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên.

UBND tỉnh Hậu Giang ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tập đoàn Him Lam dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 
Thủ tướng chúc mừng và mong muốn các nhà đầu tư đến với Hậu Giang với tình cảm, nghiêm túc, chân thành, trách nhiệm, tin cậy - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực để các nhà đầu tư xem xét, cân nhắc, ưu tiên đầu tư vào Hậu Giang như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển công nghiệp, nhất là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm, đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ; đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là đầu tư phát triển du lịch, logistics, hạ tầng thương mại, công nghệ thông tin…

Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư đến với Hậu Giang với tình cảm, nghiêm túc, chân thành, trách nhiệm, tin cậy, yêu quý mảnh đất, con người nơi đây, coi Hậu Giang là quê hương thứ hai, chia sẻ với người dân, với địa phương trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, quan tâm công tác an sinh xã hội, cùng chăm lo đời sống người dân địa phương.

Thủ tướng đề nghị Hậu Giang cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Người dân đồng hành, chia sẻ với các nhà đầu tư, với chính quyền địa phương.
Thủ tướng đề nghị các bên phải thực hiện bằng được những điều đã cam kết để việc xúc tiến đầu tư thực chất, hiệu quả, "đã hứa là phải làm", ai làm tốt phải khen thưởng, động viên, bảo vệ, ai làm sai, làm không đúng thì phải có giải pháp xử lý.