Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ

(Mặt trận) - Chiều tối 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18 – NQ/TW) chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn và một số Bộ trưởng là  Ủy viên Ban Chỉ đạo.

Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo nghiên cứu, thảo luận đề xuất nhiệm vụ, phương án, giải pháp về đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI, nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Trong đó, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu một số mô hình, kinh nghiệm; đồng thời đề xuất việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan trong thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã họp Phiên thứ nhất và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa qua đã xác định rõ nhiệm vụ về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và tinh gọn tổ chức bộ máy.

Cho rằng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, trong khi thời gian không còn dài, Thủ tướng yêu cầu việc thực hiện phải thống nhất và quyết tâm rất cao, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, khoa học, khách quan, trên tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt; làm việc nào, dứt việc đó”.

Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo hoặc Tổ công tác do người đứng đầu làm Trưởng ban để triển khai ngay các nhiệm vụ về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ; xây dựng phương án sắp xếp, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, ngành, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy phải song song với việc sắp tổ chức Đảng tại các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời rà soát, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, quyền hạn; đặc biệt trú trọng bố trí, sắp xếp nhân sự và chính sách cán bộ trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo kế hoạch chung của Chính phủ; hướng dẫn các Bộ, ngành, cơ quan tổ chức tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Quá trình triển khai đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy phải không làm ảnh hưởng công việc, phải có sự nối tiếp, liên tục, thông suốt, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ năm 2024, cả nhiệm kỳ 2021 – 2025 và Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Đối với việc sắp xếp các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xây dựng các Tập đoàn kinh tế lớn - những “quả đấm thép” của đất nước, còn các doanh nghiệp nhỏ, chuyên ngành giao cho các Bộ, ngành vừa quản lý Nhà nước, đại diện chủ sở hữu. Riêng về tên gọi các bộ, ngành, cơ quan sau sắp xếp, các Bộ, ngành tham khảo, đề xuất phương án trình Ban Chỉ đạo xem xét và trình cấp có thẩm quyền.