Thủ tướng: Lắng nghe ý kiến, xem 'hỗ trợ đã đến nơi, đến chốn chưa'

(Mặt trận) - Sáng 13/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19 khi mà giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy cũng là yêu cầu cấp bách…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lựa chọn phương án tối ưu nhất trong sắp xếp tổ chức bộ máy

Chủ tịch nước Lương Cường trả lời phỏng vấn nhân dịp đón Năm mới 2025: Khẳng định vị thế Việt Nam trong dòng chảy thời đại

“Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc“

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tham dự có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, VCCI…

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, trong đó mức độ thiệt hại đối với cộng đồng doanh nghiệp rất nặng nề, có những ngành bị ảnh hưởng rất lớn như du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống… Không chỉ các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp Nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn chồng chất. Trước tình hình ấy, nếu không nhìn thấy, không có sự động viên, khích lệ, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự vươn lên của doanh nghiệp thì doanh nghiệp, nhân tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Thủ tướng hoan nghênh một số sáng kiến về vấn đề này, cho rằng tiếp theo các gói hỗ trợ thì nên có một hội nghị với doanh nghiệp toàn quốc để lắng nghe thêm ý kiến, để kiểm tra, “xem sự hỗ trợ của chúng ta đã đến nơi, đến chốn chưa, có gì vướng mắc”. Thủ tướng mong muốn lắng nghe đầy đủ ý kiến của các loại hình doanh nghiệp, các hiệp hội… để có quyết sách đúng.

Do đó, cần tổ chức hội nghị này nhằm xử lý, giải quyết các vấn đề, hỗ trợ, động viên, lắng nghe ý kiến của các loại hình doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phản ánh tâm tư, nguyện vọng để khắc phục các bất cập, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vươn lên.

Thủ tướng nêu rõ, việc đầu tiên trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng nhiệm vụ thứ 2 rất quan trọng đối với Chính phủ là bảo vệ lực lượng sản xuất, trước hết là các loại hình doanh nghiệp để kinh tế không bị đổ gãy. “Chúng ta đã có một số biện pháp hỗ trợ thì chúng ta tiếp tục lắng nghe có những biện pháp trong thời gian tới, những biện pháp như vậy đã bao quát chưa”.

Thủ tướng lấy ví dụ về một giải pháp ít tốt kém mà Nhà nước làm được là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt, “sự chậm trễ, cửa quyền, rườm rà, phức tạp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển”. Cơ chế nào ràng buộc, gây khó, Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh tinh thần là tìm mọi biện pháp để tháo gỡ, tạo thuận lợi cho mọi loại hình doanh nghiệp vươn lên, làm sao có dòng vốn mới đầu tư vào Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, cần có một sản phẩm sau hội nghị, có thể là một nghị quyết hay văn bản nào đó về vấn đề này.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức hội nghị, ý kiến các bộ, ngành cho rằng, mục tiêu là động viên, khích lệ cộng đồng doanh nghiệp bình tĩnh, tự tin, vững bước vượt qua khó khăn, thách thức; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Hội nghị đề cập đến chủ đề doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ khởi động nền kinh tế.

Bày tỏ cảm ơn Thủ tướng sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp, các chiến sĩ trên mặt trận chống suy giảm kinh tế, rất trông đợi sự kiện này, để làm sao có thể tận dụng được “thời gian vàng” phục hồi kinh tế.

Ông cho rằng sau hội nghị, cần có một chương trình hành động cụ thể tiếp sức cho doanh nghiệp trụ vững và có thể hồi phục trong thời gian tới. Chương trình này cần có có địa chỉ, có thời gian, có người thực hiện, có chế tài cụ thể.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trước hết, các bộ cũng phải tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, chứ không phải vấn đề gì cũng đẩy lên Thủ tướng; nhấn mạnh việc Chính phủ tiếp tục đổi mới trong điều hành thông qua áp dụng công nghệ, xây dựng Chính phủ điện tử.

Một số ý kiến đề xuất tổ chức hội nghị theo hình thức vừa trực tuyến vừa truyền hình trực tiếp để cộng đồng doanh nghiệp và người dân theo dõi.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, mặt trận thứ nhất là “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân là chiến sĩ trên mặt trận đó. Bây giờ, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đã khó khăn nhiều, phải có mặt trận thứ 2 là mặt trận phát triển kinh tế, trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là chiến sĩ. “Chúng ta giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay”.

Thủ tướng khẳng định sự cần thiết tổ chức hội nghị để phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19 với chủ đề hướng vào tái khởi động nền kinh tế sau dịch.

Về sản phẩm sau hội nghị, Thủ tướng gợi ý, có thể là một quyết định về chương trình hành động tái khởi động nền kinh tế hoặc một nghị quyết nêu các biện pháp cần thiết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp…

Tại hội nghị, cần có báo cáo về tình hình doanh nghiệp hiện nay và các định hướng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển các loại hình doanh nghiệp, giữ nhịp độ phát triển.

Thủ tướng nhất trí việc tổ chức hội nghị theo hình thức vừa trực tuyến vừa truyền hình trực tiếp và thời gian tổ chức vào thời điểm phù hợp, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh bởi bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất.