(Mặt trận) - Chiều 13/2 (tức mùng 4 Tết Giáp Thìn), Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công trường dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; làm việc với các cơ quan liên quan về dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và phương án đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công trường dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có ý nghĩa quan trọng, khi hoàn thành sẽ kết nối các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (đang triển khai), các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
|
Thủ tướng nghe báo cáo về tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc này, thời gian chạy xe từ TPHCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu được rút ngắn, chỉ còn khoảng 70 phút thay vì 150 phút và thường xuyên ùn tắc như hiện nay.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7 km (qua tỉnh Đồng Nai 34,2 km, qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5 km), đầu tư theo quy mô đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 04 đến 06 làn xe theo từng đoạn, giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 06-08 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án gần 18.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần; thời gian thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16 km, do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 6.012 tỷ đồng; thành phần 2 dài hơn 18 km, do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 6.852 tỷ đồng; thành phần 3 dài khoảng 19,5 km, do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 4.964 tỷ đồng.
Dự án đã khởi công xây dựng vào ngày 18/6/2023. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương, dự án thành phần 1 có 02 gói thầu xây lắp; đang thực hiện công tác chuẩn bị và triển khai thi công hiện trường.
Dự án thành phần 2 có 02 gói thầu xây lắp; đang triển khai thi công một số hạng mục có mặt bằng (sản lượng đạt khoảng 3%). Dự án thành phần 3 có 01 gói thầu xây lắp; đang triển khai thi công và đạt tiến độ rất tốt, sản lượng đã đạt khoảng 12%.
Vướng mắc chủ yếu hiện nay của dự án là công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dẫn đến tiến độ thi công không đáp ứng theo kế hoạch. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng do 02 tỉnh thực hiện, trong khi dự án thành phần 3 do Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đã đạt 96%, thì dự án thành phần 1 mới bàn giao 5%, thành phần 2 bàn giao gần 20% (do Đồng Nai thực hiện).
|
Thủ tướng động viên đội ngũ cán bộ kỹ sư thi công tuyến cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sau nghe các báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Đồng Nai vừa qua đang phải triển khai giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án hạ tầng lớn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực cử tổ công tác với các cán bộ giỏi vào làm việc trực tiếp, hỗ trợ Đồng Nai trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình điện… hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6/2024.
Về nguyên vật liệu, Thủ tướng đồng ý chủ trương lấy đất cát khai thác từ quá trình xây dựng sân bay Long Thành làm nguyên vật liệu đắp nền cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm tốt công tác giải ngân cho dự án, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí 600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu năm 2023 để bổ sung cho Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai dự án thành phần 3 trong năm 2024.
Bộ Giao thông vận tải cùng các địa phương, cơ quan nghiên cứu bổ sung các nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả cao tốc.
|
Thủ tướng tặng quà cán bộ kỹ sư thi công tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
|
Thủ tướng yêu cầu phấn đấu thông xe tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trong năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng yêu cầu phấn đấu thông xe tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm 2025.
Về việc đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thành phương án nguồn vốn trong tháng 2/2024.
Dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55 km, quy mô 4 làn xe đã được đưa vào sử dụng từ năm 2016, là tuyến giao thông quan trọng kết nối TPHCM với vùng Đông Nam Bộ, do VEC hiện đang là chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác.
Sau khi đưa vào khai thác, tuyến cao tốc đã bắt đầu quá tải và trong vài năm trở lại đây, lưu lượng xe cộ lưu thông trên tuyến ngày càng đông dẫn đến tình trạng ùn ứ diễn ra thường xuyên./.
Theo VGP